Thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn

Xã hội - Ngày đăng : 07:52, 20/07/2013

Năm 2010, vợ chồng tôi thuận tình ly hôn. Theo quyết định của tòa án, vợ tôi là người có quyền nuôi con. Đầu năm 2013, vợ cũ của tôi kết hôn lần hai và hiện đang giao con cho người thân chăm sóc. Đề nghị luật sư cho biết, tôi có thể đưa cháu về nuôi được không và nếu có, tôi sẽ phải thực hiện những thủ tục gì? Nguyễn Hoàng Quân (Quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Năm 2010, vợ chồng tôi thuận tình ly hôn. Theo quyết định của tòa án, vợ tôi là người có quyền nuôi con. Đầu năm 2013, vợ cũ của tôi kết hôn lần hai và hiện đang giao con cho người thân chăm sóc. Đề nghị luật sư cho biết, tôi có thể đưa cháu về nuôi được không và nếu có, tôi sẽ phải thực hiện những thủ tục gì?
Nguyễn Hoàng Quân (Quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Tiến sỹ, luật sư Vũ Thái Hà (Công ty Luật TNHH YouMe; ĐT: 0913. 55.99.44, website: www.youmevietnam.com) trả lời:
- Tại các Điều 92, Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con và quyền thăm nuôi con sau khi ly hôn như sau: Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con, không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này.

Tại Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, quy định: Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên.

Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên, nếu ông Nguyễn Hoàng Quân có đủ căn cứ chứng minh rằng vợ cũ không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con thì có thể yêu cầu tòa án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Trường hợp con của ông đã từ đủ chín tuổi trở lên thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con còn cần phải xem xét đến nguyện vọng của cháu.

Theo các quy định tại khoản 3 Điều 27, điểm a khoản 1 Điều 33, điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự, để thực hiện quyền yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, ông Quân có thể gửi hồ sơ tới tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ cũ của ông cư trú để được giải quyết.

Hồ sơ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, bao gồm: - Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; - Bản án ly hôn; - Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân (bản sao chứng thực); - Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực); - Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có căn cứ và hợp pháp.