Bài 2: Gần dân và vì dân
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:34, 20/07/2013
Địa chỉ đầu tiên tổ công tác làm chứng minh nhân dân CA quận Cầu Giấy tìm đến là gia đình cụ Nguyễn Văn Am - nguyên Giám đốc CA khu Việt Bắc cũ. Cụ Am năm nay đã 93 tuổi nhưng vẫn minh mẫn nhớ lại lần cuối cùng đi làm chứng minh nhân dân cách đây đã mấy chục năm. Khi cảnh sát khu vực (CSKV) phường Yên Hòa thông báo nhiều trường hợp người cao tuổi như cụ Am chưa đổi được chứng minh nhân dân do điều kiện sức khỏe, con cái bận rộn, chỉ huy CA quận Cầu Giấy đã chỉ đạo tổ cấp chứng minh nhân dân đến tận nhà làm các thủ tục cấp mới ngay trong ngày nghỉ cuối tuần.
Hình ảnh người chiến sĩ Công an Hà Nội trở nên gần gũi với người dân Thủ đô. |
Cũng như cụ Am, vợ chồng cụ Cao Thượng Lương, 87 tuổi và Nguyễn Thị Hồng Vân cũng được CSKV đến tận nhà làm chứng minh thư. Khi biết được tin này, hai cụ hết sức vui mừng. Cụ bà dậy sớm thay quần áo cho cụ ông, chải chuốt tinh tươm đợi sẵn để chụp ảnh mới. Đoàn công tác có mặt, hoàn tất các thủ tục cần thiết cũng là lúc cụ Lương rưng rưng: "Cả đời chúng tôi đi chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của đất nước. Nay đã già rồi, đi đâu con cái phải dìu nhưng được chứng kiến việc các đồng chí CA không quản ngại vất vả, bỏ cả ngày nghỉ để xuống tận nhà làm chứng minh thư cho người cao tuổi làm tôi rất vui. Hành động đẹp này thật xứng là người chiến sĩ CA Thủ đô vì nhân dân phục vụ".
Ở số 6, tổ 54 phường Yên Hòa, gia đình cụ Nguyễn Thị Lụa (90 tuổi) và cụ ông Đỗ Lâm Tùng vẫn nhận ra Thiếu tá Lê Văn Toàn, Phó Trưởng CA phường Yên Hòa (trước là CSKV), từng ngày đêm đến thăm hỏi động viên hai cụ. Cụ Lụa và cụ Tùng bị mất chứng minh nhân dân nên khi phải đi khám chữa bệnh, làm bảo hiểm… rất bất tiện. Cũng như những hoàn cảnh khác, tổ công tác đã chủ động giúp hai cụ kê khai từng chi tiết, chụp ảnh, lăn dấu vân tay phục vụ cho việc cấp mới chứng minh thư. Thiếu tá Lê Văn Toàn thông báo sau khi làm xong chứng minh nhân dân, CSKV sẽ mang tới tận nhà trao tận tay khiến niềm vui của hai cụ như càng nhân lên.
Thượng tá Nguyễn Văn Thủy, Phó Trưởng CA quận Cầu Giấy cho biết: "Không chỉ cấp mới chứng minh nhân dân cho các trường hợp người già yếu, cũng trong chiều thứ bảy cùng ngày, ở phường Yên Hòa, đơn vị còn cấp đính chính cho hàng trăm hộ khẩu trên địa bàn do thay đổi địa giới giữa các tổ dân phố thời gian gần đây".
Không quản hiểm nguy giữ gìn ANTT
Trong kỳ thi ĐH 2013 vừa qua, hình ảnh của các chiến sĩ CA trên mặt trận phòng chống tội phạm đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân. Lấy vụ những trinh sát hình sự bắt đối tượng móc túi của thí sinh trên xe buýt khi vừa kết thúc ngày thi cuối của đợt thi ĐH thứ nhất vừa qua làm ví dụ. Lúc đó, vào khoảng 11h trưa 5-7 trên tuyến xe buýt 34 đi qua địa bàn quận Ba Đình, các trinh sát phát hiện hai thanh niên nghi vấn đã theo suốt hành trình từ điểm trung chuyển bến xe Long Biên đến đoạn phố Ngọc Khánh. Lợi dụng lúc lên xuống xe hỗn loạn, một đối tượng đã móc chiếc điện thoại và ví tiền của nữ sinh rồi đưa cho đồng bọn đứng bên cạnh. Đúng lúc đó, cả hành khách và hai tên trộm bất ngờ khi những trinh sát hình sự trong trang phục sinh viên tình nguyện ra tay khống chế. Hai tên trộm nhanh chóng bị quật ngã. Tất cả mọi người trên xe đã đồng loạt vỗ tay khen ngợi. Nhiều người còn tích cực cùng các trinh sát giải hai tên trộm về CA phường Ngọc Khánh. Thí sinh Phạm Thị Phương (SN 1995) quê Phù Cừ, Hưng Yên là người bị hại xúc động cho biết: "Em cảm phục tinh thần dũng cảm, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm nguy hiểm của các chiến sĩ CA Hà Nội".
Trung tá Đinh Đức Đạo, Đại đội phó, Đại đội 5, Trung đoàn Cảnh sát cơ động CA thành phố đã kể cho chúng tôi nghe một ví dụ khác. Theo Trung tá Đạo, vào đêm khuya, các đối tượng chơi bời, rượu chè… không có tiền, lợi dụng người bị hại đi một mình mang theo tài sản có giá trị nên thường manh động. Trước những thủ đoạn của tội phạm, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo các cán bộ, chiến sĩ quyết tâm đấu tranh. Đơn vị cũng đã xây dựng quy chế ứng xử văn minh, thanh lịch với người dân và cương quyết đấu tranh với các loại tội phạm lợi dụng đêm tối hành sự. Do đó, vào 3h sáng 11-7, tổ công tác do Thiếu úy Nguyễn Đình Thành làm Tổ trưởng khi làm nhiệm vụ tại khu vực phố Tràng Tiền nhận được tin báo: Chị Nguyễn Phương T. (20 tuổi) ở quận Hoàn Kiếm, vừa bị kẻ cướp tấn công, rạch mặt và giật đi chiếc điện thoại iPhone 5 tại khu vực đường Bạch Đằng. Thiếu úy Thành ngay lập tức thông báo các tổ tuần tra của Đại đội 5 chia lực lượng kiểm tra. Khi đi đến khu vực phố Hàng Khay (quận Hoàn Kiếm), Thiếu úy Thành và đồng đội phát hiện một nam thanh niên đang ngồi trên ghế đá có nhiều biểu hiện nghi vấn nên tổ chức kiểm tra hành chính và phát hiện đối tượng có một chiếc iPhone 5 trùng khớp với mô tả của chị T. vừa bị cướp. Đối tượng Đô Văn Hưng (22 tuổi) ở Chương Mỹ khai nhận, nửa đêm lang thang trên phố vì thiếu tiền ăn chơi, nhìn thấy chị T. bước xuống taxi, tay cầm điện thoại nên đã bám theo. Khi thấy thời cơ thuận lợi, hắn xông tới bịt miệng, lấy vật nhọn cứa vào mặt và cướp điện thoại của nạn nhân.
Như những bông hoa đẹp
Trong đợt thi ĐH vừa qua, Báo Hànộimới đã kịp thời đưa những thông tin và hình ảnh xúc động về các chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) tận tụy với công việc và nhân ái trong cuộc sống khi ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ nhiều thí sinh hoàn cảnh khó khăn. Những tấm gương đó đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân cả nước. Kỳ thi ĐH thứ hai sau đó, người dân cả nước lại được chứng kiến những hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CA Thủ đô, từ việc đưa cụ bà và cháu bé về đoàn tụ cùng gia đình đến việc tình nguyện là những "hiệp sĩ" mùa thi...
Bên cạnh những việc phát huy những nét đẹp của CA Thủ đô, thời gian vừa qua cũng ghi nhận việc CA thành phố thẳng tay loại bỏ nhiều "con sâu làm rầu nồi canh" bằng cách kỷ luật nhiều cán bộ, chiến sĩ sách nhiễu nhân dân khi thực thi công vụ. CA thành phố cũng đã đưa ra quyết định điều chuyển nam CSGT bụng phệ, hình thức thấp bé, nói năng không đúng mực sang làm công việc ngồi bàn giấy thay vì trực tiếp hướng dẫn, xử lý giao thông nhằm giảm bớt áp lực trong quá trình giao tiếp giữa người thực thi công vụ với người dân. Bên cạnh đó, mỗi CSGT Hà Nội còn phải mang theo mình một cuốn cẩm nang về cách hành xử với người dân… Những việc làm này nằm trong lộ trình gồm 8 bước của CA Hà Nội nhằm giúp hình ảnh CSGT Thủ đô trở nên thân thiện và gần gũi hơn với người dân.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội khẳng định, những đức tính hy sinh vì cộng đồng, dám nghĩ, dám làm sẵn sàng làm cọc tiêu phân luồng giao thông khi đường phố bị ngập, xả thân bắt cướp giúp dân vì cuộc sống bình yên không phải hiếm gặp. Chỉ riêng trong kỳ thi ĐH 2013 vừa qua, Phòng CSGT - CA thành phố đã nhận được rất nhiều thư cảm ơn của sĩ tử và phụ huynh cả nước gửi tới. Những việc làm tốt của cán bộ, chiến sĩ CA thành phố đang ngày càng nở rộ như những bông hoa đẹp trong rừng hoa nghìn việc tốt của Thủ đô.