Thực hiện 9 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội: Nền tảng để Thủ đô phát triển bền vững

Chính trị - Ngày đăng : 06:09, 20/07/2013

(HNM) - Với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của cả nước, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng...

Những ngày này, lực lượng công an phụ trách địa bàn và cán bộ cơ sở đang tỏa đến các hộ dân ở nội thành để hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 12/2013/TT-BCA sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12-10-2010 quy định về đăng ký xe. Việc cải cách thủ tục hành chính không chỉ tạo thuận lợi tối đa cho người dân, giúp quản lý phương tiện chặt chẽ hơn, mà còn là dịp để công an tiếp xúc trực tiếp với người dân, tạo sự gần gũi, gắn kết trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, củng cố thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Từ hiệu quả "kép" thực hiện Thông tư 12, chỉ sau 15 ngày làm điểm tại phường Ngô Thì Nhậm, Công an quận Hai Bà Trưng quyết định nhân rộng mô hình ra 20 phường trên địa bàn. Các quận, huyện khác cũng đang đánh giá việc làm điểm để nhân rộng.

Lực lượng 141, Công an TP Hà Nội ra quân làm nhiệm vụ Ảnh: Bá Hoạt



Đổi mới hình thức triển khai Thông tư 12 chỉ là một trong nhiều nội dung CATP Hà Nội cùng các cấp, ngành đã và đang tích cực tổ chức nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình số 05 của Thành ủy "Tăng cường QP-AN, bảo đảm TTATXH". Xuất phát từ yêu cầu bảo đảm ANTT, kế hoạch - mô hình 141, sáng kiến của CA Thủ đô chính thức triển khai từ ngày 3-8-2011 nhằm: Kiểm tra, xử lý các đối tượng điều khiển mô tô, xe máy lạng lách đánh võng, chở người sai quy định, mang theo vũ khí khi tham gia giao thông. Với lực lượng chủ công là CSGT - CSCĐ - CSHS, hoạt động theo phương thức cắm chốt tập trung ở một khu vực, hỗ trợ nhau khi cần thiết, mô hình 141 cho thấy tính hiệu quả trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm, đồng thời xây dựng "thương hiệu" mạnh cho CA Thủ đô. Thống kê sơ bộ trong hơn một năm, 15 tổ công tác đặc biệt của CATP đã kiểm tra, xử lý hơn 35.000 trường hợp, tạm giữ trên 22.000 phương tiện. Hơn 2.200 vụ việc và 2.400 đối tượng có dấu hiệu tội phạm được bàn giao cho cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền cùng nhiều vũ khí, tang vật…

Bên cạnh đó, lực lượng công an đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự đô thị... Đáng chú ý, lực lượng công an đã phát hiện, ngăn chặn hàng loạt chiến dịch chống phá của các tổ chức phản động lưu vong người Việt; ngăn chặn ý đồ lợi dụng các vấn đề nhạy cảm (vấn đề Biển Đông, vụ Văn Giang, Tiên Lãng…) để kích động biểu tình trái phép. An ninh trong tôn giáo và an ninh nông thôn được giải quyết tốt. Công an các cấp đã chủ động phối hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Lực lượng công an đã điều tra, khám phá 5.795 vụ, bắt 9.322 đối tượng phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 75,1%; khám phá 394 vụ trọng án, bắt 834 đối tượng, đạt tỷ lệ 91,7%. Những vấn đề nóng, gây bức xúc trong xã hội đều được lực lượng công an tập trung giải quyết như trấn áp tội phạm có tổ chức, các ổ nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen; tội phạm có yếu tố nước ngoài; tội phạm sử dụng vũ khí nóng và vũ khí tự tạo; phòng, chống cướp, cướp giật và phòng chống tội phạm trên tuyến; phòng ngừa cướp có vũ khí tấn công các cơ sở kinh doanh, chế tác vàng, đá quý, quỹ tín dụng, ngân hàng; phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em… Chỉ riêng trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, toàn lực lượng đã điều tra, khám phá 2.826 vụ, 3.163 đối tượng vi phạm và phạm tội về kinh tế (khởi tố 408 vụ, 627 bị can); trong đó có 57 vụ tham nhũng; thu về cho ngân sách 346 tỷ đồng; thu cho cơ quan và người bị hại 435 tỷ đồng. Nhiều mô hình phòng chống tội phạm được xây dựng phát huy hiệu quả, đặc biệt là mô hình chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT...

Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

Bám sát yêu cầu Chương trình số 05, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện tốt phương châm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với củng cố và tăng cường QP-AN. Điều này được thể hiện rõ trong xây dựng Quy hoạch phát triển KT-XH TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển KT-XH thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có kết hợp chặt chẽ với các nội dung về quân sự, quốc phòng. Cùng với đó, thành phố đã triển khai nhiều công việc quan trọng như: Điều chỉnh quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ thành phố (2010-2015)… nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với QP-AN.

Hơn hai năm thực hiện Chương trình số 05, trên địa bàn Thủ đô không xảy ra đột biến bất ngờ; thế và lực QP-AN được tăng cường sức mạnh thêm một bước. Trong thành tích chung, không thể không kể đến vai trò quan trọng của hai ngành chủ lực trong thực hiện Chương trình 05 là Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chủ động, sáng tạo trong tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng của mình; lực lượng vũ trang (LLVT) Thủ đô thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác quốc phòng và quân sự địa phương; phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn, cháy nổ, cháy rừng, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần giữ vững ANCT, TTATXH.

Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch, phương án chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu thực hiện nhiệm vụ tác chiến hằng năm, LLVT Thủ đô thường xuyên diễn tập, luyện tập phương án tác chiến, giải quyết các tình huống cụ thể, qua đó nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và hiệu quả hiệp đồng tác chiến của các LLVT và nhân dân. Cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu, phối hợp tổ chức thành công, bảo đảm tuyệt đối an toàn các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tại 13 quận, huyện; diễn tập chiến đấu trị an tại 232 xã, phường. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, an toàn. Công tác bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng được thực hiện bảo đảm theo quy định với trên 108.435 lượt cán bộ thuộc đối tượng 2, 3, 4, 5 và gần 1.000 chức sắc, chức việc tôn giáo được bồi dưỡng kiến thức QP-AN... Tiềm lực, sức mạnh quốc phòng và khu vực phòng thủ qua đó được xây dựng ngày càng vững mạnh.

Sát cánh cùng lực lượng công an, LLVT Thủ đô trong thực hiện Chương trình số 05 còn có khối các cơ quan tư pháp đã có những giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng, xét xử, thi hành án theo hướng xử lý kịp thời, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Sự vào cuộc của các cấp, ngành cũng góp phần quan trọng xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân; nâng cao được vai trò thế trận lòng dân trong sự nghiệp bảo đảm QP-AN trên địa bàn Thủ đô. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để kinh tế - xã hội Thủ đô dù trong thời kỳ khó khăn nhưng vẫn thu được nhiều kết quả đáng khích lệ với tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước 1,5 lần.

Trước tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế trong nước dự báo còn khó khăn... đòi hỏi các cấp, ngành tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng; chú trọng trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia; tổ chức tốt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh mạnh mẽ với các loại tội phạm. Tăng cường QP-AN, bảo đảm TTATXH là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, đòi hỏi các cấp, các ngành không ngừng nỗ lực thực hiện thì mới đạt được mục tiêu, yêu cầu chương trình đã đề ra.

Ý kiến nhân dân
Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ):Môi trường nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp

Những năm trước đây, không phải các địa phương không quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, thế nhưng lực bất tòng tâm. Bởi lẽ, nhân lực phục vụ công tác thu gom rác thải thì có nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, dẫn đến tình trạng địa phương nào cũng trong cảnh đầu làng, cuối xã đâu đâu cũng thấy rác, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Từ ngày về với Hà Nội, thành phố đã chú trọng đến công tác quy hoạch, đầu tư kinh phí cho nhiều địa phương xây dựng điểm tập kết rác hợp vệ sinh. Lượng rác sau khi thu gom được xử lý khá triệt để nên môi trường khu vực ngoại thành xanh, sạch hơn. Ở huyện Phúc Thọ, hiện nay xã nào cũng được đầu tư kinh phí xây dựng 1-3 điểm tập kết rác hợp vệ sinh. Hơn nữa, công tác tuyên truyền về vệ sinh môi trường được triển khai lồng ghép thường xuyên đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn môi trường sống ở khu dân cư.

Anh Nguyễn Đức Vỵ, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất): Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể

Trước khi sáp nhập về Hà Nội, ba xã Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đều là địa bàn vùng xa, có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm. Số hộ nghèo luôn ở mức cao. Tuy nhiên, sau 5 năm hợp nhất, được thành phố quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở, tình hình kinh tế - xã hội ở các địa phương này đều có chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất kinh tế tăng, chất lượng giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế… được quan tâm và đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Đồng bào dân tộc phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, ở ba xã đã xuất hiện những cơ sở sản xuất chăn nuôi tiêu biểu làm giàu cho gia đình và góp phần đổi thay diện mạo nông thôn mới, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể từ mức trên hai con số trước đây nay chỉ còn dưới 5%.

Ban Bạn đọc lược ghi

Nhóm PV Nội chính