Chuyển cơ quan điều tra 35 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng
Đời sống - Ngày đăng : 17:29, 19/07/2013
Kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng
Theo Thanh tra Chính phủ, trong quý II/2013, cơ quan này đã ban hành kết luận 7 cuộc thanh tra; xây dựng báo cáo và hoàn thiện kết luận 17 cuộc thanh tra, tiếp tục tiến hành 9 cuộc thanh tra.
Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 2.270 cuộc thanh tra hành chính, đã kết thúc thanh tra trực tiếp 1.656 cuộc, phát hiện vi phạm 984 tỷ đồng; hơn 448 ha đất; kiến nghị thu hồi 143 tỷ đồng; hơn 397 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 330 tập thể, 716 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét 42 vụ.
Lực lượng thanh tra chuyên ngành tiến hành 74.658 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của 211.901 tổ chức, cá nhân, phát hiện 110.047 tổ chức, cá nhân có vi phạm; ban hành 102.725 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 260 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 2.621 tỷ đồng.
Trong khi đó, tình hình khiếu nại của công dân trong quý II tăng so với quý I cả về số lượt, số đoàn đông người và số vụ việc. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu vẫn liên quan đến đất đai. Một số vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết, xem xét bảo đảm đúng quy định nhưng công dân vẫn tiếp khiếu kiện với thái độ gay gắt.
Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên cả nước đã tiếp 147.012 lượt công dân; 985 lượt đoàn đông người đến trình bày 57.282 vụ việc. Qua giải quyết 15.224 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, các bộ, ngành, địa phương đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước hơn 21,5 tỷ đồng; 2,7 ha đất; trả lại cho công dân hơn 22,5 tỷ đồng; hơn 16 ha đất các loại; trả lại quyền lợi cho 671 người, kiến nghị xử lý hành chính 91 người; chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 13 người.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, nhân dân; triển khai các biện pháp phòng ngừa như công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cải cách hành chính, ban hành và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn…
Qua công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thanh tra đã chuyển cho cơ quan chức năng điều tra 6 vụ, 35 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 1,7 tỷ đồng, và có hành vi tham nhũng số tiền 755 triệu đồng; qua công tác giải quyết khiếu nại tố cáo phát hiện 4 vụ, 6 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng; qua việc tự kiểm tra nội bộ đã phát hiện 6 vụ, 7 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 8,4 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/5, cả nước đã rà soát toàn bộ 528 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đã xem xét, giải quyết 456 vụ việc. Hiện còn 68 vụ việc chưa giải quyết dứt điểm do tính chất phức tạp, nhiều vụ liên quan đến cơ chế, chính sách, cần phải có thời gian nghiên cứu và tính thống nhất cao giữa các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo xem xét, giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào cũng cho biết thêm, trong số 456 vụ việc đã được giải quyết, vẫn còn đến 37 trường hợp không đồng ý với kết luận thanh tra và tiếp tục khiếu nại.
Tập trung giải quyết dứt điểm 63 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài
Trong quý III/2013, Thanh tra Chính phủ tập trung giải quyết dứt điểm 63 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài và chuyển sang kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khác phát sinh; ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc, tiếp tục triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiện vi phạm. Ngành thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư; giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh; triển khai các cuộc thanh kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định phòng, chống tham nhũng...
Tại cuộc họp báo, liên quan đến câu hỏi của báo chí về kết luận thanh tra về kiên cố hóa trường, lớp học, Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh cho biết: Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên và Chương trình xây dựng nhà ở cho sinh viên bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là chủ trương lớn của Chính phủ, đã thực hiện trên diện rộng. Việc thanh tra nhằm đánh giá việc thực thi pháp luật, cũng như việc đạt các mục tiêu quan trọng của chương trình. Qua thanh tra, thấy các bộ, ngành đặc biệt là các địa phương đã nỗ lực cao trong việc thực hiện chương trình, góp phần cải thiện điều kiện giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, do Đề án đưa ra mục tiêu cao, có nhiều đề xuất chưa sát với thực tế nên đánh giá một cách tuyệt đối thì chưa đạt. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng có một số sai phạm như việc tuân thủ định mức đầu tư, thủ tục có những vi phạm... Đến nay, đã kết thúc thanh tra và có những kiến nghị để kịp thời chấn chỉnh sai phạm. Trong tháng 7 đầu tháng 8 sau khi có thông báo chính thức của Thủ tướng Chính phủ sẽ công khai trên các phương tiện báo chí, truyền thông.
Cũng theo Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh, sở dĩ việc đơn thư khiếu nại, tố cáo có xu hướng gia tăng trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân như: cơ chế chính sách chưa phù hợp, công tác quản lý còn yếu kém, tiêu cực; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đến nơi đến chốn... “Trong tháng tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị chuyên sâu về vấn đề này tại 3 miền để khắc phục từng bước tình trạng trên” - Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh nhấn mạnh.