Ngân hàng giảm lãi suất huy động: Cơ hội của doanh nghiệp?

Tài chính - Ngày đăng : 06:15, 19/07/2013

(HNM) - Trong số báo ra ngày 18-7, Hànộimới đã có bài viết nêu bật tình trạng các ngân hàng đang chạy đua tìm đủ mọi cách để tăng trưởng mức tín dụng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 12%.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Hàng hải. Ảnh: Như Ý


Dẫn đầu cho làn sóng điều chỉnh lãi suất huy động là Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) với việc giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống 5%/năm. Đối với các kỳ hạn khác, từ 2 tháng đến 9 tháng vẫn dao động trong khoảng 6,5-7%/năm. Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (Agribank) cũng kéo lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 5%/năm, trong khi duy trì lãi suất huy động với kỳ hạn 1 năm trở lên là 8%/năm. Như vậy, so với trần lãi suất theo quy định của NHNN đối với kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, lãi suất huy động đã giảm 2%/năm. Tuy nhiên, khác với nhiều lần trước, Vietcombank và Agribank mở màn cho việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động không khiến các ngân hàng khác lo lắng, chạy theo. Cho đến nay, hệ thống ngân hàng vẫn "im hơi, lặng tiếng", chưa có thêm ngân hàng nào "nối gót" 2 ngân hàng trên trong việc giảm lãi suất huy động VND.

Lý giải cho việc hai ngân hàng lớn mở đầu giảm lãi suất, các chuyên gia cho rằng, nguồn vốn gửi tiết kiệm tiếp tục tăng trong khi nguồn vốn vay khá ít nên buộc phải điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm để tiết giảm chi phí. Thực tế cho thấy, 6 tháng đầu năm, tín dụng của Vietcombank bị âm do một số khách hàng lớn đáo hạn các khoản vay USD và khiến dư nợ cho vay USD giảm mạnh. Trong khi đó, nguồn tiền gửi tiếp tục tăng. Tương tự Agribank cũng dư thừa nguồn tiền đầu vào nhưng số DN và cá nhân vay còn hạn chế. Bất chấp lãi suất cho vay đã giảm xuống mức trung bình 10%/năm đối với hầu hết DN, nguồn vốn vẫn không được giải phóng. Khả năng hấp thụ vốn của DN chưa được cải thiện là nguyên nhân chính cho tình trạng "nghẽn" vốn cho vay. Nền kinh tế nhiều khó khăn, hàng tồn kho còn, đơn đặt hàng thêm không có nên DN chỉ tìm cách duy trì hoạt động, không dám mở rộng nên không vay vốn.

Đại diện một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội nhận định, khó có làn sóng giảm lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng sau việc các ngân hàng lớn đồng loạt điều chỉnh giảm. Mặc dù nguồn vốn đều dư thừa, kể cả đối với những ngân hàng nhỏ, song không dám kéo lãi suất huy động xuống thấp ở mức 5%/năm. Bởi nếu chạy đua giảm lãi suất, ngân hàng nhỏ sẽ phải đối mặt với việc người dân rút tiền để gửi sang ngân hàng lớn. Thực tế là nếu ngân hàng nhỏ và lớn cùng huy động với lãi suất như nhau, lựa chọn của người dân thường rơi vào ngân hàng lớn, khi đó, ngân hàng nhỏ sẽ có nguy cơ thiếu thanh khoản. Hơn nữa, đây chưa phải thời điểm "nóng" về sử dụng nguồn vốn của DN cũng như người dân, bởi nhu cầu vay vốn thường tăng cao vào cuối năm, nên hầu hết ngân hàng sẽ phải duy trì thu hút nguồn tiền gửi tiết kiệm để đáp ứng vốn cho cuối năm. Tất nhiên, lãi suất huy động giảm sẽ giúp giảm chi phí và là tiền đề để các ngân hàng có thể kéo lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa. Nhưng, vấn đề hiện nay không còn là lãi suất, vì lãi suất cho vay tại hầu hết ngân hàng ngang bằng nhau, khoảng cách lãi suất gần như không còn. Thậm chí giữa các ngân hàng còn cạnh tranh ngầm để thu hút khách hàng vay bằng việc giảm mạnh lãi suất. Với những ngân hàng nhỏ không thể giảm lãi suất huy động sẽ tìm cách tiết giảm chi phí hoạt động khác để vẫn có khả năng đưa lãi suất cho vay xuống ngang với ngân hàng lớn.

Hiện lãi suất cho vay đối với DN phổ biến ở 10%/năm, thậm chí có DN được vay với mức thấp hơn, khoảng 7-8%/năm theo chương trình ưu đãi của ngân hàng. Đối với khách hàng vay tiêu dùng, lãi suất đã xuống 12-13%/năm, giảm nhiều so với những thời điểm trước khi ở quanh ngưỡng 20%/năm. Đây là mức lãi suất hợp lý, đúng với kỳ vọng của DN. Nhưng để nguồn vốn đến với nhiều DN, cần duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài hơn. Bởi hiện nay, hầu hết ngân hàng chào lãi suất ưu đãi thấp

7-8%/năm cho kỳ hạn ngắn, DN vẫn ngại tiếp cận, nếu kéo dài thời gian ưu đãi lên 6 tháng hay hơn nữa, DN mới dám vay để mở rộng sản xuất - kinh doanh.

ĐỨC ANH