Đã có bước chuyển về chất và lượng
Chính trị - Ngày đăng : 05:48, 19/07/2013
Trước hết, có thể thấy việc thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TƯ và Chương trình 32/CTr-TU được đặt trong bối cảnh suy thoái kinh tế lan rộng và kéo dài, tác động trực tiếp tới đời sống, việc làm của CNVCLĐ. Tuy nhiên, xác định tầm quan trọng của việc xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH Thủ đô và đất nước, LĐLĐ TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai một cách bài bản, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể, hướng dẫn các cấp CĐ xây dựng kế hoạch, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, không dàn trải, chú trọng phát huy tối đa hiệu quả các chương trình liên kết, phối hợp hành động với cấp ủy, chính quyền các cấp. Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, giúp cơ sở chấn chỉnh những lệch lạc cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Giai cấp công nhân đã không ngừng nâng cao trình độ, thực sự là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH Thủ đô và đất nước. Ảnh: Bá Hoạt |
Không ngừng cải thiện đời sống người lao động
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Trần Văn Thực cho biết, để thực hiện hiệu quả vai trò, nhiệm vụ của các cấp CĐ, Hà Nội đã xây dựng 5 chương trình hành động thiết thực. Đó là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN; xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, nâng cao chất lượng cán bộ CĐ; tăng cường công tác vận động nữ CNVCLĐ trong tình hình mới; đổi mới, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn pháp luật cho CNVCLĐ; phối hợp chăm lo, bảo vệ quyền lợi CNVCLĐ. Cả 5 chương trình đều được triển khai song song, sâu rộng. Do đó việc chăm lo, cải thiện đời sống cũng như bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của CNVCLĐ đã có những bước chuyển đáng mừng. Cụ thể LĐLĐ thành phố đã tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố chú trọng đầu tư, xây dựng các dự án nhà ở tại các khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX), đến nay đã giải quyết chỗ ở cho hơn 12.000 CNLĐ; LĐLĐ thành phố đã phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại 3.500 DN, truy thu gần 100 tỷ đồng tiền nợ đọng BHXH; tổ chức kiểm tra hơn 1.600 cuộc về an toàn lao động, phát hiện xử lý nhiều sai phạm, bảo vệ quyền lợi cho gần 35.000 người lao động; phối hợp hướng dẫn cho CNLĐ xây dựng trên 500 dự án vay, với trên 60 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm, trên 30 tỷ đồng từ Quỹ trợ vốn CNLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm mới cho trên 6.000 lượt người với mức thu nhập tăng thêm từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng/tháng…
Bên cạnh đó, hằng năm LĐLĐ đã phối hợp UBND thành phố tổ chức tiếp xúc, đối thoại với CNLĐ trong các KCN&CX. Cụ thể trong 5 năm đã tổ chức 328 cuộc với gần 46.000 lượt người lao động tham gia, từ đó đã có nhiều hình thức, biện pháp chỉ đạo nhằm giải quyết những kiến nghị chính đáng. Mỗi năm cũng có hằng chục nghìn lượt người được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với trọng tâm là Bộ luật Lao động; các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Nâng cao trình độ người lao động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ
Hiện nay toàn thành phố có khoảng 1,5 triệu CNVCLĐ, trong đó có 1,2 triệu CNLĐ làm việc trong các loại hình DN, tập trung trong lĩnh vực công nghiệp. Theo số liệu thống kê mới nhất, số CNLĐ của Hà Nội đã qua đào tạo chỉ chiếm tỷ lệ 55%; về trình độ học vấn, có trên 77% CNLĐ trình độ THPT, số còn lại học vấn ở cấp tiểu học và THCS.
Nghị quyết 20/NQ-TƯ đã khẳng định: "Ðào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hóa giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược...". Do đó, bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, CĐ các cấp còn có trọng trách nặng nề trong việc nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn và xây dựng tác phong công nghiệp cho đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô. Điều đó càng khó khăn hơn khi trong giai đoạn suy thoái kinh tế như hiện nay, không ít CNLÐ còn mang nặng nỗi lo "cơm, áo, gạo tiền" hơn là việc đi học nâng cao trình độ, kiến thức, tay nghề, tác phong công nghiệp.
Ông Trần Văn Thực cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động về vấn đề này còn hạn chế. Mặt khác, một số chủ DN chỉ quan tâm đến lợi nhuận kinh tế, chưa tạo điều kiện cho CNLĐ nâng cao năng lực, trình độ hoặc một bộ phận CNLĐ có tư tưởng an phận… Để vượt qua những rào cản đó, các cấp CĐ Thủ đô đã triển khai nhiều biện pháp để vận động, động viên CNVCLĐ tích cực học tập rèn luyện nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ. 5 năm qua đã có hơn 14 nghìn CNLÐ được đi học bổ túc văn hóa, gần 37 nghìn CNLÐ học đại học; hơn 10 nghìn lượt cơ sở tổ chức cho gần 150 nghìn CNLÐ được đào tạo, đào tạo lại và nâng cao tay nghề; LĐLĐ thành phố liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề đào tạo, đào tạo lại và nâng cao tay nghề cho hơn 600 nghìn CNLĐ; mỗi năm trung bình có 30 nghìn lượt CNLÐ được học tập chính trị…
Tuy đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TƯ và Chương trình 32/CTr-TU nhưng chặng đường phía trước đòi hỏi các cấp CĐ Thủ đô còn phải làm rất nhiều việc để xây dựng đội ngũ CNVCLĐ thực sự đủ mạnh để đáp ứng với tình hình thực tế. Cùng với đó, thực hiện mục tiêu này còn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm từng bước giải quyết những vấn đề bức xúc về đời sống của CNLĐ, đồng thời có chính sách đãi ngộ thỏa đáng giúp CNLĐ nâng cao trình độ về mọi mặt.
Ý kiến nhân dân Bà Phạm Hiền Lâm, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai): Cần phát triển GD-ĐT cân đối về quy mô và chất lượng Là giáo viên trẻ của Thủ đô, tôi luôn tự hào vì được cống hiến cho sự nghiệp "trồng người" như lời Bác Hồ dạy. Càng tự hào hơn khi Hà Nội ngày một khẳng định là trung tâm GD-ĐT hàng đầu cả nước, uy tín trong khu vực và quốc tế. Sau 5 năm đẩy mạnh cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo", chất lượng đội ngũ giáo viên đã tăng lên đáng kể, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tăng nhanh, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn quốc. Tuy nhiên đội ngũ giáo viên cũng như hệ thống cơ sở vật chất vẫn chưa phát triển cân đối về quy mô và chất lượng giữa các khu vực trên địa bàn. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học là trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo và khả năng áp dụng vào thực tiễn vẫn chưa tạo thành bước ngoặt làm thay đổi căn bản chất lượng dạy học. Hy vọng với cố gắng và quyết tâm cao, ngành GD-ĐT Thủ đô sẽ đào tạo ra những đội ngũ nhân lực phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu hội nhập của nền kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Quốc Oai: Phát lộ diện mạo nông thôn miền núi thời đổi mới Thực hiện Kế hoạch số 166 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô giai đoạn 2012-2015, Quốc Oai được phê duyệt 42 dự án trên một số lĩnh vực. Đến thời điểm này, các chủ đầu tư đang tiến hành công việc theo trình tự để sớm triển khai thực hiện dự án. Đối với các dự án chuyển tiếp ở xã Đông Xuân, Phú Mãn có tổng mức đầu tư gần 36 tỷ đồng, đã hoàn thành cơ bản khối lượng công việc. Hiện nay, đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện các công trình chuyển tiếp để kịp bàn giao đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất. Qua hơn một năm thực hiện và hoàn thành, các công trình hạ tầng kỹ thuật ở hai xã miền núi đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Quốc Oai chỉ đạo sát với thực tế, đầu tư đúng đối tượng, lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ đầu tư, tạo sự khởi sắc mới cho địa bàn vùng sâu, vùng xa và phát lộ diện mạo nông thôn miền núi thời đổi mới trong lộ trình thực hiện chính sách dân tộc miền núi của Thủ đô. Ban Bạn đọc(lược ghi) |