Kết quả thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội: Chỗ mừng, nơi lo
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:18, 18/07/2013
Chưa ổn định
Mức điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường THPT công lập Hà Nội trong 3 năm gần đây cho thấy có lúc tăng, lúc giảm. Về tổng thể, nếu như năm 2011, toàn thành phố có 42 trong số 104 trường THPT công lập có mức điểm chuẩn từ 40,0 trở lên, thì năm nay, con số này là 50 trường. Tuy nhiên, nếu xem xét cụ thể hơn, có thể thấy, hai năm trước, mức điểm chuẩn của hầu hết trường cơ bản ổn định và có chiều hướng tăng thì đến năm nay lại không giữ được "phong độ". Điển hình, Trường THPT Phạm Hồng Thái có mức điểm chuẩn tăng từ 47,5 điểm lên 50,0 điểm (năm 2012) thì đến năm nay gần như quay trở lại mốc ban đầu, với 48,0 điểm. Trường THPT Ngọc Hồi năm ngoái tuyển sinh với mức 47,0 điểm, năm nay lại giảm còn 45,5 điểm, thấp hơn cả mức điểm chuẩn của 3 năm trước.
Điểm chuẩn vào lớp 10 năm nay của nhiều trường giảm so với năm trước. Ảnh: Nhật Nam |
Điểm thấy rõ nhất là hầu hết trường ở tốp trên có mức điểm chuẩn giảm so với năm ngoái. Rõ nhất là Trường THPT Chu Văn An, đơn vị luôn dẫn đầu ở khối các trường THPT công lập của thành phố về mức điểm chuẩn. Trong hai năm 2011 và 2012, điểm đầu vào của trường luôn ở mức 56,0 điểm, thì năm nay còn 53,5 điểm. Bám sát theo sau là Trường THPT Phan Đình Phùng với mức điểm chuẩn năm 2011 là 53 điểm, năm 2012 tăng lên 54 điểm, đến năm nay lại tụt xuống còn 49,5 điểm. Kim Liên năm nay có mức điểm chuẩn giảm 2,5 điểm; Trường THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng) giảm tới 4 điểm… Thê thảm hơn là Trường THPT Sơn Tây (1 trong 4 trường THPT có lớp chuyên) với mức điểm chuẩn lần lượt trong 3 năm gần đây là 50,0 - 48,0 - 46,0.
Theo ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, có nhiều nguyên nhân khiến cho điểm chuẩn giảm, trước hết là phụ thuộc vào trình độ của từng "lứa" HS, điều còn lại - được đề cập nhiều là do đề ngữ văn năm nay "khó" hơn. Đối với hầu hết HS THCS, tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí là quá sức, khó nhớ, khó hiểu bởi thuộc thời kỳ văn học trung đại, câu chữ trúc trắc… Câu hỏi yêu cầu HS viết một đoạn văn nghị luận "trình bày suy nghĩ về hình ảnh những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo" được đánh giá là có nhiều ý nghĩa, song với HS lớp 9, các em chỉ được học kiến thức về biển đảo (môn lịch sử, địa lý), còn cảm xúc về hình ảnh người chiến sĩ ít và còn khá xa lạ với HS.
Những tín hiệu mừng
Trong khi đầu vào của hầu hết trường tốp trên đều giảm, có 47 trường có mức điểm chuẩn tăng so với năm ngoái. Điều đáng chú ý là những trường này đều ở các huyện ngoại thành, miền núi hoặc ở vùng khó khăn. Có tới 40% (19 trường) trong số các trường trên có mức điểm tăng so với năm ngoái từ 2,0 điểm trở lên. Trong đó, trường có mức tăng mạnh nhất (4,5 điểm) là THPT Bắc Lương Sơn, từ 24,0 điểm lên 28,5 điểm. Đây là trường nằm ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, một xã miền núi của tỉnh Hòa Bình chuyển về. Hầu hết HS của trường là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Trường THPT Tiền Phong (huyện Mê Linh) và Trường THPT Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) có mức tăng đáng kể - 3,5 điểm. Trường THPT Chương Mỹ B (huyện Chương Mỹ) cũng có điểm chuẩn chênh lệch so với năm ngoái 3,0 điểm...
Rõ ràng, đã có sự chuyển biến về chất lượng ở các trường khu vực ngoại thành. Khoảng cách giữa các trường khu vực nội thành và ngoại thành đang có chiều hướng gần nhau hơn. Nếu như năm ngoái, mức điểm chênh lệch giữa trường có điểm đầu vào cao nhất và thấp nhất là 35 điểm, thì năm nay còn 31,5 điểm. Sự kiên trì trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà nhằm giảm dần sự khác biệt nhất định giữa các trường sau khi điều chỉnh địa giới hành chính của Hà Nội đã đem lại những kết quả bước đầu.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Đoàn Hoài Vĩnh, mục tiêu này luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm của toàn ngành, trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư cho hai yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Năm năm qua, hơn 7 nghìn phòng học đã được xây mới thay thế các phòng học cấp 4, phòng học tạm; số lượng giáo viên tăng hơn 15 nghìn người; kinh phí phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho giáo viên năm nay là hơn 20 tỷ đồng, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2008. Để đội ngũ ấy đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội và của ngành, Hà Nội đang tích cực triển khai kế hoạch xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giai đoạn mới, mục tiêu đến năm 2015 sẽ hoàn thiện đáng kể về chất lượng đội ngũ, về cả trình độ đào tạo, kỹ năng nghiệp vụ và tinh thần nhiệt huyết với nghề.