Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ
Xã hội - Ngày đăng : 05:55, 18/07/2013
Tuy nhiên, do nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng nên nhu cầu lao động giảm; ngân sách nhà nước đầu tư cho chương trình hạn chế, nhiều chính sách hỗ trợ chưa sát… đã ảnh hưởng đến công tác dạy nghề. Đó là những nội dung được đề cập tại hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện đề án diễn ra ngày 17-7.
Một lớp dạy nghề may công nghiệp tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt |
Học xong, khó tìm việc làm
Kết quả, sau 3 năm triển khai cho thấy chương trình đã đi đúng hướng. Lần đầu tiên, trên cả nước đã tiến hành nghiên cứu, điều tra, khảo sát về chương trình học nghề, đồng thời phê duyệt các danh mục đào tạo nghề. Bộ LĐ-TB&XH đã thí điểm 55 chương trình dạy nghề, 39 danh mục thiết bị dạy nghề trình độ sơ cấp. Trên cơ sở đó, các địa phương đã lựa chọn, phê duyệt được 3.087 nghề đào tạo... Bên cạnh đó, cả nước đã huy động được 783 cơ sở dạy nghề cùng 200 doanh nghiệp và trên 400 cơ sở có đủ điều kiện để dạy nghề, trên 2 vạn giáo viên và 1,1 vạn kỹ sư tham gia…
Tuy vậy, 3 năm triển khai đề án cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Tình trạng đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thực tế, đào tạo dồn dập, cấp tốc để đạt chỉ tiêu dẫn đến chất lượng không bảo đảm đã diễn ra ở một số địa phương. Mức hỗ trợ cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách còn hạn chế khiến người nghèo không mặn mà tham gia hoặc tham gia học nghề rồi nhưng không có vốn đầu tư sản xuất, mở lớp học nghề không tính đến "đầu ra" cũng dẫn đến học xong không có việc làm. Ông Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang thừa nhận: "Do hạn chế về công tác tuyên truyền nên nhiều nông dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vẫn chưa biết đến chương trình để đăng ký học. Nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn không lớn nên lao động học xong vẫn khó tìm việc làm".
Tại Hà Nội, mặc dù đã đạt được một số kết quả trong thực hiện đề án nhưng vẫn còn 50% số huyện chưa bố trí được cán bộ chuyên trách quản lý về đào tạo nghề, đồng thời ba huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Phúc Thọ chưa có trung tâm dạy nghề. Đặc biệt, số lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn để tạo việc làm thấp, hiện mới đạt 4,9%.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh: Việc triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo hình thức cấp thẻ học nghề nông nghiệp quy định tại Thông tư liên tịch giữa các Bộ NN&PTNT, LĐ-TB&XH, Tài chính (Thông tư 66/2010) cũng bộc lộ nhiều hạn chế. "Thủ tục tổ chức các lớp dạy nghề kéo dài, học viên phải đợi lâu. Mặt khác, thời gian học các nhóm nghề trồng trọt và chăn nuôi còn phụ thuộc vào quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi nên việc dạy nghề không thể thường xuyên, liên tục, ảnh hưởng đến tâm lý và thời gian thực hiện của các cơ sở dạy nghề cũng như người học nghề" - ông Doanh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng nguồn kinh phí trung ương cấp hàng năm còn chậm và hạn chế, mới chỉ đáp ứng khoảng 30-50% yêu cầu đặt ra của đề án và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã của các địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình.
Các phiên giao dịch việc làm là kênh thông tin hữu ích để các bạn trẻ ở nông thôn tìm kiếm công việc. Ảnh: Bá Hoạt |
Gắn với xây dựng nông thôn mới
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ sửa đổi một số chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg như: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm dạy nghề, bổ sung biên chế phụ trách công tác dạy nghề cho các phòng LĐ-TB&XH. Một số chương trình, dự án, đề án có quy định về hoạt động dạy nghề cho đối tượng là lao động nông thôn do các bộ, ngành khác như Bộ NN&PTNT, Ủy ban Dân tộc… chủ trì dẫn đến khó khăn trong quản lý, theo dõi… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Sèn Chỉn Ly kiến nghị xem xét, bổ sung các hộ cận nghèo được hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề (ở Hà Giang, tỷ lệ hộ cận nghèo rất cao, chiếm 14%); bên cạnh đó, nâng mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho người học nghề ở khu vực vùng núi… Nhiều đại biểu đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ các đối tượng dạy nghề do dạy nghề ở khu vực nông thôn, giáo viên phải xuống tận cơ sở, nhiều nơi đường xa, giao thông khó khăn, nếu không có cơ chế, sẽ khó thu hút.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu đối với một số khó khăn, bất cập trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, các địa phương sớm đóng góp ý kiến để Ban chỉ đạo chương trình tổng hợp và sửa đổi trong tháng 8. Đặc biệt, các địa phương phải triển khai quyết liệt hơn nữa công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo phải gắn với thực hành và đào tạo theo nhu cầu xã hội, tránh tình trạng sau học nghề, lao động không tìm được việc làm.
Trong 3 năm qua, cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho 1.088.393 lao động nông thôn (đạt 77,7% kế hoạch); trong đó, có 480.897 người được học các nghề nông nghiệp (chiếm 44,2%), 607.496 người được học nghề phi nông nghiệp (chiếm 55,8%). 78,9% số người được học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ có năng suất và thu nhập cao. Tổng kinh phí hỗ trợ dạy nghề trong 3 năm là hơn 1.641 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 1.060 tỷ đồng (chiếm 64,6%). |