Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông: Lại nhen lên hy vọng hòa bình

Thế giới - Ngày đăng : 05:36, 18/07/2013

(HNM) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại đến Trung Đông trong chuyến đi thứ 6 chỉ trong vòng 5 tháng qua, kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 2.



Mục đích của chuyến thăm 4 ngày (từ 15-7) được Nhà Trắng khẳng định là tìm cách nối lại tiến trình đàm phán hòa bình bị bế tắc nhiều năm qua giữa Israel và Palestine; thảo luận về những diễn biến mới nhất liên quan tới cuộc nội chiến Syria và làn sóng bạo lực đẫm máu tại Ai Cập sau khi quân đội lật đổ chế độ của Tổng thống Mohammed Morsi. Thế nhưng, giới quan sát nhận định, trọng tâm của chuyến công du lần này vẫn là tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho người Israel và Palestine, một ưu tiên chiến lược về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Sự trở lại của Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry tại Trung Đông đã mang đến hy vọng giải quyết bế tắc tồn tại lâu nay giữa Israel và Palestine.


Trước thềm chuyến thăm, hy vọng đã mở ra khi Israel và Palestine đã có những cuộc tiếp xúc gián tiếp. Nhân tháng lễ Hồi giáo Ramadan, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã điện đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, đồng thời gửi thông điệp về việc Israel muốn tái khởi động đàm phán hòa bình sớm nhất có thể. Đây là cuộc trao đổi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi chính phủ mới Israel tuyên thệ nhậm chức (ngày 18-3). Trước đó, hai bên hầu như không có sự liên hệ kể từ sau thất bại trong cuộc đàm phán hồi tháng 9-2010. Cả Israel và Palestine đều bày tỏ mong muốn Ngoại trưởng J.Kerry sẽ thành công trong nỗ lực khôi phục đàm phán hòa bình tại Trung Đông. Trong khi đó, theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận đăng trên nhật báo Yisrael Hayom (Israel) hồi đầu tháng 7, có 50,9% người Israel tin rằng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ được tái khởi động.

Mặc dù Nhà Trắng không tiết lộ liệu ông J.Kerry có tới thăm Israel hoặc các vùng lãnh thổ của Palestine hay không nhưng cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Palestine M.Abbas ở thủ đô Amman của Jordan ngày 16-7 đã mở ra những hướng đi để tiến tới hòa bình tại khu vực. Theo đó, hai bên đã thảo luận về giải pháp trở lại bàn đàm phán, thúc đẩy nền kinh tế Palestine với giải pháp ban đầu là kế hoạch hỗ trợ kinh tế bằng việc thu hút 4 tỷ USD đầu tư từ khu vực tư nhân. Washington kỳ vọng, nỗ lực của ông J.Kerry có thể đưa ra một thỏa thuận Israel - Palestine nhằm nối lại các cuộc thương lượng trực tiếp.

Thế nhưng, trái với những lạc quan ban đầu của Nhà Trắng như phát biểu của ông J.Kerry rằng, "đã có những tiến triển cho hòa bình Trung Đông", giới quan sát lại có những bình luận thận trọng. Theo đó, các nhà phân tích nhấn mạnh, cùng với sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế, một nền hòa bình vĩnh viễn tại Trung Đông chỉ có thể đạt được khi các bên liên quan gây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau và cùng có những sự thỏa hiệp. Tuy nhiên, đạt được điều đó lại không dễ dàng khi lập trường của cả hai còn cách xa nhau. Trong khi phía Palestine xem việc chính quyền của Thủ tướng B.Netanyahu phải ngừng toàn bộ việc mở rộng xây dựng các khu định cư Do Thái trên vùng đất chiếm đóng của người Palestine là điều kiện tiên quyết thì phía Israel lại chưa có động thái ngừng việc xây dựng. Chính quyền của Tổng thống M.Abbas cũng nhấn mạnh việc đàm phán phải dựa trên căn cứ của đường biên giới trước năm 1967, điều mà Tel Aviv kiên quyết phản đối. Về vấn đề tù nhân, ông B.Netanyahu đồng ý thả khoảng 60 tù nhân Palestine nhưng chỉ sau khi nối lại đàm phán. Thế nhưng ông M.Abbas muốn thả ngay lập tức tất cả 103 người bị Israel bắt giữ trước Hiệp định Oslo năm 1993.

Rõ ràng, việc đưa Israel và Palestine tới bàn thương lượng là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Tuy nhiên, các chuyến ngoại giao con thoi với mật độ dày đặc đến kinh ngạc của Ngoại trưởng J.Kerry tới khu vực đã khẳng định chính sách Trung Đông của Mỹ, vai trò của Washington tại vùng đất đang chứng kiến những thay đổi lịch sử. Trong sự chuyển dịch chưa từng có ấy, hòa bình cho khu vực Trung Đông được chính quyền Tổng thống B.Obama xem là vấn đề cốt lõi để có thể từng bước giúp tháo gỡ những cuộc xung đột khác đang diễn ra tại khu vực nóng bỏng này. Chưa thể kỳ vọng vào việc ông J.Kerry sẽ mang về những thành quả gì sau chuyến đi thứ 6, song ít nhất, sự hiện diện của vị ngoại trưởng của cường quốc số 1 thế giới đã mang tới những tia hy vọng để hướng tới một nền hòa bình bền lâu.

Trung Hiếu