Bảo tồn “đặc sản” văn hóa bằng đề án đặc thù
Xã hội - Ngày đăng : 06:34, 17/07/2013
Hiện nay, ngành văn hóa đang tiến hành tổng kiểm kê DSVH PVT, từ đó đề ra biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị một cách hợp lý. Đây cũng là một trong những biện pháp để văn hóa xứ Đoài, trấn Sơn Nam Thượng, văn hóa kinh kỳ giao lưu, hội nhập, dung hòa, lan tỏa, tạo nên bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội độc đáo trong sự đa dạng, thống nhất.
Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và đền Sóc (Sóc Sơn) đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Minh Đức |
Kho tàng DSVH PVT phong phú
Nằm giữa Đồng bằng sông Hồng trù phú, Hà Nội không những là trung tâm về chính trị, kinh tế, mà còn là một trong những cái nôi về văn hóa. Đầu tiên phải kể đến hệ thống 1.095 lễ hội truyền thống. Theo đánh giá của Sở VH,TT&DL Hà Nội, lễ hội có tác động tích cực, sâu sắc đến đời sống văn hóa tinh thần của người Hà Nội, gắn bó các thành viên trong cộng đồng, cùng nhau sáng tạo, biểu diễn các thể loại văn nghệ, mang lại niềm hứng khởi cho tất cả mọi người; đồng thời là "kênh" gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa. Cùng với lễ hội, hàng trăm bản hương ước bằng chữ Hán, Nôm quản lý xã hội trong phạm vi làng xã, nếu được dịch, phân tích, nghiên cứu sẽ là những tư liệu quan trọng cho việc xây dựng quy ước làng, tổ dân phố văn hóa trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ngày nay. Đáng nói hơn, trong kho tàng văn hóa hiện còn lưu trữ tên tuổi, sự nghiệp của những danh nhân sinh ra ở Hà Nội hoặc không sinh ra ở Hà Nội, song họ mãi bất tử, trở thành DSVH thiêng liêng của văn hiến Thăng Long như: Đức vua Lý Công Uẩn - Vị hoàng đế anh minh đã chọn vùng đất này làm nơi định đô cho muôn đời con cháu; các danh nhân Lý Thường Kiệt, Chu Văn An, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi…
Góp thêm phần phong phú cho kho tàng DSVH PVT Hà Nội không thể không kể đến văn hóa ẩm thực. Những món đặc sản như: Phở, giò chả Ước Lễ, chả cá Lã Vọng, xôi lúa Tương Mai, cốm Vòng, bánh cuốn Thanh Trì, rượu Mơ, dưa La, cà Láng... đã tạo nên phong vị rất riêng của đất Hà thành. Ngoài ra, Hà Nội trước kia vốn nổi tiếng với những phố nghề, làng nghề trù phú, thì nay, sau khi mở rộng địa giới hành chính toàn thành phố có 1.350 làng nghề với 244 làng nghề truyền thống, là nơi tập trung làng nghề đông đúc bậc nhất Việt Nam. Và theo thời gian, bộ mặt đô thị của khu phố cổ đã có nhiều thay đổi, nhưng những con phố vẫn giữ nguyên tên thuở trước và không ít trong số đó vẫn là nơi buôn bán, kinh doanh những mặt hàng truyền thống của làng nghề xưa.
Kiểm kê để bảo tồn
Khách quan mà nói, khi chưa tiến hành tổng kiểm kê, chúng ta không thể đếm hết, kể hết Hà Nội có bao nhiêu loại hình DSVH PVT, chỉ biết rằng kho tàng ấy vô cùng phong phú. Vậy nhưng, trên thực tế, đã có nhiều CLB nghệ thuật truyền thống phải giảm tần suất sinh hoạt vì không có kinh phí, thiếu người kế cận, nhiều nghệ nhân gạo cội chưa được đãi ngộ thỏa đáng, nhiều làng nghề truyền thống đang mai một… Vì vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, kho tàng DSVH PVT đồ sộ của Hà Nội sau khi điều chỉnh địa giới hành chính rất cần được gìn giữ, trao truyền.
Nhằm lưu giữ và phát huy giá trị khối DSVH PVT trên đất Thăng Long, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã lập đề án "Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội, lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia". Theo đó, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc trên địa bàn, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội, nghề thủ công truyền thống… sẽ được nhận diện, xác định giá trị, sau đó ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm kê, bảo tồn.
Lãnh đạo Sở VH,TT&DL Hà Nội cho hay: Dựa trên kết quả tổng kiểm kê, các cơ quan quản lý có thể nhận biết thực trạng, sự phân bố của DSVH PVT theo từng vùng, từng địa phương, từ đó có tác động đến DS cụ thể, chính xác. Bên cạnh số liệu điều tra mang tính định lượng, các điều tra mang tính định tính (ghi chép về hình thái văn hóa phi vật thể, phỏng vấn sâu về nguyên nhân, thực trạng, nguyện vọng của quần chúng nhân dân đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể...) sẽ là công cụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước, là căn cứ để xây dựng cơ sở dữ liệu, là cơ sở khoa học để hoạch định chính sách về DSVH PVT. Trong khuôn khổ công việc tổng kiểm kê này, trước tiên cần ưu tiên cho các loại hình văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một, phải bảo vệ khẩn cấp.
Được biết thời gian thực hiện đề án trong hai năm (2013-2014) với nguồn kinh phí dự kiến là hơn 13 tỷ đồng. Trên thực tế, tỉnh Phú Thọ đã công nhận danh hiệu nghệ nhân và có chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân hát Xoan. Tỉnh này cũng đang lập đề án bảo tồn hát Xoan với kinh phí lên tới gần 200 tỷ đồng. Tương tự, tỉnh Bắc Ninh chi gần 65 tỷ đồng bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ, cứu ca trù trong giai đoạn 2013-2030. Như vậy, việc triển khai đề án tổng kiểm kê DSVH PVT là động thái bước đầu nhằm cứu một số DSVH PVT Thủ đô trước nguy cơ mai một.