Quản lý nợ công: Thận trọng không thừa!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 16/07/2013
Thực tế, cuộc khủng hoảng nợ công tại một số quốc gia trên thế giới gần đây cho thấy, việc quản lý chặt chẽ nợ công không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay mà còn bảo đảm ổn định nền tài chính quốc gia.
Vốn vay từ nợ công góp phần quan trọng giúp nước ta phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Ảnh: Huy Hùng |
Chủ đề "nóng"
Bộ Tài chính vừa tổ chức hội thảo tổng kết nợ công giai đoạn 2006-2012, định hướng vay và trả nợ công đến năm 2020. Tại hội thảo, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, giai đoạn 2006-2012, quy mô huy động vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển là 1.650 nghìn tỷ đồng. Các hình thức vay của Chính phủ ngày càng đa dạng như: Phát hành trái phiếu, tín phiếu, bảo hiểm xã hội, quỹ tích lũy, tồn ngân kho bạc... hoặc vay ưu đãi và thương mại của nước ngoài và tổ chức tài chính quốc tế. Việc trả nợ đến hạn với các khoản vay đã được Bộ Tài chính cân đối ngân sách nhà nước (NSNN), hoàn trả đúng hạn cả nợ gốc và lãi, giữ đúng các cam kết. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với nguồn thu hằng năm luôn nằm trong giới hạn an toàn theo thông lệ quốc tế, ở mức khoảng 14-15% so với tổng thu NSNN hằng năm.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, vấn đề nợ công và quản lý nợ không chỉ là mối quan tâm ở Việt Nam mà còn là chủ đề "nóng" của nhiều chính phủ và các cơ quan quản lý trên thế giới. Ở Việt Nam, khái niệm nợ công mới được sử dụng từ năm 2009 sau khi có Luật Quản lý nợ công. Tuy nhiên, cách tiếp cận khái niệm nợ công còn có sự khác nhau giữa Việt Nam và một số tổ chức quốc tế.
Trong khi đó, "Đề án tổng kết về vay - trả nợ công giai đoạn 2006-2012 và kế hoạch vay - trả nợ công đến năm 2020" do Bộ Tài chính thực hiện đã đánh giá toàn diện quá trình huy động, phân bổ sử dụng vốn, trả nợ và quản lý nợ công nhằm rút ra bài học kinh nghiệm về việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, bảo đảm an toàn an ninh tài chính quốc gia.
Không được chủ quan
Nhận xét về những nội dung được nêu ra trong đề án nêu trên, các chuyên gia cho rằng, nhiều nội dung phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn cho rằng, tất cả khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải tính vào nợ công, vì suy cho cùng chủ sở hữu thực sự của DNNN chính là Nhà nước. Trong khi đó, Bộ Tài chính căn cứ vào Luật Quản lý nợ công không tính các khoản này vào nợ công. Dù về mặt kỹ thuật, không nên thống kê nợ DNNN vào nợ công, nhưng dưới góc độ quản lý rủi ro, các khoản nợ này cần được giám sát chặt chẽ, không chỉ khâu nợ mà cả khâu đi vay, nếu không sẽ tạo hệ quả mà NSNN phải xử lý. Thêm vào đó, trên thị trường vốn quốc tế, nếu các khoản vay của DNNN càng nhiều thì các khoản vay của Chính phủ sẽ càng khó khăn do tất cả những rủi ro sẽ được tính cộng vào lãi suất vay. Chính vì vậy, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan cần quan tâm đến khoản vay của DNNN và giám sát chặt chẽ như một khoản vay của Chính phủ.
Nhận xét về các chỉ tiêu về nợ công được đưa ra tại đề án vẫn đang nằm trong ngưỡng cho phép, các chuyên gia kinh tế cho rằng cơ quan quản lý cần hết sức thận trọng, bởi tỷ lệ nợ công/GDP thường thay đổi rất nhanh do biến động về tỷ giá, tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Theo đại diện Ban Kinh tế trung ương, con số bao nhiêu phần trăm chỉ là tương đối để đánh giá nợ công của mỗi quốc gia có an toàn hay không. Vấn đề quan trọng là phải căn cứ vào khả năng trả nợ cũng như việc sử dụng hiệu quả của các nguồn vốn vay.
Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới Deepak Mishra và Habib Rab cho rằng, tình trạng nợ của Việt Nam không căng thẳng và ít rủi ro do chất lượng chính sách và thể chế (CPIA) tốt. Tuy nhiên, nếu CPIA của Việt Nam không giữ được mức độ tốt trong thời gian tới mức độ rủi ro sẽ tăng lên.