Doanh nghiệp lỗ nặng vì nạn trục lợi

Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 16/07/2013

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã đền bù cho người nuôi trồng thủy sản một khoản kinh phí khá lớn và rơi vào tình cảnh thua lỗ nghiêm trọng.


Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Chương trình thí điểm BHNN được triển khai tại 20 tỉnh và theo kế hoạch sẽ được thực hiện đến hết năm 2013, sau đó sẽ tổng kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Song việc triển khai BHNN đang có nguy cơ phải dừng lại do nạn trục lợi bảo hiểm.

Bồi thường bảo hiểm thủy sản năm 2012 khá lớn, khiến doanh nghiệp bảo hiểm lỗ nặng. Ảnh: Chí Lâm


Tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc triển khai thí điểm bảo hiểm thủy sản là một trong những giải pháp tài chính hỗ trợ cho hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này. Người nuôi trồng thủy sản đã nhận thức được lợi ích của việc mua BHNN. Song loại hình bảo hiểm này rủi ro quá cao khiến các DNBH lỗ nặng. Số liệu thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, trong những tháng đầu năm, số tiền đền bù cho người nuôi trồng thủy sản là 282,9 tỷ đồng. Riêng Tổng Công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare) và Tập đoàn Bảo hiểm Thụy Sĩ (Swiss Re), hai đơn vị được Chính phủ chỉ định nhiệm vụ tái BHNN đã lỗ 462 tỷ đồng. Số lượng và tỷ lệ bồi thường bảo hiểm thủy sản năm 2012 khá lớn khiến các DNBH gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp tái bảo hiểm năm 2013.

Đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, trong những tháng đầu năm 2013, Bảo Việt đã ký hợp đồng bảo hiểm cho trên 155.000 hộ dân với ba loại hình là cây lúa, vật nuôi và thủy sản. Trong đó, đã bảo hiểm 30 nghìn héc ta lúa; 500 nghìn con trâu, bò, lợn gia cầm; 5.000ha tôm với tổng giá trị được bảo hiểm là 3.300 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm 190 tỷ đồng. Bảo Việt đã chi trả bồi thường cho nông dân 350 tỷ đồng, trong đó riêng hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, bồi thường thiệt hại về tôm là 340 tỷ đồng. Số tiền bồi thường vượt quá doanh thu phí bảo hiểm.

Theo đại diện bảo hiểm Bảo Minh, tại tỉnh Cà Mau đã có 590/1.932 hợp đồng (tương đương gần 30%) phát sinh thiệt hại, đã bồi thường 460 hợp đồng với số tiền 28 tỷ đồng, còn 130 hồ sơ chưa thẩm định kịp. Ở một số nơi, sau khi thẩm định thấy rủi ro quá lớn, Bảo Minh quyết định không ký hợp đồng bảo hiểm tiếp với hộ nuôi trồng thủy sản. Cùng với những khó khăn về rủi ro quá lớn, nạn trục lợi bảo hiểm đã xuất hiện. Các DNBH còn phải đối mặt với tình trạng khó khăn vì quá trình tái bảo hiểm kéo dài, phần phí bảo hiểm do ngân sách nhà nước hỗ trợ vẫn chưa giải ngân hết khiến DN không đủ nguồn lực tài chính để bồi thường. Nếu chương trình tái bảo hiểm không thu xếp được, DN cũng không thể mạo hiểm ký hợp đồng với người nuôi thủy sản.

Theo đánh giá của các DNBH, BHNN là lĩnh vực mới và khó do đối tượng bảo hiểm chịu tác động rất nhiều bởi các yếu tố thiên nhiên khó kiểm soát. Công tác quản lý rủi ro gặp nhiều khó khăn, nạn trục lợi xảy ra tại lĩnh vực này là khó tránh khỏi. Thực tế trong bảo hiểm thủy sản cho thấy, nhiều hiện tượng trục lợi đã phát sinh và các DNBH phải vận dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát, song tỷ lệ bồi thường vẫn vượt xa số phí thu được.

Đại diện Bảo Việt cho biết, DN luôn xác định việc triển khai thí điểm BHNN là một nhiệm vụ chính trị, mục tiêu không vì lợi nhuận nhưng không thể để DN lỗ kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung. Vì vậy, cần có một cơ chế hỗ trợ DN để nhiệm vụ này được triển khai hiệu quả. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, việc triển khai BHNN luôn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi không còn sự hỗ trợ thì không thể triển khai. Giai đoạn thí điểm là để thử nghiệm sản phẩm, cơ chế chính sách hỗ trợ, cơ chế phối hợp giữa ba nhà: Nhà nước, nhà nông và nhà bảo hiểm. Bên cạnh đó, việc siết chặt quản lý, phòng chống trục lợi tại lĩnh vực này là điều kiện tiên quyết để chương trình thành công.

Khánh Ly