Án tham nhũng: Khó xét xử, dễ kéo dài
Đời sống - Ngày đăng : 06:17, 16/07/2013
Kết quả bước đầu cho thấy, số lượng vụ án thuộc nhóm tội tham nhũng mà TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thụ lý, giải quyết không quá lớn. Tuy nhiên, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Có sự chênh giữa mức án Viện KSND đề nghị và mức TAND tuyên.
Qua giám sát tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát hiện độ chênh khá lớn khi so sánh giữa mức án Viện KSND đề nghị và mức án TAND tuyên trong 3 năm qua (từ năm 2010 đến nay). Tội phạm tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nhưng tỷ lệ bị cáo đang đề nghị truy tố án nặng lại được xử thành nhẹ, được xử dưới khung hình phạt và áp dụng án treo chiếm tỷ lệ khá cao. Có vụ án tham nhũng Viện KSND đề nghị mức án 7-8 năm tù giam nhưng tòa tuyên còn 2 năm tù treo. Nhiều thành viên đoàn giám sát có chung câu hỏi, liệu mức án khác nhau vì đánh giá chứng cứ mỗi nơi một kiểu hay còn nguyên do nào khác. Nếu không giải thích rõ vấn đề này sẽ không bảo đảm tính răn đe, dẫn đến sự hoài nghi của quần chúng nhân dân và dư luận xã hội về tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo giải thích của Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh Bùi Hoàng Danh, nguyên nhân của chuyện "chênh" trên là do quy định pháp luật hiện nay về tham nhũng chưa chặt. Cụ thể, luật liệt kê hàng loạt tình tiết giảm nhẹ nhưng kèm thêm là nội dung, có thể coi "các tình tiết khác" là tình tiết giảm nhẹ. Ngoài ra các quy định về xác định tội danh chưa rõ ràng. Hai bất cập này khiến cơ quan công tố đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Có trường hợp mức án và phân tích của TAND đã được Viện KSND đồng ý, chấp nhận. Nhưng cũng có những vụ hai bên không đạt được sự đồng nhất, cụ thể, Viện KSND đã kháng nghị 8 trường hợp, đề nghị tăng hình phạt. Trong số đó, tòa đã xử 7 vụ, chấp nhận kháng nghị 6 vụ.
Cùng có chung khó khăn như TP Hồ Chí Minh, nhưng cách giải quyết của Hà Nội lại khác. Trong số 42 vụ tham nhũng với 113 bị cáo, được TAND các cấp xét xử trong thời gian qua, tòa án đã trả hồ sơ 27 vụ với 70 bị cáo để yêu cầu Viện KSND làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, chứng cứ yếu. Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, trong một số vụ việc phức tạp, để bảo đảm chất lượng xét xử, TAND TP thụ lý xét xử sơ thẩm cả vụ án thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện. Tuy nhiên, dù án tham nhũng đều do những thẩm phán có kinh nghiệm thụ lý, đã được Viện KSND bổ sung thông tin theo yêu cầu của TAND nhưng vẫn còn vụ án khó xác định tội danh, phải trả hồ sơ làm đi làm lại nhiều lần mà quan điểm của các cơ quan tư pháp vẫn vênh nhau. Bất cập lớn nhất hiện nay là nhiều tội danh về tham nhũng chưa có hướng dẫn cụ thể về tính chất nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nên việc định tội khó có sự thống nhất. Thế nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thời hạn chuẩn bị xét xử trong trường hợp này chỉ là một tháng, gây áp lực cho thẩm phán cả về tiến độ nghiên cứu hồ sơ và thời gian giải quyết án.
Từ khó khăn của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thụ lý, giải quyết án tham nhũng cho thấy, về lâu dài, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống tham nhũng. Đồng thời, nên nghiên cứu mở rộng nhóm tội phạm về tham nhũng. Vì qua thực tế xét xử có bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn nhưng giữ vai trò chủ mưu, vạch ra kế hoạch phạm tội. Ngoài ra, theo đề xuất của CATP Hà Nội, cần ban hành văn bản quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các đơn vị thanh tra, hải quan, thuế, ngân hàng, viễn thông, bưu điện trong việc phối hợp cung cấp tài liệu chứng cứ về tham nhũng trong giai đoạn tiền tố tụng. "Còn như hiện nay, không ít vấn đề muốn tìm hiểu, điều tra mở rộng nhưng cơ quan thuế, tài chính cung cấp rất hạn chế và nhỏ giọt" - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - CATP Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.