Hướng tới nền hành chính hiện đại, vì dân

Chính trị - Ngày đăng : 06:03, 16/07/2013

(HNM) - 5 năm sau khi mở rộng địa giới hành chính, công tác cải cách hành chính ở các sở, ngành và 29 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội đã đồng đều hơn...

Bước đột phá về đơn giản thủ tục

Thời điểm hợp nhất (1-8-2008), TP Hà Nội đang cùng với cả nước tập trung thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30) nên khó khăn càng bộn bề. Địa bàn rộng với 21 sở, ngành, 7 đơn vị hiệp quản, 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn, là trở ngại lớn cho các thành viên Tổ công tác Đề án 30 của thành phố. Lượng việc khổng lồ là rà soát, thống kê các TTHC đang thực hiện trên địa bàn, trong khi số thành viên Tổ công tác chỉ có 8 người và cũng vừa thành lập sau hợp nhất 20 ngày.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Trần Hải


Trước thực tế đó, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã, sở, ngành để thực hiện các nội dung của Đề án. Với sự chỉ đạo sát sao, mỗi đơn vị đã sớm hình thành Tổ công tác thực hiện Đề án 30, phân công lãnh đạo, đầu tư nhân lực, kinh phí để thực hiện. Việc lựa chọn các đơn vị làm điểm cấp huyện, cấp xã được tiến hành ở khắp địa bàn, gồm: Tây Hồ, Sơn Tây, Thạch Thất, Đông Anh, Thanh Trì, Mỹ Đình (Từ Liêm), Cần Kiệm (Thạch Thất), Trung Hòa (Cầu Giấy), Nam Hồng (Đông Anh), Hàng Mã (Hoàn Kiếm) để có bộ TTHC ban đầu mang đặc thù chung nhất gửi tới các đơn vị cấp huyện, cấp xã rà soát, đối chiếu và gửi các sở, ngành lấy ý kiến thẩm định trước khi trình Chủ tịch UBND thành phố quyết định ban hành. Trước khi triển khai thống kê TTHC, Tổ công tác đã tổ chức tập huấn cho 1.248 người là lãnh đạo và cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Các thành viên Tổ công tác của thành phố còn xuống từng đơn vị để hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Với cách làm sát sao đó, các đơn vị được nâng cao nhận thức về CCHC, thực hiện nghiêm túc các quy trình, góp phần vào sự thành công trong từng giai đoạn của Đề án 30. Giai đoạn 1, tổng số TTHC của các đơn vị cấp sở và cấp huyện, cấp xã đã được cập nhật, thống kê là 2.673 thủ tục. Giai đoạn 2, TP Hà Nội đã thực hiện được đơn giản hóa 71,2% TTHC (vượt hơn 2 lần so với chỉ tiêu đơn giản hóa 30% TTHC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó, tỷ lệ đơn giản hóa các TTHC của cấp sở, ngành là 70,5%, cấp huyện là 80,7%, cấp xã là 59%.

Thu hẹp khoảng cách

Còn nhớ 2008 là năm Hà Nội bắt đầu đẩy mạnh việc kiểm tra công vụ đột xuất. Với phương thức này, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã sâu sát xuống cơ sở, nắm được thực tế của từng đơn vị để trực tiếp hướng dẫn cũng như kiến nghị, báo cáo thành phố phương hướng giải quyết. Ở thời điểm đó, hầu hết các xã, phường của Hà Nội (cũ) đã bố trí bộ phận "một cửa" để giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân theo Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì ở một số địa phương mới sáp nhập vẫn rất mơ hồ về "một cửa". Không ít nơi thực hiện cơ chế "một cửa" còn sơ sài, hình thức; chưa bố trí đủ công chức làm việc tại bộ phận "một cửa" chuyên trách; việc thực hiện chế độ phụ cấp, đồng phục và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa được quan tâm.

Đến năm 2009, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 84/2009/QĐ-UBND về việc thực hiện cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông" trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thuộc Hà Nội. Cụ thể, các cơ quan hành chính từ thành phố xuống cơ sở đã tập trung chỉ đạo kiện toàn, củng cố tổ chức, hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa". Bên cạnh đó, Sở Nội vụ Hà Nội tăng cường tổ chức tập huấn cho lãnh đạo và cán bộ trực tiếp làm công tác CCHC của các đơn vị; đồng thời liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra. Có thời điểm, thành phố thành lập tới 4 đoàn kiểm tra các nội dung của công tác CCHC, đủ để thấy Hà Nội đặc biệt quan tâm tới công tác này. Đáng chú ý là trong khi đi kiểm tra để hướng dẫn, rút kinh nghiệm cho các đơn vị thì chính đoàn kiểm tra đã tự rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng kiểm tra. Đặc thù địa bàn mới mở rộng có quá nhiều đơn vị, không thể đi xuể nên Sở Nội vụ đã đổi mới bằng cách kiểm tra ở một đơn vị rồi tổ chức họp rút kinh nghiệm chung cho các đơn vị cùng địa bàn (hoặc khác địa bàn mà có điểm tương đồng về điều kiện kinh tế - xã hội).

Kết quả của sự cố gắng đó của các cấp, các ngành Thủ đô là đến nay, bộ phận "một cửa" đã được triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn. Các đơn vị đã quan tâm đầu tư trang thiết bị cho bộ phận "một cửa", thực hiện niêm yết công khai, minh bạch các quy định, quy trình thực hiện thủ tục, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đặc biệt, thành phố đang tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Một trong những cách làm mới là thực hiện việc tuyển dụng đào tạo thí điểm 500 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2014. Dù rằng, những kết quả đó chưa đạt được như mong muốn, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã và đang từng bước vượt qua những trở ngại, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại, vì dân trong tương lai không xa.

Hiền Chi