Nền tảng để Thủ đô phát triển bền vững

Chính trị - Ngày đăng : 05:50, 16/07/2013

Sau khi Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội có hiệu lực thi hành, tại Đại hội lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015), Đảng bộ thành phố đã xây dựng 9 chương trình công tác, triển khai các kế hoạch, giải pháp nhằm phát triển Hà Nội xứng với tầm vóc của một Thủ đô hiện đại, văn minh. Cùng nhìn lại và đánh giá kết quả đạt được, đồng thời xác định những nhiệm vụ cần thiết cho giai đoạn tới là nội dung loạt bài viết Báo Hànộimới trân trọng gửi tới bạn đọc.

LTS: Sau khi Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội có hiệu lực thi hành, tại Đại hội lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015), Đảng bộ thành phố đã xây dựng 9 chương trình công tác, triển khai các kế hoạch, giải pháp nhằm phát triển Hà Nội xứng với tầm vóc của một Thủ đô hiện đại, văn minh. Cùng nhìn lại và đánh giá kết quả đạt được, đồng thời xác định những nhiệm vụ cần thiết cho giai đoạn tới là nội dung loạt bài viết Báo Hànộimới trân trọng gửi tới bạn đọc.

Bài 1: Chương trình “xương sống”

Trong 9 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội, Chương trình số 01 được ví như chiếc "xương sống". Ba nội dung có ý nghĩa sống còn mà Thành ủy đặt quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ này là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể. Với những giải pháp đồng bộ, Chương trình đã đạt được kết quả bước đầu, tạo tiền đề cho việc thực hiện 8 chương trình còn lại.

Làm tốt công tác xây dựng Đảng góp phần bổ sung lực lượng cán bộ chủ chốt, có năng lực chuyên môn cho thành phố và cơ sở. Ảnh: Bảo Lâm


Tiền đề quan trọng

Chương trình số 01 ra đời trong bối cảnh Thủ đô và cả nước đối mặt khó khăn về kinh tế, tình trạng suy thoái, biến chất về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống xảy ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Vì vậy, Chương trình đã xác định vấn đề cấp bách cần giải quyết là: Xây dựng Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể thực sự vững mạnh; nâng cao công tác lãnh đạo của cấp ủy, năng lực quản lý của chính quyền các cấp, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

15 đề án, chuyên đề cấp thành phố (TP) và 268 chuyên đề, đề án, chương trình của cấp ủy trực thuộc đã được ban hành, tập trung vào khắc phục những điểm yếu, còn hạn chế trên các lĩnh vực và đã có chuyển biến. Trước tiên phải kể tới công tác học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Lựa chọn việc quán triệt Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và 9 chương trình công tác toàn khóa làm điểm, Thành ủy đã có cách làm mới như mở rộng đối tượng tham gia, coi trọng thảo luận vấn đề ở đơn vị, địa phương. Cho đến nay, hầu hết các Đảng bộ trực thuộc đã đổi mới cách thức quán triệt nghị quyết. Đơn cử như Đảng bộ huyện Phúc Thọ thay vì truyền đạt mang tính một chiều, buổi quán triệt Nghị quyết TƯ 4, 5, 6 trở thành diễn đàn để lãnh đạo các xã, thị trấn phản ánh những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, đề xuất biện pháp tháo gỡ.

Đổi mới cách quán triệt nghị quyết là một trong những giải pháp thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI). Cùng với giải pháp này, Đảng bộ Thủ đô đã nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, chỉ rõ hạn chế, yếu kém, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đồng thời triển khai các giải pháp khắc phục. Qua một năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4, TP đã khắc phục sai phạm trong quản lý quy hoạch; xử lý một số sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý đất đai; thu hồi các dự án không triển khai thực hiện; đẩy mạnh cải cách hành chính; xử lý hơn 10 cán bộ lãnh đạo, quản lý quận, huyện, sở, ngành có thiếu sót trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. TP quyết định dừng không tổ chức các đoàn đi nước ngoài để tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; ban hành chỉ thị về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội là cấp ủy đầu tiên tổ chức thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo chủ chốt TP và 7 sở, ngành, nhằm phát huy dân chủ và tăng cường vai trò giám sát trong công tác cán bộ.

Điểm sáng nữa là việc phát triển tổ chức Đảng (TCĐ), đoàn thể trong DN theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy. Sau khi khảo sát 10.354 đơn vị, kết hợp học tập kinh nghiệm các địa phương, Hà Nội đã thiết lập một mô hình chuẩn của TCĐ ở DN ngoài nhà nước, thành lập Đảng bộ các Khu công nghiệp và Chế xuất. Đã có 160 TCĐ, với 1.452 đảng viên; 364 tổ chức công đoàn; 60 tổ chức đoàn; 25 chi hội phụ nữ… được thành lập trong hơn một năm qua. Các TCĐ, đoàn thể đã phát huy vai trò lãnh đạo, động viên người lao động hăng hái sản xuất, cộng đồng trách nhiệm cùng DN vượt qua khó khăn.

Hơn hai năm qua TP đã ưu tiên cho công tác đào tạo cán bộ. 8 lớp cán bộ nguồn làm công tác Đảng và lớp đào tạo cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn được triển khai (761 học viên) và chỉ trong nhiệm kỳ này sẽ bổ sung lực lượng đông đảo cán bộ có năng lực, trình độ, chuyên môn cho TP và cơ sở. Còn nhiều việc Đảng bộ TP đã và đang triển khai như đổi mới công tác quy hoạch, đánh giá cán bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ quan hành chính; phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên, đội ngũ trí thức; đổi mới hoạt động của MTTQ các tổ chức chính trị - xã hội và nâng cao năng lực điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền các cấp. Những kết quả này tạo tiền đề quan trọng để Đảng bộ triển khai thực hiện 8 chương trình trọng tâm còn lại.

Còn những điểm "nghẽn"

Dẫu đã đạt những kết quả bước đầu, song vấn đề nổi lên hiện nay là năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng còn hạn chế. Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở chưa đồng bộ, thống nhất. Hiện vẫn còn hơn 240 tổ dân phố, khu dân cư, thôn có từ 2 chi bộ trở lên; cá biệt có thôn có 13 chi bộ lãnh đạo. Tình trạng "chỉ đạo ngược": Trưởng thôn "giao nhiệm vụ" cho các bí thư chi bộ đã từng xảy ra. Việc triển khai các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định chưa đáp ứng yêu cầu về tăng cường đấu tranh, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thiếu trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của một số cấp ủy còn hạn chế. Một số lĩnh vực hoạt động của chính quyền còn bộc lộ nhiều yếu kém, khuyết điểm như quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, đô thị, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm… Điều này đã được tập thể BTV Thành ủy chỉ rõ trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI). Đáng nói, vẫn xảy ra tình trạng buông lỏng trong quản lý, chưa làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trực tiếp đến các sai phạm, khuyết điểm.

Bên cạnh đó, các cấp ủy cũng chưa kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh việc khó, thậm chí có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gây bức xúc trong nhân dân và là nguyên nhân công tác cải cách hành chính chậm chuyển biến, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 tụt 15 bậc so với năm 2011. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của một số địa phương còn kém hiệu quả; một số chương trình phối hợp hoạt động giữa MTTQ, các đoàn thể nhân dân với các cấp, ngành thiếu chặt chẽ, kết quả hạn chế.

Cốt yếu phải tăng trách nhiệm

Thời gian còn lại sẽ quyết định kết quả của Chương trình số 01. Vì vậy, các cấp ủy cần rà soát tiến độ công việc để xác định các bước tiếp theo. Cho đến nay, chỉ tiêu mỗi năm toàn Đảng bộ TP kết nạp 10.000 đảng viên mới đã được các cấp ủy thực hiện, nhưng thời gian tới cần nâng cao chất lượng đảng viên, tăng cường kết nạp đảng viên là sinh viên, trí thức. Về chỉ tiêu 100% cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có trình độ lý luận chính trị; 100% cán bộ chủ chốt phường, thị trấn và 80% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học được xem là khả thi bởi hơn hai năm qua các cấp ủy đã tổ chức nhiều loại hình đào tạo. Song, vấn đề cần lưu ý là không chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng vì thực tế có tình trạng đào tạo cho đủ bằng cấp, chưa chú trọng đào tạo những ngành thiết thực phục vụ công tác ở địa phương. Ngoài ra, chỉ tiêu đào tạo 1.000 cán bộ nguồn cho TP và cơ sở cũng dễ thực thi. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, sau đào tạo, TP cần cơ chế tuyển dụng để cán bộ nguồn yên tâm công tác, phát huy năng lực, sở trường, đáp ứng sự kỳ vọng của TP.

Từ nay đến hết nhiệm kỳ, toàn Đảng bộ cần thực hiện tốt công tác đánh giá chất lượng TCCS Đảng và đảng viên và tạo mọi thuận lợi để cán bộ trong diện quy hoạch được rèn luyện, phấn đấu trưởng thành. Nghị quyết số 09 đạt được một số kết quả bước đầu song so với yêu cầu các cấp ủy cần phải cố gắng hơn nữa để đạt chỉ tiêu mỗi năm thành lập mới khoảng 300-400 TCĐ trong DN ngoài nhà nước. Tới đây, các cấp ủy cần kiện toàn, bố trí, sắp xếp các TCĐ và hệ thống chính trị ở cơ sở đồng bộ, phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, hiệu quả hoạt động của các đoàn thể. Hơn hết, mỗi cấp ủy cần đổi mới mạnh mẽ phong cách công tác, lề lối làm việc, phương pháp chỉ đạo điều hành, trên tinh thần phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm cá nhân. Như đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Để thực hiện Chương trình số 01, Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) có kết quả, cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Thủ đô cần thực sự tự giác khắc phục yếu kém. Trước mắt, toàn Đảng bộ cần thực hiện tốt "Năm kỷ cương hành chính - 2013", trọng tâm là hoàn thành tốt 3 mục tiêu: Tăng trưởng kinh tế - kiềm chế lạm phát - bảo đảm an sinh xã hội. Toàn TP cần tạo bước chuyển biến rõ nét về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhóm PV Nội chính