Xuất khẩu 6 tháng đầu năm: Lạc quan nhưng không chủ quan
Kinh tế - Ngày đăng : 06:23, 15/07/2013
Dây chuyền sản xuất máy in tại Công ty Canon Việt Nam. Ảnh: Tuấn Anh |
Phân tích sâu sẽ thấy xuất hiện thêm nhiều thực tế đáng ghi nhận. Trước hết, KNXK nhóm hàng nông, thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 9,7 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ, giảm 4% so với tỷ trọng của năm 2012. Nguyên nhân chủ yếu do cả giá và lượng xuất khẩu đều giảm về giá bình quân, trong đó chủ yếu là hạt điều, hạt tiêu, gạo, cao su. KNXK nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt hơn 5 tỷ USD, giảm 10,5%, chủ yếu do giá bán trên thị trường thế giới giảm. Tuy xuất khẩu giảm nhưng là tín hiệu đáng mừng bởi nó thể hiện cơ cấu hàng xuất khẩu đang diễn biến phù hợp với định hướng phát triển bền vững, theo chủ trương tập trung đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao. Riêng nhóm hàng khoáng sản đã được khai thác đến ngưỡng và không thể có đột phá trong khi một số loại tài nguyên quan trọng như dầu thô, than đá, sắt… đều đã qua khai thác từ lâu nên cần duy trì ở mức hợp lý, có xét đến mục tiêu tiết kiệm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa sẽ tăng cao trong thời gian tới. Đó là chưa tính đến hiệu quả xuất khẩu khoáng sản thô rất thấp, đồng thời có thể gây ô nhiễm môi trường và gây cạn kiệt nguồn tài nguyên diễn ra sớm hơn.
Trong khi đó, kết quả xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng cao, với kim ngạch hơn 42,7 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là mức tăng rất cao, hơn hẳn so với tốc độ tăng của hoạt động xuất khẩu nói chung và khẳng định vai trò chủ lực của nhóm hàng này. Trong đó, nhóm các sản phẩm có chất lượng và giá trị cao như: điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của nước ta đã được các đối tác, người tiêu dùng quốc tế đón nhận. Ngoài ra, một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn như dệt may, da giày cũng có mức tăng trưởng cao, tương ứng là 17% và 16% trong 6 tháng qua. Nhiều DN đang đẩy mạnh đầu tư, thay đổi công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh và vẫn có đủ đơn hàng, từ đó bảo đảm sự ổn định trong sản xuất.
Thực tế cho thấy, KNXK đến nay đã đạt 49% kế hoạch, hé lộ khả năng hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Đây là dự báo có cơ sở nếu xét theo yếu tố chu kỳ thì xuất khẩu của 6 tháng cuối năm luôn cao hơn 6 tháng đầu năm 15-25% bởi đó là quãng thời gian mà cộng đồng doanh nghiệp tăng tốc để hoàn thành kế hoạch, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu về thời hạn giao hàng cho đối tác.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần lưu ý một số yếu tố bất lợi có thể diễn ra, làm giảm sút lợi nhuận trong xuất khẩu. Đó là, diễn biến thời tiết năm nay có khả năng diễn biến bất thường, nhất là hạn hán hoặc lũ lụt cục bộ tại một số vùng nguyên liệu thuộc nhóm nông sản chủ lực gồm: Cà phê, gạo, hạt tiêu… Từ đó, đặt ra yêu cầu cần có phương án chuẩn bị đối phó cũng như tạm trữ và xử lý nông sản sau thu hoạch một cách kịp thời, hợp lý. Doanh nghiệp đầu mối cũng nên tham khảo thông tin, dự báo về diễn biến và nhu cầu thị trường quốc tế để cân nhắc trong đàm phán, quyết định thời điểm ký hợp đồng xuất khẩu nhằm phòng tránh tình trạng bị ép giá. Riêng mặt hàng gạo nên chủ động công tác thu mua, tạm trữ nhưng lưu ý đến giá mua vào để tránh thiệt hại đối với nông dân. Hoạt động của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày đang diễn biến khá thuận lợi nên doanh nghiệp cần tranh thủ thâm nhập sâu hơn, tiến tới mở rộng quy mô xuất khẩu trong thời gian tới.