Tương lai sáng trên vùng đất nghèo
Xã hội - Ngày đăng : 06:02, 15/07/2013
Khi hợp nhất về với Hà Nội, Thạch Thất là một trong những huyện khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, nhất là 3 xã miền núi: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Chủ tịch UBND xã Yên Trung Hoàng Phương nhớ lại: 5 năm trước, Yên Trung là xã nghèo, được hưởng chính sách 135 của Thủ tướng Chính phủ. Đường vào xã hoàn toàn là đường đất, vào mùa mưa đường trơn trượt, rất khó đi lại. Do giao thông chưa phát triển, ảnh hưởng lớn đến việc giao lưu hàng nông sản với các địa phương khác khiến đời sống người dân rất khó khăn. Cũng như Yên Trung, các xã Yên Bình và Tiến Xuân tuy có khá hơn, song vẫn thuộc diện vùng xa, vùng sâu, nghèo khó.
Diện mạo mới của xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất). Ảnh: Thu Giang |
Sau 5 năm, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của 3 xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân đã thay da đổi thịt. Vẫn những con người đó, song đã có nhiều đổi thay trong cách nghĩ, cách làm. Chủ tịch UBND xã Yên Trung Hoàng Phương cho biết: Giờ ở Yên Trung, 80% tuyến đường liên thôn đã được bê tông hóa, tạo ra bộ mặt mới cho nông thôn. Khi có đường, có điện, nhiều hộ đã biết đưa các cây, con có giá trị vào đồng đất để nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ sản xuất một vụ lúa với diện tích 128ha, giờ đây người dân đã mạnh dạn chuyển sang cấy hai vụ, năng suất đạt 56,7 tạ/ha, tăng gần 2 lần so với năm 2008. Ngoài làm nông nghiệp, trung bình mỗi năm xã còn mở khoảng 4 lớp đào tạo nghề mới cho bà con. Thôn Hương là nơi có xuất phát điểm thấp nhất, song lại là nơi có sự chuyển biến rõ nét nhất. Mặc dù dân cư thưa thớt, ruộng đất khó canh tác, toàn bộ dân số trong thôn đều là người dân tộc Mường, nhưng hiện tại, đời sống của người dân thôn Hương thay đổi nhanh chóng. Bà Nguyễn Thị Bằng, người dân ở thôn Hương bộc bạch: Từ khi về Hà Nội, đường sá rộng rãi, ánh điện về mang theo bao tri thức, con cháu được học trong những ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp. Người dân sản xuất nông nghiệp cũng đỡ vất vả vì có máy bừa, máy tuốt lúa…
Theo Trưởng thôn Hương Nguyễn Văn Định, năm 2008 toàn thôn có 20/51 hộ nghèo, nay đã giảm xuống còn 5 hộ. Trước đây, các hộ trong thôn chỉ biết trồng lúa, nay họ đã biết trồng cây gì, nuôi con gì có giá trị cao. Ngoài cấy lúa, những ao, hồ đều được người dân tận dụng nuôi cá. "Dù kinh tế có suy thoái, song cũng không ảnh hưởng nhiều đến người dân thôn Hương, bởi giờ đây họ đã nhạy bén hơn, tiếp cận với tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nên không còn sợ nghèo, sợ đói và có thể làm giàu từ vùng đất này" - ông Định khẳng định.
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên cho biết, tổng giá trị sản xuất của 3 xã miền núi 5 năm qua tăng 59,6%. Để có sự thay đổi này, với sự quan tâm của thành phố, huyện đã tập trung nâng cấp toàn bộ mạng lưới điện, xây dựng đường, trường học ở 3 cấp, trạm y tế của 3 xã được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn quốc gia; xây dựng hệ thống thủy lợi, chợ nông thôn… với tổng mức đầu tư lên tới 412 tỷ đồng. Hiện huyện đang thực hiện kế hoạch 166 của thành phố về phát triển kinh tế - xã hội đồng bào các dân tộc miền núi giai đoạn 2013-2015, với hơn 40 dự án trị giá hơn 300 tỷ đồng. Trong phát triển kinh tế, huyện tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân. Có những trang trại lợn ở Yên Bình lên tới hơn 10.000 con, mở ra hướng phát triển cho kinh tế địa phương. Ngoài ra, huyện còn quan tâm, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong 5 năm qua, đã đào tạo nghề cho hơn 1.000 người và giải quyết việc làm cho gần 1.200 lao động, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, xã Tiến Xuân, Yên Trung hiện chỉ còn 4,8% và Yên Bình là 4,9%.
Năm năm là một chặng đường ngắn, nhưng đời sống của người dân trên địa bàn huyện Thạch Thất nói chung và 3 xã miền núi nói riêng đã có sự thay đổi đáng kể. Người dân đã tập trung đầu tư vào sản xuất, chăm lo cho con cái học hành, mở ra một tương lai tươi sáng cho những vùng đất nghèo khó trước đây.