Văn học thiếu nhi và nhà thơ Trương Hữu Lợi

Văn hóa - Ngày đăng : 15:49, 09/06/2004

Nhà thơ Trương Hữu lợi hiện là chủ nhiệm Chương trình văn nghệ thiếu nhi của Đài Phát thanh TNVN, đồng thời là tác giả của 5 tập thơ và văn xuôi. Từ 1986 đến 1994, ông đã cho xuất bản: Cõi hoang, Hoa lạnh, Chú mèo mắt xanh, Ngựa hồng ngựa tía, Bài hát con kiến; trong đó, có tới ba tập truyện cổ tích, đồng thoại và thơ viết cho thiếu nhi. Để hiểu thêm về thơ thiếu nhi và tác giả Trương Hữu Lợi, phóng viên HNMĐT đã có cuộc trao đổi dưới đây:

Nhà thơ Trương Hữu lợi hiện là chủ nhiệm Chương trình văn nghệ thiếu nhi của Đài Phát thanh TNVN, đồng thời là tác giả của 5 tập thơ và văn xuôi. Từ 1986 đến 1994, ông đã cho xuất bản: Cõi hoang, Hoa lạnh, Chú mèo mắt xanh, Ngựa hồng ngựa tía, Bài hát con kiến; trong đó, có tới ba tập truyện cổ tích, đồng thoại và thơ viết cho thiếu nhi. Để hiểu thêm về thơ thiếu nhi và tác giả Trương Hữu Lợi, phóng viên HNMĐT đã có cuộc trao đổi dưới đây:

-Trước hết, xin ông vui lòng giới thiệu chút ít về Chương trình văn nghệ thiếu nhi của Đài phát thanh TNVN?

-Hiện thời lượng phát sóng của chúng tôi khá dày đặc. Hàng ngày có hai chương trình: Văn nghệ tổng hợp (phát sóng 30 phút) và Hát ru cho bé (phát sóng 15 phút) dành cho thiếu nhi. Ngoài ra, hàng tháng chúng tôi còn có Tạp chí văn nghệ thiếu nhi (phát sóng 40 phút) dành cho người lớn. Một năm, các chương trình nói trên ngốn số lượng bản thảo bằng số đầu sách của một nhà xuất bản.

-Định hướng lớn của các chương trình trên là gì?

-Đề cao tính giáo dục, tính hướng dẫn. Những gì mang tính chất ly kỳ, bi quan, khơigợi tình dục…đều phải loại bỏ một cách triệt để.

- Ông có nhận xét gì về thơ thiếu nhi viết và thơ của người lớn viết cho thiếu nhi?

- Thơ thiếu nhi viết có ưu điểm là hồn nhiên, có nét độc đáo và khơi gợi đén nỗi đau trong xã hội nhưng lại có khuyết điểm là hay mắc tật mô phỏng lối viết của nước ngoài, giống (ở một chừng mực nào đó có thế gọi là đạo văn) của người khác một cách có ý thức và không có ý thức.

Thơ của người lớn viết cho thiếu nhi có ưu điểm là trong sáng, có tính giáo dục nhưng có khuyết điểm là nhàm chán, trùng lặp, dễ dãi, đơn điệu, không gắn bó với thiếu nhi và không được thiếu nhi thích. Tôi có cảm giác: Các tác giả người lớn thiếu cách nghĩ, cách cảm của trẻ em.

- Tuổi thơ ấu của một thời , người ta có thể dễ dàng kể têncác tác giả viết cho thiếu nhi ở ta như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Sách, Xuân Quỳnh…với những Dế mèn phiêu lưu ký, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Đội du kích thiếu niên Đình Bảng, Truyện cổ tích loài người… Còn bây giờ thì sao, thưa ông?

- Vẫn có thể kể: Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng của Nguyễn Ngọc Thuần.

- Ngoài Nguyễn Ngọc Thuần trên hai mươi tuổi, có tác giả là trẻ em nào xuất hiện và sớm nổi đình đám như Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân …thuở nào không?

- Không thấy. Thơ của trẻ em xuất hiện bây giờ có thể có tác phẩm mà không có tác giả.

- Ông có thể lý giải hiện tượng này?

- Hình như trẻ em bây giờ có mối quan tâm rộng hơn và ít đam mê sáng tác văn chương hơn.

- ít đam mê hơn! Theo tôi, nhận xét này không chỉ đúng với trẻ em, mà còn đúng với cả người lớn nữa. Theo nhận xét của nhà thơ Trần Ninh Hồ thì thơ người lớn bây giờ cũng chỉ có tác phẩm mà ít có tác giả.

- Một khi anh đã không hết lòng với văn chương thì văn chương cũng không hết lòng với anh. Cũng giống như trong cuộc sống: Anh không vị một cái, gìthì cũng chẳng có cái gì vị anh cả. Hay nói như nhà thơ Bế Kiến Quốc: Anh không trồng cây làm sao có bóng mát. Theo tôi, một số tác giả người lớn đang sử dụng văn học như một phương tiện hơn là như một mục đích. Họ đang vị …mưu sinh đấy chứ.

- Không vị nhân sinh, vị nghệ thuật mà là vị mưu sinh! Một nhận xét thật sắc sảo, đầy phát hiện.

- Điều này thấy rất rõ ở nhiều người. Nhiều khi tính chất công chức, công việc, sự tỉnh táo, nỗi lo an toàn, tư duy lôgíc, đặc biệt là sự thôi thúc áo cơm đã làm hại sáng tác. Đó là bị kịch!

- Với ông thì sao?

- Không loại trừ. Tôi cũng bị cuốn vào bi kịch ấy.

- Liệu thời gian có trở thành vật cản?

- Không hẳn. Làm cái gì không thành cũng đổ lỗi cho thời gian là không phải. Cái chính là con người công chức đã chèn ép con người nghệ sĩ.

- Công việc thường nhật ở chỗ ông tiến hành ra sao?

- Chúng tôi có ít người nhưng vẫn phải lo từ A đến Z mọi chương trình. Về bài vở, mộtphần ba tự lo tự sáng tác, một phần ba đặt bài cộng tác viên, một phần ba khai thác từ sách báo có sẵn. Chúng tôi vất vả hơn, vì ngoài lo bản thảo, còn phải lo các khâu khác ( do đặc điểm của báo nói)nữa như diễn xuất, dựng chương trình trên băng…

- Theo ông, thính giả đông đảo của Chương trình là đối tượng nào?

- Nhiều nhất là học sinh THCS ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Tiếp đến là các nhà thơ nhà văn viết cho thiếu nhi và các bậc phụ huynh quan tâm đến văn học nói chung.

- Trở lại với ông. Xin ông bộc bạch đôi chút về mình?

- Tôi là người được đào tạo cơ bản tại trường Đại học Tổng hợp Lốtdi (Ba Lan) từ năm 1972. Năm 1988, tôi chính thức gắn bó với văn học. Riêng về thơ văn viết cho thiếu nhi, tôi đã công bố: Chú mèo mắt xanh (Nhà xuất bản Hà Nội 1986), Ngựa hồng ngựa tía ( NXB Kim Đồng năm 1996), Bài hát con kiến ( NXB Đồng Nai 1998).

- Ông quan niệm thế nào về thơ văn viết cho thiếu nhi?

- Phải bay bổng, không lệ thực, có tính ước lệ cao, dí dỏm và có trí tuệ. Riêng về thơ, dứt khoát phải có vần, có điệu, dễ nhớ, dễ thuộc.

- Bài hát con kiến là một tác phẩm thể hiện rất rõ quan niệm sáng tác của ông về đồng dao. Ông rất thành công khi sáng tác thơ theo thể đồng dao. Bài thơ này thật ấn tượng, nhất là ở những câu:

Mỗi cô mỗi cậu

Tha một hạt son

Đắp núi đắp non

Thóc gạo thừa thãi

Ai vung ai vãi

Khắp chốn khắp nơi…

Vậy, quan niệm của ông thế nào về thể đồng dao truyền thống?

- Trước hết phải có nhịp điệu, có vần nối, có thể đọc vòng tròn như những điệp khúc. Tiếp theo, phải có những câu ngỡ như mơ hồ sương khói nhưng lại loé sáng, tạo thành điểm nhấn. Sau cùng, ít nhất phải rút ra được một bài học về nhân sinh nào dó.

- Sắp tới, ông có dự định gì?

- Sẽ in một tập thơ một trăm bài dành cho thiếu nhi, một tập thơ đó năm mươi bài dành cho thiếu nhi và một tập thơ nữa viết cho người lớn.

- Nghe nói từ lâu ông đã có một tập bản thảo hoàn chỉnh mang tên Suối quên, vậy sao đến mười năm rồi, vẫn chưa xuất bản?

- Đúng như thế.

- Tại sao vậy?

- Khâu phát hành tức"đầu ra" thật là khó! Bây giờ có mấy ai đọc thơ đâu!

Bình minh đất Mũi

Ai về thăm mũi Cà Mau

Một vùng đất trẻ mỡ màu phù sa

Trăng thanh treo giữa tiếng gà

Giục mầm đước mọc la đà mặt sông

Rừng tràm trôi giữa mênh mông

Bình minh lên nằng nhuộm hồng tiếng ve

Đầu làng vắt vẻo cầu tre

Cầu rung nhịp bước em về thăm quê.

Mái ấm ngôi nhà

Nếu ngọn gió nào dẫn con đến chân trời xa thẳm

Con đừng quên lối về nhà

Nơi thung sâu khơi nguồn ngọn gió…

Nếu cánh chim nào chở con lên thăm mặt trời cháy đỏ

Con đừng quên lối về nhà

Nơi sớm chiều vẫn nhen ngọn lửa…

Nếu vạt mây nào đưa con lên chơi với ngôi sao xanh biếc

Con đừng quên lối về nhà

Suối trong con tắm mình thuở bé…

Bài hát con kiến

Ông ơi bà ơi

Cho xin hạt gạo

Gạo đem nấu cháo

Khao lũ kiến con

Bờ đê chon von

Gió mưa sùi sụt

Cửa nhà ngập lụt

Lạc mẹ lạc cha

Thất thểu thất tha

Kiến con đang đói

Mai ông bà đòi

Kiến mong trả hậu

Mỗi cô mỗi cậu

Tha một hạt son

Đắp núi đắp non

Thóc gạo thừa thãi

Ai vung ai vãi

Khắp chốn khắp nơi

Ông ơi bà ơi

Cho xin hạt gạo…

Đặng Huy Giang

ANHTHU