Di sản đê Hà Nội (tiếp theo)
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:36, 15/07/2013
(HNM) - Không chỉ đắp mới, Gia Long còn hạ lệnh cho quan lại sĩ thứ Bắc thành điều trần lợi hại "Những huyện ở ven sông trong địa phương các người từ trước đã đắp đê phòng lụt. Song nhân tuần đã lâu, hễ đến mùa lụt thì đê vỡ lở, lúa ruộng bị ngập, người và vật đều bị hại. Bọn người, kẻ thì sinh ở đó, người thì làm ăn ở đó. Thế đất tình người đã từng am thuộc. Vậy đắp đê hay bỏ đê, cách nào hại, cho được bày tỏ. Lời bàn mà có thể thực hành sẽ được nêu thưởng". Trong gần 20 năm trị vì, Gia Long ưu tiên công việc đắp đê ở miền Bắc, năm 1804 sai quan lại Bắc thành lấy dân đi sửa, đắp đê, sau lại sai quan trong triều là Võ Trinh đi trông coi. Năm 1806, Gia Long lại lấy 95.200 quan tiền trong ngân khố để đắp 12 đoạn đê mới ở miền Bắc.
Một đoạn đê sông Hồng hôm nay. |
Năm 1808, lại cho đắp thêm 10 đoạn đê mới tại các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Văn Giang với chiều dài khoảng 1.500 trượng (1 trượng bằng 0,4m). Năm 1809, theo lời tấu của đô chính Bắc thành, Gia Long tiếp tục cho đắp thêm hai đoạn đê mới và tôn cao hai đoạn đê cũ, chi phí hết 87.000 quan. Cũng năm này nhà vua đặt chức quan đê chính Bắc thành (trông coi đê điều) rồi cử Binh bộ thượng thư Đặng Trần Thường làm Tổng lý và quan tham chính Bộ Công Nguyễn Khắc Thiệu làm tham lý. Bắt đầu từ năm 1809, vua Gia Long cũng quy định cứ tháng 10 âm lịch hằng năm các quan phủ, huyện, trấn phải lần lượt đi kiểm tra các tuyến đê, sau đó quan đê chính đi kiểm tra lại, thấy đoạn đê nào yếu hay có nguy cơ vỡ vào mùa lũ thì tiến hành tu bổ. Gia Long cũng quy định, tất cả đều khởi công vào tháng Giêng hoặc tháng Hai và phải hoàn thành trước khi mùa mưa lũ bắt đầu. Để hạn chế tham nhũng, Gia Long bắt các quan phải báo cáo chi tiết về quy mô, nguồn nhân lực, giá thành từng trượng, thước đất đắp đê.
Dưới triều Minh Mạng từ năm 1820-1840, hầu như năm nào cũng có các công cuộc trị thủy ở miền Bắc. Có những công trình đại quy mô huy động đến hàng vạn người, cả dân phu và binh lính. Trong 30 năm đầu trị vì, triều Nguyễn đã đắp 580km đê mới. Những điếm canh dọc theo đê sông Hồng địa phận Hà Nội và các tỉnh từ thời Nguyễn vẫn còn cho đến ngày nay, khi nước sông dâng cao các làng phải cắt cử trai đinh trực ở điếm cả ngày lẫn đêm. Khi nguy cấp thì thúc trống liên hồi và dân trong vùng ai cũng phải đi hộ đê, kẻ trốn tránh bị xử phạt rất nặng.
Năm 1915, sau khi vỡ đê Liên Mạc, Thống sứ Bắc Kỳ đã cho đắp cao hơn và chân đê rộng hơn với khối lượng đất lên tới 32 triệu mét khối. Từ năm 1917 đến 1923, chính quyền thời đó đã cho đắp thêm 9 triệu mét khối, khiến cho đê Hà Nội cao lên đến 11,5m, tổng chi phí cho dự án hết 3 triệu đồng Đông Dương. Năm 1924, Thống sứ Bắc kỳ lại cho nâng chiều cao đê lên 12m để chịu được lũ lớn. Năm 1927 sửa được 420km đê dọc sông Hồng và đắp thêm 67 triệu mét khối với tổng chi phí là 7 triệu đồng Đông Dương. Sau khi miền Bắc được hòa bình (1954), Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa rất quan tâm đến tu bổ đê điều, đặc biệt là các giải pháp khẩn cấp cho sự an toàn của Hà Nội khi nước sông Hồng lên cao, vì nơi đây là trụ sở của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Từ năm 1954 đến năm 1980, Hà Nội đã đắp thêm 10 triệu mét khối đất để gia cố các đoạn đê xung yếu, nâng cao mặt đê.
Giữ đê hay bỏ đê?
Hệ thống đê miền Bắc nối với nhau, gần như hoàn chỉnh vào thời nhà Nguyễn. Công sức, tiền của bỏ ra vô cùng lớn nhưng kết quả gần như trái ngược và sông Hồng trở nên hung dữ hơn, phá vỡ đê và gây ngập lụt triền miên. Bị đê chắn, nước sông không thể tràn vào đồng, nên ruộng đồng không còn màu mỡ, cá tôm không còn vào ao chuôm như trước. Mặt khác, sông Hồng bị hai bờ đê ngăn giữ nên phù sa bị dồn ứ làm đáy sông nâng cao và câu chuyện đắp đê như chuyện cổ tích Sơn Tinh và Thủy Tinh. Vua Gia Long đã nhận ra những bất cập này nhưng chưa tìm ra cách làm nào hay hơn dù biết đắp đê vô cùng tốn kém. Đến đời vua Minh Mạng, các quan Đoàn Văn Trường, Đặng Văn Thiêm và Trịnh Quang Khanh đã dâng sớ xin khai sông thay vì đắp đê. Các quan cũng xin tạm bỏ đê ở Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương. Minh Mạng là vị vua thông tuệ nên ông chấp thuận đồng thời cho đào sông Cửu An để thoát lũ. Tuy nhiên, việc thực hiện công việc cũng chẳng dễ dàng vì vô cùng tốn kém trong khi ngân khố có hạn. Năm 1837, Nguyễn Công Trứ đã đề xuất giải pháp phân lũ bằng cách khai đào đoạn khởi đầu sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay) nối với sông Hồng ở phía thượng lưu để chuyển nước từ sông Hồng giải tỏa áp lực lũ ở vùng Hà Nội. Đó là giải pháp vô cùng khoa học để bớt công sức đắp đê.
Năm 1846, đời vua Thiệu Trị, Tổng đốc Hà Ninh là Nguyễn Đăng Giai thấy năm nào tỉnh Hà Nội cũng khốn khổ vì chuyện đê điều đã có bản tấu với 12 điểm bất lợi của đê và xin bỏ đê lên vua Thiệu Trị. Nguyễn Đăng Giai viết "Đắp đê phòng lũ, nước không vào được ruộng thì ruộng ngày càng khô ráo. Có cấy lúa cũng không lên được. Mỗi năm đến tiết hạ - thu nước sông trương rật lên là phải đi hộ đông tây, trống thúc huyên thuyên mà đồng ruộng lại khô hạn. Trong đồng mong nước như kẻ đang khát mà bên ngoài sông coi nước như thù. Muốn đào ra lấy nước thì sợ vỡ đê. Muốn hộ đê cho vững thì lúa bị hạn. Đường đê đã nhiều, hao phí tài lực càng lắm. Làm chỗ này, hỏng chỗ kia, kè bên đông thì bỏ bên tây. Đem cái công làm ruộng hữu hạn mà đắp cái đê bối vô hạn, tài lực của dân sao chịu nổi".
Nguyễn Đăng Giai cũng đề xuất đào một số con sông để phân lưu đổ về phía đông cho sông Hồng giảm bớt lượng nước đổ vào đồng. Đến đời vua Tự Đức, quan Nguyễn Đăng Khải cũng có bản tấu bỏ đê bên hữu ngạn sông Hồng để lấy nước vào đồng nhưng giữ đê bên tả để bảo vệ Hà Nội. Năm 1861, Khoa đạo Ngự sử Vũ Văn Bính lại dâng bản tấu nói về cái hại của việc giữ đê và cái lợi của việc bỏ đê. Bản tấu này đề nghị bỏ hết đê ở các tỉnh Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên. Trước những đề xuất nghe có vẻ hợp lý nên vua Tự Đức đã triệu tập một hội nghị xem xét bản tấu, song nhiều quan cho rằng không nên bỏ đê mà tập trung vào việc khơi thông sông Thiên Đức, củng cố hệ thống đê cũ hai bờ sông. Như vậy đề xuất của Nguyễn Công Trứ khơi thông sông Thiên Đức từ thời vua Minh Mạng mới được thực hiện, tuy nhiên cũng chỉ thực hiện được một phần và được hoàn chỉnh thêm trong thời Pháp thuộc. Từ đó, sông Đuống trở thành đường thoát lũ quan trọng nhất của sông Hồng.
Sau này, đã có những hội nghị bàn về bỏ hay giữ đê được ngành thủy lợi tổ chức và các chuyên gia cũng có ý kiến khác nhau. Bỏ đê có nhiều cái lợi là nước tràn vào đồng mang phù sa làm cho đất đai Đồng bằng Bắc bộ luôn màu mỡ, đồng thời cũng đưa cá tôm vào ao hồ, song lớn hơn cả là tiết kiệm được ngân sách chi cho tu bổ đê điều hằng năm. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến phản biện, nếu bỏ đê thì không chỉ Hà Nội mà nhiều vùng cũng sẽ bị ngập lụt vào mùa nước vì do phù sa tích tụ nhiều năm nên đáy sông Hồng cao hơn mặt bằng trung bình của Hà Nội.
Gần đây nhất, một số chuyên gia thủy lợi đã đưa ra quan điểm rất đáng chú ý là miền Bắc đã có thêm Thủy điện Sơn La và sắp tới là Lai Châu nên có thể bỏ bớt một số đoạn đê sông Hồng, vì nước ở con sông này cơ bản được khống chế. Ý kiến này xem ra có cơ sở.