Đề xuất tăng cước 3G: Vì quyền lợi khách hàng!?
Xe++ - Ngày đăng : 07:39, 13/07/2013
Các ý kiến phản đối việc đề xuất tăng cước 3G với nhiều lý do. Thứ nhất, bạn đọc cho rằng, việc các DN kêu lỗ, đang đưa ra giá cước thấp dưới giá thành là không đúng, vì năm nào các nhà mạng cũng công bố lợi nhuận, doanh thu rất cao (cả VNPT, Viettel đều đạt con số hơn 100 nghìn tỷ đồng), lợi nhuận đạt cả chục nghìn tỷ đồng. Tiếp nữa, nhiều bạn đọc nhận xét việc các nhà mạng cho rằng cước 3G rẻ hơn nhiều so với các nước trong khu vực và tới vài chục lần so với các nước Châu Âu là sự so sánh khập khiễng. Vì thu nhập bình quân của người dân Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực và còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia Châu Âu. Một luồng ý kiến nữa cho rằng việc đề xuất tăng cước ban đầu là sự tận thu nhằm đạt chỉ số lợi nhuận cao và đây là mối lo tiềm tàng cho việc độc quyền tăng giá sau này…
Người dùng dịch vụ 3G ngày càng nhiều. Ảnh: Hải Thanh |
Có thể nói rằng, ý kiến của bạn đọc bình luận tại các diễn đàn, trang báo điện tử là rất đáng ghi nhận và ở một góc độ nào đó là không sai. Chẳng hạn, việc bạn đọc dẫn chứng mỗi năm các DN đạt doanh thu hàng trăm nghìn tỷ đồng và lợi nhuận lên đến vài chục nghìn tỷ đồng. Sở dĩ nói là không sai vì họ đang nhìn nhận dưới góc độ chỉ là bạn đọc, là người dân và họ biết các công bố này qua các phương tiện truyền thông, mà không biết cụ thể là trong phần doanh thu này dịch vụ 2G mới đem lại giá trị lớn cho nhà mạng (chiếm hơn 80% doanh thu). Đến nay, mới chỉ có Vinaphone công bố lượng thuê bao 3G chiếm 15-20% tổng thuê bao và đem lại 5-10% doanh thu cho mạng này… Tất nhiên, không phải mọi vấn đề đều có thể công bố được, nhưng rõ ràng bạn đọc cũng cần đưa ra những thông tin thuyết phục, đánh giá hợp lý.
Trở lại câu chuyện các DN cung cấp dịch vụ internet 3G, để giành được tấm giấy phép này, 3 "đại gia" Viettel, MobiFone, Vinaphone đã phải chi cả chục nghìn tỷ đồng cam kết trong hồ sơ thi tuyển để đầu tư cho mạng lưới và được cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xác nhận. Thông tin mới nhất mà Bộ công bố là các DN đã đầu tư khoảng 28.000 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ USD) cho mạng 3G, phủ sóng 3G tới 90% dân số. Đầu tư lớn là như vậy, song các nhà mạng lại đưa ra các gói cước giá thấp, lý do là để cạnh tranh lẫn nhau và thu hút người sử dụng. Do vậy, có thể nói rằng, giá cước 3G trên thị trường hiện thuộc hàng rẻ, cụ thể gói cước không giới hạn là 50.000 đồng/tháng, gói cước dành cho sinh viên là 35.000 đồng/tháng. Theo thống kê của các nhà mạng, giá dịch vụ 3G đang được bán chỉ bằng 35-68% so với giá thành. Cái lợi của việc đưa ra gói cước thấp cộng với sự bùng nổ của các dòng điện thoại smartphone giá bình dân là tỷ lệ người dùng dịch vụ 3G ngày càng nhiều. Song, về lâu dài, lượng người dùng càng nhiều dẫn tới nhu cầu về băng thông ngày càng lớn trong khi lại bán dưới giá thành thì các DN sẽ không có tiền để tái đầu tư thì đó chính là bất cập.
Một áp lực nữa khiến các nhà mạng phải đề xuất tăng giá 3G mà không thể không nhắc tới là những ứng dụng về thoại và tin nhắn miễn phí (gọi tắt là dịch vụ OTT) xuất hiện tràn lan trên mạng internet đang và sẽ "cướp" đi cả nghìn tỷ đồng của nhà mạng. Cụ thể, dịch vụ OTT gồm những phần mềm nhắn tin, gọi điện miễn phí này được tải về trong các dòng smartphone và chỉ cần cùng sử dụng 3G, hoặc wifi thì cả người gọi, người nhận đều không mất tiền. Có thể dẫn chứng ra 3 phần mềm OTT như Viber, Kakao Talk, Zalo đang được sử dụng nhiều tại thị trường trong nước và nhà cung cấp các phần mềm này dự kiến sẽ đạt 5-10 triệu người sử dụng cho đến cuối năm 2013. Còn theo số liệu của Bộ TT-TT cả nước có 20 triệu thuê bao 3G và nếu tất cả đều sử dụng các dịch vụ OTT thì đây sẽ là thiệt hại lớn cho nhà mạng. Thực tế, từ khi dịch vụ này mới "nhen nhóm" vào Việt Nam, lãnh đạo các tập đoàn VNPT, Viettel đã bày tỏ lo ngại rằng các dịch vụ OTT sẽ gây thất thu cho nhà mạng, ước tính 9-10% doanh thu/năm (tương đương hơn chục nghìn tỷ đồng) và theo thời gian, lượng người sử dụng OTT càng lớn sẽ càng gây thiệt hại cho nhà mạng. Đó còn chưa kể một loạt ứng dụng nhắn tin, trò chuyện miễn phí từ các mạng xã hội, trong đó có Facebook, nhắn tin qua Yahoo Messenger… và các tiện ích của các dòng smartphone (người dùng iPhone có thể gửi tin nhắn miễn phí cho nhau bằng i-message). Do vậy, từ những phân tích như kể trên có thể thấy, giá cước 3G thấp đang đem lại lợi ích cho khách hàng, song xét về lâu dài nếu cứ tiếp tục nhà mạng sẽ ngày càng bị thất thu và từ đó khó có thể tái đầu tư cho mạng lưới và điều này lại gây thiệt hại cho chính khách hàng.