Hợp đồng cho thuê lại lao động và nghĩa vụ trả lương cho người lao động

Xã hội - Ngày đăng : 07:11, 13/07/2013

Tôi được biết pháp luật có quy định về cho thuê lại lao động. Xin hỏi quý báo, doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê có cần ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động không? Nếu có, hợp đồng này bao gồm những nội dung nào? Bên nào sẽ có nghĩa vụ trả lương cho người lao động trong trường hợp này? Phạm Văn Quang (Gia Lâm - Hà Nội)

Tôi được biết pháp luật có quy định về cho thuê lại lao động. Xin hỏi quý báo, doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê có cần ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động không? Nếu có, hợp đồng này bao gồm những nội dung nào? Bên nào sẽ có nghĩa vụ trả lương cho người lao động trong trường hợp này?
Phạm Văn Quang (Gia Lâm - Hà Nội)

Thạc sĩ, luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật số 5 - Quốc gia, ĐT: 04.37622619- 37622620; website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:

- Theo quy định tại Điều 53, Bộ luật Lao động năm 2012: Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định.

Căn cứ Khoản 1, Điều 55, Bộ luật Lao động năm 2012 thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản, lập thành 2 bản, mỗi bên giữ một bản. Theo Khoản 2, Điều 55 bộ luật này thì hợp đồng cho thuê lại lao động gồm các nội dung chủ yếu sau đây: a) Nơi làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại; b) Thời hạn thuê lại lao động, thời gian bắt đầu làm việc của người lao động; c) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; d) Nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động. Hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền, lợi ích của người lao động thấp hơn so với hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại đã ký với người lao động (Khoản 3, Điều 55, Bộ luật Lao động năm 2012).

Khoản 5, Điều 56, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, doanh nghiệp cho thuê lại lao động có nghĩa vụ: Thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định của bộ luật này; trả tiền lương, tiền lương của ngày nghỉ lễ, nghỉ hằng năm, tiền lương ngừng việc, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm; đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật. Bảo đảm trả lương cho người lao động thuê lại không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau. Do vậy, trong trường hợp mà bạn đã nêu tại câu hỏi thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động là bên có nghĩa vụ trả lương cho người lao động.