Nhóm ngành y luôn “hút” người học
Xã hội - Ngày đăng : 08:24, 12/07/2013
Sinh viên nhóm ngành y đang thực hành. |
Trao đổi với chúng tôi, Nguyễn Thị Hoa (cựu sinh viên nhóm ngành y của trường, hiện đang công tác tại một bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh) cho biết, kết thúc hai năm học tại trường, được sự quan tâm dạy bảo của các thầy cô, cùng với sự giúp đỡ, chỉ bảo của các nhân viên, y bác sĩ, Hoa đã trưởng thành lên rất nhiều về kiến thức cũng như kỹ năng tay nghề. Với cách dạy của trường, ngay sau khi tốt nghiệp, Hoa đã nắm vững kiến thức di truyền học, chức năng nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong cơ thể, nguyên nhân triệu chứng, điều trị các bệnh; thành thạo các kỹ năng, thủ thuật như tiêm truyền, cho thở oxy; sử dụng thuốc đúng nguyên tắc và hiệu quả… "Nhà trường đã rèn cho tôi lối sống lành mạnh, có tinh thần trách nhiệm với lời ăn, tiếng nói và việc làm của mình. Sau khi ra trường không chỉ tôi mà các bạn cùng khóa cũng có cơ hội xin việc rất cao. Một số bạn nhanh chóng được các phòng khám lớn ở thành phố đón nhận, số khác thì vào làm việc tại Bệnh viện Thủ Đức và nhiều bệnh viện khác. Nhiều bạn còn học cao hơn nữa…" - Hoa kể.
Tương tự, một cán bộ của trường là Lê Bá Khanh, nguyên là cựu sinh viên lớp 110T2 - DS cho hay: Sau khi hoàn thành khóa học đạt loại giỏi, Khanh đã được giữ lại làm việc tại trường. Hiện Khanh đang tiếp tục học liên thông để nâng cao hơn trình độ tay nghề của mình. "Học ở trường, với cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm về lý thuyết cũng như lâm sàng giúp sinh viên như chúng tôi dễ tiếp thu bài học…" - Khanh tâm sự.
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Lê Lâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 65 giảng viên vừa cơ hữu, vừa thỉnh giảng, có trình độ cử nhân và sau đại học. Trong nhóm ngành y, mục tiêu của trường là đào tạo được lớp điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ có khả năng thực hành cao chứ không chỉ dừng ở bằng cấp. Các sinh viên nhóm ngành y theo học tại trường phải được thực tập tại các bệnh viện 6 tháng/2 năm học mới vững tay nghề, chuyên môn, thực hiện được các nhiệm vụ được giao sau khi tốt nghiệp. Hiện trường đã gắn kết với 21 bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh như Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện 175… để cho sinh viên thực tập.
Cũng theo ông Lâm, trong lúc nhiều học sinh "chê" học trung cấp thì có không ít người tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ lại ngày ngày cắp sách đi học bậc học này. Ở Trường Trung cấp Đại Việt có cả chục trường hợp như thế. Trao đổi với chúng tôi chị Q.T - học viên của trường chia sẻ: "Tôi tốt nghiệp ngành hóa của một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh năm 2006 và đang làm công tác kiểm nghiệm cho một công ty dược. Lúc trước tôi thích ngành hóa nên thi vào chứ thực chất cũng không biết học ra sẽ làm gì. Khi đi làm trong ngành dược, tôi thấy có nhiều kiến thức về dược mà mình chưa rõ nên tiếp tục đi học trung cấp dược tại trường này!".
Tương tự, chị T vốn đã tốt nghiệp nhiều trường, đạt nhiều bằng cấp như thạc sĩ kinh tế, cử nhân tiếng Anh và hiện là giảng viên một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh, nhưng đêm đêm vẫn cắp sách đi học trung cấp dược tại trường. "Lúc đi học trung cấp dược tôi cũng có phần ngại vì nhiều lý do. Tuy nhiên tôi thấy việc học bổ sung kiến thức chưa khi nào là muộn" - chị T tâm sự.