Nhiều người “bóc ngắn, cắn dài”

Xã hội - Ngày đăng : 07:43, 12/07/2013

(HNM) - Mới đây, Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tiến hành khảo sát đối với 724 thanh niên ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Thái Nguyên về quan niệm cũng như cách sử dụng đồng tiền.

"Thà khóc trên xe hơi còn hơn cười trên xe đạp"

Nghiên cứu của Viện Tâm lý học về quan niệm của thanh niên về tiền bạc và hạnh phúc cho thấy, 60% số người được hỏi có sự tách bạch tương đối giữa hạnh phúc, tình yêu với tiền bạc. Nhiều người cho rằng trong tình yêu không có chỗ cho toan tính tiền bạc, lấy người nghèo mà có tình yêu còn hơn lấy người giàu mà không yêu, tiền không mua được tình yêu. Tuy thế, bên cạnh đó, có tới 20% coi tiền bạc có giá trị rất lớn trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Những người này cho rằng điều kiện vật chất và tiền bạc là điều kiện số một để bảo đảm hạnh phúc. Anh Đ.H.N, 25 tuổi, sống ở nông thôn, tâm sự: "Ngày nay, nghèo thì rất khó có người yêu. Con gái thấy mình nghèo là đã không nhìn tới rồi, nói gì tới việc yêu. Có người yêu rồi, không có tiền thì cũng không trụ lâu được, mọi thứ đều cần có tiền. Đi chơi với nhau, nhất định phải uống cái gì đó, không đi tay không được. Rồi ngày sinh nhật, ngày 8-3, ít nhất cũng phải có hoa, có quà cho bạn gái". Ý kiến của nữ thanh niên có khác chút ít, nhưng nhìn chung vẫn cho thấy giá trị không thể thiếu của tiền bạc trong việc gây dựng hạnh phúc. Chị T.T.P, 23 tuổi, từ nông thôn ra thành thị, chia sẻ: "Khi đã thật lòng yêu nhau, đồng tiền đứng ở hàng sau. Nhưng nói thật là yêu người không có tiền thì khó mà hạnh phúc được. Tôi nghĩ, người mình yêu không nhất thiết phải giàu, nhưng phải có tiền". Đặc biệt, có tới 13,3% số thanh niên được hỏi tỏ ý tán đồng với quan niệm: "Thà khóc trong xe hơi còn hơn cười trên xe đạp".

Việc giáo dục cho thanh niên về quan niệm đồng tiền, cách kiếm tiền và chi tiêu hợp lý là rất cần thiết. Ảnh: Hồ Như 



Ở lứa tuổi kết hôn, tính thực dụng trở nên phổ biến hơn nhiều. Quan điểm "khi kết hôn, nên chọn người có tiền để bảo đảm hạnh phúc" được 24,7% số người được hỏi nhất trí. Điều đó cho thấy, quan điểm thực dụng và "vật chất hóa tình yêu, hôn nhân" thể hiện rõ ở một bộ phận giới trẻ nước ta hiện nay, quan niệm "một túp lều tranh, hai trái tim vàng" đã trở nên lỗi thời.

Bất hợp lý trong việc kiếm tiền và tiêu tiền

Trong cơ cấu nguồn tiền của thanh niên hiện nay, đặc biệt là với sinh viên, sự hỗ trợ hằng tháng của gia đình, người thân là một khoản khá quan trọng. Có tới 60,2% thanh niên được hỏi nói rằng họ được người thân cho tiền. Số liệu này cho thấy rất nhiều người vẫn cần sự hỗ trợ về vật chất của cha mẹ, kể cả những người đang đi học hay đã đi làm. Chưa thể khẳng định thanh niên hiện nay có tính dựa dẫm vào người khác nhưng có thể thấy rằng khả năng tự lập của họ còn hạn chế, điều đó có thể dẫn tới hệ lụy khó lường, đặc biệt là với những người có nhu cầu chi tiêu cao trong khi nguồn tài chính có hạn. Theo TS Nguyễn Thị Hoa, Viện Tâm lý học, ngày nay, thanh niên làm nhiều việc để có tiền. Họ có thể làm bất cứ công việc gì, không ngại mất công sức hay thời gian. Nhiều sinh viên đã làm thêm rất nhiều việc trong thời gian học tập tại các trường cao đẳng, đại học như làm gia sư, kinh doanh, làm thuê bán thời gian tại các cửa hàng, cơ sở dịch vụ. Tuy nhiên, một số thanh niên có cách kiếm tiền không lành mạnh như làm "gái gọi", "trai bao", "bồ nhí" của những người có tiền, hay nhậu thuê, yêu thuê, học thuê…

Quan điểm của thanh niên trong việc sử dụng đồng tiền là tương đối tích cực. 56,5% cho rằng có bao nhiêu tiền thì chỉ nên tiêu bấy nhiêu, một số có ý thức rõ ràng về việc tiết kiệm, tích lũy. Tuy thế, vẫn còn một bộ phận thanh niên có quan điểm trái ngược. Họ đề cao bản thân trong các quyết định chi tiêu, cho rằng chi tiêu thế nào là việc cá nhân, người khác không có quyền góp ý, chi tiêu không nhìn vào túi tiền của mình, đã muốn gì thì phải quyết mua bằng được, không cần biết mình có bao nhiêu. Lối chi tiêu thoáng thể hiện rõ ở 18% số người được hỏi.

Điều đáng nói là nhận thức và hành động của thanh niên trong việc tiêu tiền không có sự thống nhất, tức là "nói hay nhưng làm chưa hay". Nhận thức rằng có bao nhiêu chi bấy nhiêu, nhưng trên thực tế nhiều người vẫn chi vượt số tiền mình có. Nhiều người không đồng tình với quan điểm "đã muốn mua gì thì cần quyết tâm, thiếu thì đi vay" nhưng các câu hỏi bổ sung cho thấy, trên thực tế, họ vẫn đi vay tiền để chi tiêu. Những ví dụ về cách "chơi sang" của không ít thanh niên cũng là một biểu hiện khác của xu hướng tiêu tiền không phù hợp. Chẳng hạn, một "thiếu gia" đã hào hứng kể chiến tích khi bỏ hàng chục nghìn đô la Mỹ để mua những món đồ rất đắt tiền tặng bạn bè trong bữa tiệc sinh nhật của mình, dù cậu chưa làm ra tiền. Quan niệm và thực tế chi tiêu của những người được hỏi dẫn đến một thực tế là chỉ 1/3 tiết kiệm được tiền, 2/3 còn lại đã chi hết hoặc chi nhiều hơn số tiền mình có.

Tiền có ý nghĩa quan trọng đối với mọi cá nhân, nhưng việc kiếm tiền và tiêu tiền như thế nào còn quan trọng hơn thế. Chính vì vậy, việc giáo dục cho thanh niên về quan niệm về đồng tiền, cách kiếm tiền và chi tiêu hợp lý là rất cần thiết bởi lẽ sẽ không ai lường hết trước được hậu quả của việc "bóc ngắn, cắn dài", đặc biệt khi thanh niên không tìm ra được nguồn bù đắp tích cực.

Lâm Vũ