Kịch bản không mong đợi
Thế giới - Ngày đăng : 06:31, 12/07/2013
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao là thách thức lớn với các nền kinh tế Eurozone. |
Suy thoái kéo dài tại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) và tốc độ phát triển chậm hơn dự báo tại các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc, khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ ba liên tiếp trong năm 2013.
Báo cáo cập nhật "Triển vọng kinh tế thế giới" của thể chế tài chính lớn hàng đầu thế giới có trụ sở tại thủ đô Washington (9-7), dự báo, tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế toàn cầu năm nay có thể chỉ đạt 3,1%, giảm 0,2% so với dự báo hồi tháng tư vừa qua. Tốc độ tăng trưởng này cũng thấp hơn nhiều so với mức dự báo đưa ra lần đầu hồi tháng Giêng vừa qua của IMF với 3,5%. Dự báo mới nhất của IMF khiến các chuyên gia kinh tế không khỏi quan ngại khi tăng trưởng các đầu tàu kinh tế lớn trên thế giới đều thấp hơn so với dự báo trước đó. Không thể "miễn dịch" trước những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, IMF buộc phải hạ tỷ lệ tăng trưởng GDP của nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc năm nay xuống lần lượt 1,7% và 7,8%, trong khi GDP của Eurozone là -0,6%.
Nếu như trước đây Eurozone luôn được nhắc tới như một đầu tàu quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, cơn bão nợ công tiếp diễn hơn hai năm qua đang đẩy Lục địa già chìm sâu vào suy thoái. Nguy cơ tan vỡ Eurozone cách đây 12 tháng đã được đẩy lùi nhờ Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) tuyên bố có thể thực hiện chương trình mua trái phiếu đi đôi với một loạt biện pháp khác nhằm để ngăn chặn rủi ro và ổn định các thị trường tài chính. Thế nhưng, những thách thức mà Eurozone liên tục đối mặt thời gian qua cho thấy, cam kết trên của ECB cũng như nỗ lực của các chính phủ Eurozone chưa đủ để giúp các nền kinh tế khu vực thoát cảnh nợ nần.
Tiếp tục "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm chi tiêu công hay kích thích tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng đang là sự lựa chọn không đơn giản với hầu hết các quốc gia tại Eurozone. Trong bối cảnh không ít chính phủ Eurozone phải "ra đi" vì chính sách "thắt lưng buộc bụng" gây nhiều tác động tiêu cực tới an sinh xã hội, IMF cho rằng Eurozone cần hành động nhiều hơn để hồi sinh tăng trưởng và tạo việc làm. Theo nhận định của IMF, những việc cần làm ngay với Eurozone là củng cố lĩnh vực ngân hàng, xúc tiến thành lập liên minh ngân hàng và tăng nhu cầu chi tiêu trong liên minh. Cùng với đó, các nhà lãnh đạo Eurozone phải nhanh chóng tập trung đối phó với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, một nhân tố quan trọng đe dọa tăng trưởng kinh tế và chính trị của cả khu vực trong dài hạn.
Từng trở thành động lực tăng trưởng của khu vực cũng như toàn cầu, thế nhưng tăng trưởng của Đông Nam Á giờ đây dường như đang bị tác động lớn do các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ. Cùng với đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự định sẽ ngừng thực hiện chương trình kích thích tăng trưởng đang gây niềm tin về sự chững lại chắc chắn của kinh tế toàn cầu. Dự báo mới nhất của IMF cho rằng, tăng trưởng trung bình năm 2013 của 5 nền kinh tế hàng đầu của Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ chỉ ở mức 5,6%, giảm so với mức dự báo 5,9% đưa ra hồi tháng tư. Trong bối cảnh Eurozone chưa thoát khỏi bóng ma nợ nần, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ chưa thực sự kết thúc, các rủi ro mới với Đông Nam Á lại xuất hiện, có thể kéo theo sự suy giảm tăng trưởng rất khó lường.
Báo cáo mới nhất của IMF đã đưa ra một kịch bản không mong đợi với nền kinh tế toàn cầu. Trong bức tranh kinh tế khá ảm đạm đó, kinh tế Nhật Bản lại nổi lên như một điểm sáng. Là một trong số ít nền kinh tế thế giới được IMF nâng dự báo tăng trưởng lần này, theo đó GDP năm nay của Nhật Bản được nâng từ 1,6% lên 2,0%. Còn quá sớm để khẳng định chính sách phát triển kinh tế "ba mũi tên" hay còn gọi là "Abenomics" của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có cuộc bứt phá ngoạn mục, song những tín hiệu lạc quan từ đất nước Mặt trời mọc cũng là tham khảo hữu ích với những nền kinh tế đang phải vật lộn trong suy thoái và nợ nần.