“Túc cầu tiểu vương” Nguyễn Thông
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:29, 12/07/2013
Nguyễn Thông cũng là một thành viên trong cái lò đào tạo tự nhiên ấy - nơi đã sản sinh ra bao nhiêu tài năng lẫy lừng một thời. Trước và cùng thời Nguyễn Thông đã có rất nhiều danh thủ nổi tiếng như Hạp, Quỳ, Viễn, Hối, Thọ Ve, Thìn A, Ba Già, Bình, Chấn, Mỹ, Luyến, Tý Bồ, Bưởi, Tý Đường, Thiêm...
"Túc cầu tiểu vương"
Năm 14 tuổi, Nguyễn Thông đã có một sức dẻo dai, nhanh nhẹn và đặc biệt là khả năng phán đoán tình huống. Ông tìm đến sân Nhà Dầu, nơi các đội bóng của người lớn chơi và sau vài lần thể hiện, ông đã trở thành thành viên ở đây. Năm 1930, ở tuổi 17, Nguyễn Thông đã có trận đấu chính thức đầu tiên với đội Racing Club. Ông chơi cho Racing Club 16 trận, thể hiện được bản năng kỹ thuật vững vàng, đẹp và hiệu quả. Tính tình ông hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép, khi ra sân quần áo sạch sẽ gọn gàng, đầu tóc chải chuốt cẩn thận, đôi giày được đánh rất bóng.
Thế rồi Nguyễn Thông theo một số anh em, bạn bè vào Sài Gòn. Ông đến thử việc tại các đội: Hiệp Hòa, Vietoria, Gia Định Sport, Cercle Sportilis, Saigonnais, Commerse Sport Khánh Hội, cuối cùng nhận chơi cho đội Etoile Gia Định và đội đã vô địch 4 lần vào năm 1932, 1933, 1935, 1936.
Về trận thắng đội Nam Hoa và nguồn gốc của cái tên "Túc cầu tiểu vương", Nguyễn Thông kể: Nam Hoa là đội bóng rất mạnh, họ đá đâu thắng đó và thắng với tỷ số cách biệt 3-4 bàn. Trung phong Lý Huệ Đường của họ to cao trên 1m80 có những cú sút mà nhiều thủ môn ớn lạnh. Người Hoa rất yêu quý, tự hào và ca ngợi anh ta là "Thiết Cước đại vương - Túc cầu đại vương". Vào trận, họ tấn công ta như vũ bão, tranh chấp quyết liệt, tung những đường bóng dài và bổng. Mới có 35 phút đầu họ sút tung lưới ta đến 3 lần, đến cuối hiệp 1 ta mới gỡ được 1 bàn. Nghỉ giữa hiệp, ta bàn: Cự ly đội hình gần nhau hơn một chút; đá 1 chạm nhanh; cử Cao Hoài Cùi (hậu vệ người Long An) bám sát Lý Huệ Đường. Hiệp 2 bắt đầu được 7 phút, cánh phải ta đưa bóng vào trung lộ, tầm từ ngực trở xuống và sau lưng hàng hậu vệ. Chỉ chờ có thế, tôi từ phía sau lẻn vào đánh đầu tung lưới. Đến giữa hiệp hai, tỷ số đã là 3-3. Cầu trường như nổ tung. Kịch bản quả đánh đầu thứ hai của tôi gần giống quả trước, kết quả ta thắng 4-3. Khán giả nhảy nhót reo hò, bầu không khí thật cuồng nhiệt. Bất ngờ hai đồng đội kẹp tôi vào giữa, hai người nắm chặt tay nhau bảo tôi ngồi lên, dong đi một đoạn và hô "Túc cầu tiểu vương", vừa hô vừa chỉ vào tôi. Thế là khán giả hô theo "Túc cầu tiểu vương".
Hàng tiền đạo của Racing Club hồi đó gồm: Nguyễn Hữu Nguyên (5), Chu Goòng (6), Mậu Hối (10), Nguyễn Thông (7), Nguyễn Văn Viễn (9) chơi ăn ý, sắc sảo, tung hoành trên các sân cỏ, đá đâu thắng đó. Khi vào trận, 5 chàng trai của Racing Club như năm con hổ đói, không ngừng nghỉ săn bàn thắng. Người hâm mộ đương thời tôn vinh hàng tiền đạo đó là "Ngũ hổ Bắc thành". Nhiều khán giả chỉ mong đến chủ nhật để được xem Nguyễn Thông và đồng đội của ông thi đấu. Cầu trường ngày càng đông khán giả và luôn sôi động. Khi cặp Thông - Viễn về đội Olympic Hải Phòng thì nghệ thuật chơi bóng nâng lên tầm cao mới. Ông Viễn có bóng ở sát đường biên tạt vào trung lộ là lưới đối phương rung lên. Nguyễn Thông phán đoán chính xác đường bóng và lao vào nhanh như tia chớp. Thế là lưới rung, thủ môn và hậu vệ ngơ ngác. Lặp đi lặp lại nhiều lần với nhiều đội khác nhau nên người hâm mộ ca tụng thành truyền thuyết "Đầu Thông - Chân Viễn".
Trở thành chiến sĩ
Năm 1942, Nguyễn Thông lấy vợ, một thiếu nữ Hải Phòng 18 tuổi trẻ, đẹp tên là Lê Thị Trang. Rồi ông tham gia cướp chính quyền ở Hải Phòng. Ngày 6-1-1946 - ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông cùng một số đồng chí được giao nhiệm vụ bảo vệ nơi bầu cử. Bọn Quốc dân đảng tung tay chân đi phá cuộc bầu cử, trong lúc cùng đồng đội bảo vệ hòm phiếu, ông bị bọn chúng đánh gãy mấy cái răng.
Hằng ngày Nguyễn Thông đi tập với đội bóng và làm công việc Công an xung phong giao, sau đó về nhà sống hạnh phúc bên vợ và con. Bỗng dưng vợ ông báo Pháp đang truy sát gia đình vì ông là Công an Việt Minh, thế rồi vợ ông đưa hai con xuống tàu vào Sài Gòn để lánh nạn và hẹn ông thu xếp vào sớm. Vợ con đi rồi để lại sự trống trải trong ông. Tháng 12-1946, chiến tranh xảy ra. Một người họ hàng đã giúp ông chuyển từ Công an xung phong sang bộ đội đi chiến đấu. Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Nguyễn Thông được điều về Trường Sĩ quan Lục quân, được giao nhiệm vụ xây dựng phong trào TDTT. Nhận công việc, Nguyễn Thông xắn tay vào xây dựng sân bãi, trang thiết bị dụng cụ và mở các lớp đào tạo cán bộ làm công tác TDTT cho trường và các đơn vị gửi đến. Nguyễn Thông là giáo viên chủ nhiệm các lớp đó. Dần dà ông đã xây dựng được nhiều bộ môn như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, điền kinh, bơi lội, thể dục, các môn võ... Từ hai bàn tay trắng, sau hơn hai năm ông đã mở liền 3 lớp, đào tạo hơn trăm cán bộ có chuyên môn cho các đơn vị.
Tâm huyết xây dựng phong trào
Sau hòa bình, Ủy ban Thể dục thể thao được thành lập. Cơ cấu và nhân sự đã hoàn thành, chỉ còn bóng đá là chưa tìm được người phụ trách. Có người mách: Bên Quân đội có Nguyễn Thông, có đầy đủ những ưu điểm mà vị trí đó cần, hiện ông là Đoàn phó Đoàn thể thao quân đội kiêm Huấn luyện viên trưởng đội bóng Quân đội (sau đổi thành Thể Công). Cuối cùng thì Ủy ban TDTT cũng xin được ông về.
Do môi trường làm việc khác hẳn nhau nên cuộc sống riêng của ông gặp vô vàn khó khăn. Từ chỗ ăn ở, làm việc tại chỗ, không phải lo bất cứ việc gì cho riêng mình, sang Ủy ban TDTT với đồng lương Trung đội trưởng ông sống sao đây? Bỏ mặc những chuyện riêng tư ấy, ông lao vào công việc. Ông đến thăm ông Huy Khôi (Khôi King Kông). Hai người bạn gặp nhau chuyện trò công việc. Cứ thế hai ông đến với người này người kia, dần dà gặp được đông đủ những người bạn cũ cùng thời. Các đội bóng lần lượt trở lại tập luyện và sẵn sàng thi đấu.
Việc đầu tiên cần làm là bồi dưỡng cán bộ chuyên trách bóng đá cho cơ sở. Nguyễn Thông mở lớp 3 tháng vào đầu năm 1956 tại Hà Nội. Cuối những năm 50, đầu những năm 60 thế kỷ trước là thời kỳ phát triển huy hoàng nhất của môn bóng đá, có nhiều đội bóng hay, nhiều cầu thủ giỏi. Những trận đấu thường ngang ngửa, người xem ngày càng đông. Có những trận đấu mà sức chứa của sân không làm thỏa mãn nhu cầu người xem. Sự đổ bộ của các đội bóng các nước vào ta ngày càng nhiều: Hết Bát Nhất I, rồi Bát Nhất II, đội tuyển Campuchia, Công an Triều Tiên, Thiên Tân... Sau đó, ta cũng cử các đội đi đáp lễ, trong đó có cả đội tuyển quốc gia, đội Thanh niên Việt Nam (đã thắng đội Thanh niên Liên Xô 1-0). Nhiều nước muốn ta đứng ra tổ chức các giải đấu giao hữu. Nguyễn Thông nhận thấy việc cần làm bây giờ là nâng cao trình độ cho các huấn luyện viên lên tầm cao mới. Trình độ huấn luyện viên là mấu chốt của trình độ bóng đá. Nguyễn Thông mở lớp đào tạo huấn luyện viên cao cấp cho các đội hạng A (hạng cao nhất). Qua lớp học, ông đã góp phần tạo dựng cho bóng đá Việt Nam có một nền tảng vững vàng, từ đó các trận đấu ngày càng hấp dẫn và xuất hiện nhiều cầu thủ tài năng.
Tháng 9-1963, Trường Đại học TDTT được thành lập, Nguyễn Thông rời khỏi môn bóng đá lên phụ trách khoa bóng (bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ và bóng bàn). Năm 1965 chuyển về công tác tại Lạng Sơn, Nguyễn Thông từ chối phòng ở đầy đủ tiện nghi, xin ở ngay cái chòi trong sân. Ông và sân bóng như đôi bạn tri kỷ. Tối 20-5-1980, Nguyễn Thông trút hơi thở cuối cùng khi đang ngồi trên sân theo dõi trận đấu như thường lệ.
50 năm, miệt mài cống hiến cho nghề và nghiệp, Nguyễn Thông đã có nhiều đóng góp to lớn cho ngành thể dục thể thao nước nhà cũng như phong trào bóng đá nói riêng. "Túc cầu tiểu vương" Nguyễn Thông sẽ sống mãi trong trái tim của những người yêu bóng đá Việt Nam.