Tỷ giá có cơ hội ổn định
Tài chính - Ngày đăng : 06:58, 09/02/2023
Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 11-2022, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại, chợ đen và liên ngân hàng bắt đầu "hạ nhiệt". Trong nhiều phiên giao dịch diễn ra cuối tháng 12-2022, tỷ giá VND/USD chỉ còn dao động quanh mức 23.500-23.700 VND/USD. Như vậy, việc giảm hơn 6% trong vòng hai tuần gần nhất đã khiến giá bán USD trên kênh ngân hàng hiện chỉ còn tăng hơn 3% so với cuối năm 2021.
Trước đó, giá USD đã có lúc tăng lên mức cao nhất lịch sử. Trên thị trường tự do, ngày 31-10-2022, giá USD bị đẩy lên mức 25.450 VND. Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ giao dịch tại các ngân hàng thương mại từ +/- 3% lên +/-5%, giá USD niêm yết liên tục áp sát trần, lên trên 24.880 VND/USD.
Lý giải nguyên nhân khiến tỷ giá tăng cao, nhiều chuyên gia cho rằng, áp lực lớn nhất đến từ kinh tế thế giới khi giá hàng hóa, lạm phát thế giới tăng mạnh, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn tiếp diễn và lan rộng trên toàn cầu.
Thực tế cho thấy, những biến động kinh tế thế giới đã tác động tới kinh tế tiền tệ trong nước. Trong năm 2022, Cục Dữ trữ liên bang Mỹ đã tăng mạnh lãi suất đến 6 lần. Tính chung chỉ số đồng USD đã tăng gần 11% trong năm 2022 khiến nhiều đồng tiền lớn trên thế giới bị mất giá. Tuy nhiên, do chính sách điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, VND trong năm 2022 chỉ mất giá khoảng 3,5% - thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Đối với thị trường ngoại hối trong nước, do xu hướng đảo chiều của dòng vốn trên thế giới, Việt Nam cũng xuất hiện dòng tiền chuyển ra nước ngoài, tạo sức ép lên nguồn cung ngoại tệ của hệ thống ngân hàng, khiến chênh lệch tỷ giá USD/VND trên thị trường chính thức và thị trường tự do lớn. Mặc dù vậy, với những giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, thị trường đã trở lại ổn định...
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trong ngắn hạn sẽ phải đánh đổi các mục tiêu, chẳng hạn như để ổn định tỷ giá phải chấp nhận lãi suất tăng. Việc lựa chọn tỷ giá trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ là phải xác định được mục tiêu trọng tâm của từng giai đoạn, đồng thời phải kiểm soát được lạm phát, bảo đảm ổn định vĩ mô. Hiện tại ổn định thị trường ngoại hối có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trong diễn biến gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái mới là trở lại hoạt động mua ngoại tệ. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước chào mua USD trở lại xuất phát từ việc dòng ngoại tệ vào thị trường đã có sự cải thiện đáng kể so với đầu tháng 11-2022. Kéo theo đó, nhà điều hành tiền tệ đang cho thấy sự tự tin về dòng ngoại tệ trong giai đoạn tới đi kèm với khả năng có thể tiến hành mua bổ sung dự trữ ngoại hối vốn đã giảm sút mạnh trong giai đoạn vừa qua.
Cùng quan điểm, Công ty Chứng khoán VnDirect đánh giá, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trên thị trường ngoại hối. Theo đó, trong năm 2023, thặng dư thương mại có thể đạt mức 12 tỷ USD, từ mức thặng dư thương mại dự kiến là 10,4 tỷ USD trong năm 2022; tài khoản vãng lai chuyển sang thặng dư ở mức 0,4% GDP vào năm 2023. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi và đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023, từ mức hiện tại là 89 tỷ USD.
Nhóm nghiên cứu tại VnDirect cũng dự báo áp lực mất giá của đồng VND sẽ giảm đáng kể từ quý II-2023 và VND có thể tăng 1-2% so với USD trong năm 2023, do Cục Dự trữ liên bang Mỹ chuyển từ chính sách “thắt chặt tiền tệ” sang “bình thường hóa”.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thời gian tới sẽ cố gắng ổn định tỷ giá USD/VND và cân bằng với các yếu tố vĩ mô khác. Định hướng quản lý thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước thời gian tới là tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối nhằm tạo khung pháp lý đầy đủ, toàn diện để các ngân hàng triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu thực tế và yêu cầu quản lý...