Bạn đọc góp ý về mở rộng không gian phố đi bộ tại khu phố cổ Hà Nội

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:06, 11/07/2013

(HNM) - Phố đi bộ không chỉ là trục Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân mà sẽ được mở rộng thêm 6 tuyến phố mới...


Ông Bùi Xuân Hùng, Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm): Cần quy hoạch cụ thể gắn với định hướng phát triển du lịch trên địa bàn phố cổ

Thực hiện chỉ đạo của UBND quận Hoàn Kiếm, từ cuối năm 2012, phường Hàng Buồm đã điều tra, khảo sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngoài giờ hành chính trên địa bàn. Kết quả toàn phường có 733 hộ kinh doanh, trong đó có phân nửa hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống, dịch vụ khách sạn, lưu niệm phục vụ du lịch. Các phố đi bộ vẫn còn một số hạn chế như: Trật tự đô thị ngoài giờ hành chính chưa tốt, vệ sinh môi trường chưa được bảo đảm; nhiều hộ kinh doanh sau 24h gây ảnh hưởng đến không gian tĩnh chung. Trong thực tế đa phần người nước ngoài đến Hà Nội bị lệch múi giờ (có khi tới 7 giờ), nên nhu cầu giải trí, giao lưu, sinh hoạt cũng bị lệch giờ so với người Việt. Nếu bắt buộc cơ sở kinh doanh đóng cửa đúng giờ quy định sẽ sinh ra tình trạng hoạt động chui hoặc khách nước ngoài thấy Hà Nội không có chỗ vui chơi thú vị, hấp dẫn nên sẽ chỉ coi đây là điểm dừng chân tạm thời trong hành trình đến các điểm du lịch khác như Sa Pa, Hạ Long… Vậy nên cần có quy hoạch cụ thể gắn với định hướng phát triển du lịch trên địa bàn phố cổ.

Ông Hoàng Hà (Công ty Du lịch Thăng Long): Mở rộng không gian đi bộ tại phố cổ góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa ẩm thực của Thủ đô

Đề án mở rộng tuyến phố đi bộ, kết nối tuyến phố Hàng Đào - Hàng Ngang- Đồng Xuân với khu vực bảo tồn cấp I của khu phố cổ Hà Nội thành một không gian đi bộ rộng hơn là một chủ trương đúng và vô cùng cần thiết góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Đề án này còn nhằm tôn vinh giá trị văn hóa tiêu biểu của khu phố cổ - văn hóa ẩm thực Kinh kỳ. Việc đẩy mạnh tôn vinh văn hóa ẩm thực Kinh kỳ là một hướng đi đúng, trúng vì các tuyến phố này vốn là những tuyến phố ẩm thực nổi tiếng, có nhiều món ăn ngon của người Việt, người Hoa xưa nay vẫn thu hút nhiều du khách. Vấn đề là làm sao quy hoạch một cách có hệ thống, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, các doanh nghiệp, hộ gia đình phát huy nghề ẩm thực truyền thống; quản lý các khu dịch vụ ăn uống theo hướng văn minh, lịch sự trên cơ sở gìn giữ bảo tồn nét văn hóa ẩm thực truyền thống lâu đời của khu phố cổ.

Chị Nguyễn Lan Anh (ngõ Phất Lộc, phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm): Đẩy mạnh đề án giãn dân phố cổ

Ai cũng biết "phố cổ, phố khổ", với sự eo hẹp không gian sinh hoạt và điều kiện sống. Khi thành phố có chủ trương giãn dân phố cổ, những người sống sâu trong ngõ ngách nhỏ rất háo hức chờ đón. Cơ quan chức năng cũng đã làm công tác tuyên truyền, điều tra khảo sát nhu cầu nguyện vọng của người dân. Và cuối tháng 3 vừa qua, Ban chỉ đạo triển khai thực hiện "Đề án giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm" được thành lập. Hy vọng đề án được triển khai sớm sẽ giảm bớt mật độ dân cư, tăng cường năng lực phục vụ du khách, góp phần tích cực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Chị Nguyễn Tuyết Mai (khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai): Cần chú trọng giới thiệu sản phẩm du lịch Việt Nam

Thời gian trước đây, dạo chơi phố cổ, người dân cũng như du khách có thể thưởng thức các "sản phẩm" văn hóa dân tộc như các chiếu "hát xẩm" được tổ chức thường xuyên vào các tối thứ bảy; thế nhưng gần đây đã vắng bóng. Phố đi bộ hiện giờ chủ yếu là các dãy ki ốt được dựng giữa lòng phố, cho thuê quầy hàng kinh doanh. Sản phẩm hàng hóa tuy khá đa dạng nhưng chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc; vắng mặt các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam... Nếu tổ chức tuyến phố đi bộ như thế thì chắc chắn du khách phương xa tới Thủ đô cũng chỉ đi một lần... cho biết, chứ không muốn quay lại. Vì vậy cơ quan chức năng cần quan tâm, đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm thủ công "Made in Việt Nam" tới du khách.

Ông Trịnh Văn Kỳ (phố Lương Ngọc Quyến, Hoàn Kiếm): Thiếu trầm trọng bãi đỗ xe tĩnh

Từ khi thực hiện các tuyến phố văn minh thương mại, trật tự đô thị, người dân phố cổ đã không được phép để phương tiện trên hè đường, sau đó thành phố đã xóa bỏ điểm trông giữ xe dưới gầm cầu Chương Dương. Nhà phố cổ vốn nhỏ hẹp lại chung nhiều hộ nên không phải hộ nào cũng có thể đưa xe vào nhà. Nhưng hiện tại toàn phường Hàng Buồm chỉ có 2 điểm giữ xe tại phố Nguyễn Siêu và Ngõ Gạch với quy mô khoảng 200 xe, chỉ đáp ứng 10% nhu cầu thực tế. Vì vậy, nhiều người dân phố cổ vẫn phải chọn cách dựng xe trên vỉa hè, các điểm kinh doanh cũng vậy. Thế nên mới dẫn đến tình trạng lộn xộn trật tự, mỹ quan đô thị. Người đi bộ, trong đó có cả du khách, phải len lỏi mới qua những dãy xe dựng trên hè phố được. Phải giải quyết được số phương tiện đang tồn tại trên hè đường này, tức là phải bố trí thêm nhiều bãi đỗ xe tĩnh thì mới có được không gian tổ chức hoạt động phố đi bộ.

Ngân - Khánh lược ghi