Lễ Ramadan không yên bình
Thế giới - Ngày đăng : 06:23, 11/07/2013
Theo đó, trong cuộc trả lời báo chí ngày 8-7, Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc (LHQ) Bashar Ja'afari cho biết, chính quyền Damascus bác bỏ sáng kiến ngừng bắn của Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đối lập và nêu rõ, cần phải chấm dứt hoàn toàn bạo lực, chứ không chỉ từ một bên. SNC cần phải tham gia đầy đủ các cuộc đàm phán hòa bình cũng như hội nghị hòa bình tại Geneva do Mỹ, Nga đề xuất.
Nội chiến leo thang đã khiến quốc gia Syria thành bãi chiến trường đổ nát. |
Như vậy, tháng lễ ăn chay của người Hồi giáo tại quốc gia Trung Đông sẽ không thể yên bình. Chỉ một ngày trước khi tháng lễ bắt đầu, Syria vẫn đắm chìm trong các cuộc giao tranh dữ dội. Ngày 8-7, quân đội Syria đã tiến vào quận Khaldiyeh thuộc thành phố Homs, trong ngày thứ 10 của chiến dịch tấn công lực lượng chống đối tại thành phố này. Đây được cho là cuộc tấn công ác liệt nhất của quân đội Syria tại Homs kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy chống Tổng thống Bashar Al-Assad hồi tháng 3-2011. Lo ngại tình trạng bạo lực leo thang, cùng ngày, trong một dự thảo tuyên bố, do Australia và Luxembourg đề xuất, Hội đồng Bảo an LHQ đã bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" về chiến dịch quân sự tại Homs ở miền Trung Syria, căn cứ then chốt của lực lượng chống đối. Theo thống kê của LHQ, đến nay cuộc xung đột tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 80.000 người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Con số trên gây bàng hoàng không chỉ với người dân Syria mà còn với cả cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, việc tìm kiếm giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria lẽ ra phải là lựa chọn số một của các cường quốc. Nhưng tiếc thay, những bất đồng, đặc biệt từ bộ đôi Nga - Mỹ, hai nước đề xuất tổ chức Hội nghị tại Geneva, đã khiến hòa bình cho Syria không đến sớm như mong đợi. Như vấn đề vũ khí hóa học tại Syria là một ví dụ. Ngày 9-7, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vitaly Churkin cho biết đã chuyển cho LHQ bằng chứng cho thấy phe đối lập Syria sử dụng khí độc sarin trong một vụ tấn công hồi tháng 3-2013. Cuộc điều tra của các chuyên gia Nga cho thấy, lực lượng nổi dậy đã bắn một tên lửa Bashar 3, sát hại 26 người, gồm 16 binh sĩ. Loại đạn được sử dụng khẳng định "các tay súng đối lập vũ trang đã dùng vũ khí hóa học tại Khan Al-Assal". Trong một diễn biến liên quan cùng thời gian, chính quyền Damascus đã công bố, quân đội nước này vừa phát hiện kho hóa chất độc hại với số lượng cực lớn của quân nổi dậy. Thế nhưng, trái lại kỳ vọng của cộng đồng quốc tế về một cuộc điều tra sâu rộng về vấn đề này, Washington đã bác cáo buộc của Mátxcơva. Ngày 9-7, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nêu rõ, Mỹ vẫn chưa thấy có bằng chứng nào chứng minh cho lời khẳng định rằng bất cứ bên nào ngoài chính quyền Syria có khả năng sử dụng được vũ khí hóa học, hoặc đã sử dụng vũ khí hóa học.
Rõ ràng vấn đề Syria đang xoay vần theo chiều hướng không vì người dân quốc gia Trung Đông mà thể hiện chủ yếu những lợi ích của các nước lớn. Điều này đã được Bộ Ngoại giao Nga đề cập ngày 8-7, khi bình luận về dự thảo tuyên bố nêu trên của Hội đồng Bảo an LHQ rằng các nước phương Tây là Ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ vẫn tiếp tục áp dụng "tiêu chuẩn kép" khi thảo luận về vấn đề Syria. Đây không phải lần đầu tiên các nước phương Tây tại Hội đồng Bảo an thể hiện quan điểm mang tính định kiến và thiếu khách quan khi đánh giá tình hình Syria. Các nước này nhiều lần tỏ ý không muốn lên án các vụ khủng bố ở Syria, mà lại tìm cách biện hộ cho hành động của các nhóm vũ trang đối lập. Trước đó, nhiều nguồn tin cho biết, lô hàng gồm 100 xe tăng, xe quân sự hạng nặng, vũ khí và đạn dược cùng nhiều thiết bị của các nước phương Tây đã tới được lực lượng đối lập ở Syria...
Trong bối cảnh hiện nay, "nút thắt" là sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế - đặc biệt là các nước lớn - về cuộc khủng hoảng Syria chưa được giải quyết thì cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông khó có cơ hội sớm chấm dứt. Thông báo từ chối ngừng bắn mà chính quyền Damascus trả lời phe đối lập ngay trong tháng Ramadan của người Hồi giáo khiến cuộc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria thêm xa vời.