Những giọt máu từ trái tim
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:17, 11/07/2013
Nhìn bề ngoài bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (46 tuổi, trú tại phường 3 quận 11, TP Hồ Chí Minh) có tướng tá khá dữ dằn, đầu tóc húi cua như đàn ông, ăn mặc tuềnh toàng. Nhưng khi tôi hỏi chuyện, bà lại cười bẽn lẽn, hồn hậu. Tâm sự về cả cuộc đời sống vì người khác, bà cũng nói nhẹ tênh, như thể, bà sinh ra để yêu thương và trao tặng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy. |
Bà Thủy kể, từ nhỏ bà sống cùng với người anh trai. Năm 21 tuổi, khi đang ở tuổi cập kê, phơi phới những mơ ước về tương lai thì gia đình người anh trai ly tán. Người vợ bỏ nhà đi theo người đàn ông khác, để lại 4 con nhỏ, lớn chưa tròn 7 tuổi, bé nhất mới 17 tháng. Người anh trai sau một thời gian "gà trống nuôi con", không chịu được khổ cực cũng bỏ nhà đi xây dựng cuộc sống riêng, để lại cho bà Thủy 4 đứa cháu dại.
Để nuôi các cháu, cô Thủy dù chưa một lần làm mẹ phải nai lưng làm đủ nghề, từ làm mướn, gặt thuê, đến bán vé số... Song, cuộc sống ở một thành phố lớn vô cùng tốn kém, sức vóc tuổi 20 cũng không thể bươn chải để nuôi đủ 4 cái "tàu há mồm". Một lần Thủy đi lang thang, đến gần bệnh viện thì có người gạ bán máu. Cô gái tuổi đôi mươi đành tặc lưỡi, bán đi dòng máu thanh xuân của mình. Kể từ đó, mỗi tháng Thủy đều đặn đi bộ hàng chục cây số lên bệnh viện để bán máu, mỗi lần 300-400cc. Bà bảo, không dám bán máu gần nhà vì sợ người quen bắt gặp, lại xì xào, dị nghị. Suốt 3-4 năm ròng, Thủy phải đi bán máu để nuôi cháu. "Không ít lần các cháu ốm đau, cần tiền đi viện, tôi phải giật nóng tiền của "cò" máu, đến hạn bán máu lại bị trừ hết cả, rốt cuộc cả nhà vẫn đói. Có những lúc tôi muốn bán thêm để có tiền lo cho sắp nhỏ nhưng bác sĩ đuổi về, vì thấy tôi xanh như tàu lá, gày gò, ốm yếu" - Bà Thủy tâm sự.
Ông Phạm Văn Ánh. |
Một nhà báo tốt bụng khi biết được cảnh khổ của bà mẹ bất đắc dĩ đã viết bài, đăng báo. Nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến nhà bà Thủy để quyên góp, người cho tiền, người cho quần áo, cân đường, hộp sữa nuôi mấy đứa trẻ. Từ số tiền mọi người giúp, bà Thủy mở tiệm buôn bán nhỏ, cuộc sống được cải thiện dần... Nhớ món nợ với cuộc đời, với những người không quen biết đã mở rộng vòng tay giúp đỡ mình trong cơn khốn khó, bà Thủy lại tìm đến bệnh viện, nhưng không phải để bán máu mà xin được HMTN, không nhận cả tiền, quà cảm ơn của người nhà bệnh nhân. 13 năm nay bà Thủy đã có tổng cộng 44 lần hiến máu, đều đặn 3 lần/năm, mỗi lần từ 350 đến 450cc máu. Khi chị hàng xóm bị bệnh máu trắng, chồng không quan tâm, bà Thủy lại cùng chị lên bệnh viện để cho máu, chẳng hề băn khoăn, nề hà.
Đến giờ, các cháu của bà Thủy đã lớn, lập gia đình, ra ở riêng. Bà Thủy sống một mình với quán hủ tiếu, đến mùa lại đi gặt thuê, nấu cơm cho xe đò… Số tiền kiếm được ngoài trang trải cuộc sống, mua thức ăn để "nuôi máu", dư dả một chút bà lại đi làm từ thiện, giúp người. Cả tuổi xuân chăm nuôi các cháu, không có một tình yêu cho riêng mình, không gia đình, không con cái, đến lúc về già bà lại tiếp tục hiến máu cứu người.
Khi được hỏi: "Bà có cảm thấy mình bị thiệt thòi khi hy sinh hạnh phúc riêng, cực khổ nuôi các cháu và chắt chiu từng giọt máu cứu người dưng?", bà Thủy chỉ cười ngượng nghịu: "Cũng có thiệt gì đâu, chẳng phải nhờ những người không quen biết mà tôi đã thoát khỏi kiếp bán máu là gì". Bà khoe, khi bà ra Hà Nội để dự lễ tuyên dương những cá nhân điển hình trong phong trào HMTN do Ban Chỉ đạo quốc gia vận động HMTN tổ chức giữa tháng 6 vừa qua, cô cháu gái đã biếu bà 1 triệu đồng để đi đường. Với bà, đó đã là sự đáp lễ hậu hĩnh cho 20 năm bán máu, bán sức để nuôi cháu nên người.
Xin cho cả hai tay
Ông Phạm Văn Ánh (53 tuổi), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn say sưa, hào hứng chia sẻ khi được hỏi chuyện HMTN. Vốn là cựu chiến binh, ông hiểu thế nào là sự quý báu của mạng sống, của tình người nên đã xung phong tham gia hiến máu. Mới tham gia được… 14 năm nhưng ông Ánh đã HMTN 42 lần. Ngoài ra, ông còn là thành viên của ngân hàng máu sống, đã trực tiếp "truyền máu" cho 10 người. "Số điện thoại của tôi lưu ở bệnh viện, khi có người cần máu cấp cứu, bệnh viện gọi là tôi lên đường ngay, chẳng kể mưa gió hay đêm hôm" - ông Ánh hào hứng tâm sự.
Tuy nhiên, không ít người đã cho rằng việc hiến máu như là bán máu, chỉ những người bần cùng, nghèo khó mới làm. Lại có người cho rằng hiến máu sẽ bị yếu ớt, bệnh tật. Ông Ánh và cả gia đình đã thuyết phục người dân trong xã bằng chính hành động của mình. Nhiều năm qua, ông đã vận động được 70 cặp vợ chồng trong xã đi HMTN. Nghĩa cử cao đẹp này không chỉ giúp ích được cho nhiều người bệnh mà còn khiến vợ chồng ông thêm gắn bó khi cùng nắm tay nhau đi hiến máu và tham gia các hoạt động từ thiện, đoàn thể khác.
Ông Ánh kể, trong xã có cặp vợ chồng chị Dung - anh Phu khiến ông nhớ mãi. Lúc đầu chị vợ đi hiến máu, mỗi khi lên tỉnh, anh chồng ghen không cho đi. Chị bèn giả vờ đi cấy, ăn mặc tuềnh toàng, rồi đem theo bộ quần áo tươm tất, tìm chỗ kín đáo để thay rồi đi hiến máu. Trên đường về nhà, lại chui vào bụi lấy bộ quần áo cũ ra mặc. Lý do chị Dung đi hiến máu là bởi mỗi khi cứu được một người bệnh, chị thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn. Cảm phục trước tấm lòng của chị Dung, ông Ánh nhiều lần trực tiếp tìm gặp người chồng để thuyết phục. Hiện giờ anh Phu cũng đã trở thành một thành viên tích cực trong Hội HMTN của xã.
Để phát động phong trào HMTN, hằng năm, ông Ánh đều tổ chức lễ tôn vinh khen thưởng tại địa phương, nhằm biểu dương, tặng quà cho những người đi hiến máu. Ông còn tổ chức cho hội viên đi tham quan, du lịch. Nhiều người hăng hái tham gia hiến máu vì được đi đây đó, được mở mang kiến thức, biết thêm nhiều cảnh đẹp đất nước. Khi hội viên có người thân bị ốm đau, hiếu hỷ, ông Ánh đều hỏi han, giúp đỡ tận tình. Bằng sự tận tâm, ông Ánh đã vận động được hơn 400 người trong họ hàng, làng xã cùng đi hiến máu. Chỉ tính riêng gia đình ông (gồm hai vợ chồng và 4 người con) đã có hơn 90 lần tham gia hiến máu. "Mỗi năm cho máu 4 lần tôi vẫn còn thấy ít. Giá như lúc lấy máu có thể lấy cùng lúc cả hai tay, tôi cũng đồng ý liền" - ông Ánh cười sảng khoái.
Hiến máu để trả nợ đời
"Cách đây 20 năm, khi con trai tôi bị sốt xuất huyết nặng, một người chẳng quen biết đã cho máu cứu cháu thoát chết. Giờ tôi hiến máu để trả nợ lại nghĩa tình đó" - Bà Lê Thị Tám, 51 tuổi (trú tại xã Long Hữu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) tâm sự. Hồi đó, gia đình bà rất nghèo, khi con sốt cao, nôn ra máu, bà chỉ còn đủ tiền đi xe đò, ôm con lao lên Bệnh viện Nhi đồng I (TP Hồ Chí Minh). Bác sĩ cho biết, con bà bị sốt xuất huyết nặng, nếu không được truyền máu sẽ khó qua khỏi. Tiền không có, nhóm máu của bà lại không hợp với con, bà Tám chỉ còn biết ngồi khóc. Đúng lúc nguy cấp nhất, bệnh viện thông báo có một nhóm người tình nguyện hiến máu cho con bà, trong số ấy có người có nhóm máu phù hợp. Con bà đã được cứu sống nhờ dòng máu của một người xa lạ. Chưa kịp nói lời cảm ơn thì ân nhân đã đi mất...
Kể từ đó, bà Tám một lòng một dạ đi theo các nhóm từ thiện để nấu cháo, phát miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, cốt để trả nợ đời, nợ người mà bà không kịp nhớ mặt, chưa từng biết tên đã cứu sống con bà. Chứng kiến những cảnh khốn cùng của bệnh nhân nghèo, thấy số tiền ít ỏi của mình chẳng thấm vào đâu, bà lại chìa cánh tay, hiến nốt dòng máu - thứ duy nhất mà bà dư dả để san sẻ cho họ.
Hiện nay bà Tám vừa là nhân viên bán xăng, vừa bán vé số. Bạn bè, chị em người bán vé số, người bán hàng rong, bán trà đá vỉa hè. Bà cho biết, tuy ai cũng có hoàn cảnh nghèo túng, vất vả nhưng vẫn yêu thương, đùm bọc nhau. Biết việc làm nghĩa tình của bà, nhiều chị em cũng tự nguyện theo bà hiến máu, làm từ thiện. Cả ba người con của bà cũng đều cùng mẹ tham gia hiến máu cứu người.
Đến nay, bà Tám đã hiến máu được 18 lần, vận động được hơn 500 người cùng đi hiến máu, thu hàng nghìn đơn vị máu, cứu giúp hàng nghìn người. "Chúng tôi đều chung ý nguyện: Không có tiền thì giúp người bằng máu của mình..." - Bà Tám cười hiền khô, lý giải nghĩa cử cao đẹp của mình bằng một triết lý thật đơn giản.