Kết thúc thi đại học 2013: Áp lực vẫn còn
Tuyển sinh - Ngày đăng : 05:45, 11/07/2013
Đường dây nóng nhận được nhiều thắc mắc
Nhìn lại 2 đợt thi ĐH, một trong những hoạt động được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đặc biệt nhấn mạnh nhằm bảo đảm một kỳ thi an toàn, nghiêm túc là việc Bộ đã thành lập các đoàn thanh tra lưu động, đột xuất, hoạt động trong cả nước. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định mặt tích cực của việc cho phép thí sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Chủ trương này đã góp phần làm tăng tính nghiêm túc kỳ thi bằng cơ chế tự giám sát.
Ngoài ra, với việc công bố công khai đường dây nóng gồm cả địa chỉ email và số điện thoại, Bộ GD-ĐT đã nhận được khá nhiều thông tin phản ánh tiêu cực, sai sót cũng như những thắc mắc từ thí sinh, phụ huynh, các cán bộ tuyển sinh… Phó chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Trúc cho biết thêm: "Đối với những thông tin nhận được qua đường dây nóng, chúng tôi trực tiếp chuyển cho Ban chỉ đạo tuyển sinh để chỉ đạo đoàn thanh tra phải xuống cơ sở bị phản ánh để làm việc trực tiếp. Nơi nào không có thanh tra của Bộ thì yêu cầu Hội đồng thi phải báo cáo sự việc được nêu".
Thí sinh làm bài tại Hội đồng thi Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Viết Thành |
Liên quan tới đề thi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Ngô Kim Khôi cũng cho biết, đường dây nóng đã nhận được một số ý kiến thắc mắc về vài chi tiết trong đề thi Vật lý khối A và Ngữ văn khối C. Các ý kiến này đều được chuyển cho Ban đề thi và có câu trả lời ngay trong ngày qua đường dây nóng. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng tính hiệu quả của đường dây nóng vẫn là điều đáng băn khoăn và Bộ vẫn chưa kịp thời giải đáp các thắc mắc hoặc giải đáp chưa thực sự thỏa đáng.
Sẽ không có chuyện "ém" điểm thi
Để tạo điều kiện cho thí sinh có thể tham khảo sớm đáp án đề thi năm nay, ông Ngô Kim Khôi cho biết, đáp án chính thức của Bộ đã được công khai trên các trang mạng ngay từ chiều 10-7.
Với việc có nhiều dịch vụ nhắn tin xem điểm nở rộ trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến đã tỏ ý lo lắng rằng việc kết quả thi có thể không được công bố sớm để các nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin thu lợi. Nhận được thắc mắc này trong buổi họp báo, ông Ngô Kim Khôi đã khẳng định: Các trường không được phép kiếm lợi qua dịch vụ cung cấp điểm thi có thu phí. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, toàn bộ kết quả thi phải được công bố công khai trên trang web của trường cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 1-8. Thí sinh phải được cung cấp kết quả thi miễn phí. Nếu có hiện tượng thu phí với dịch vụ xem điểm, thí sinh cần phản ánh với Bộ để kịp thời xử lý.
Không có thay đổi đột ngột tới năm 2015
Dẫu không còn là "chảo lửa tuyển sinh", song kỳ thi ĐH, CĐ năm nay vẫn được Thứ trưởng Bùi Văn Ga thừa nhận là còn nặng nề: Mặc dù đã được giảm nhẹ nhưng trong kỳ thi, xã hội vẫn căng thẳng về vấn đề giao thông, gây áp lực lên các thành phố lớn. Thứ trưởng cho biết Bộ đang nghiên cứu để có các biện pháp đổi mới tuyển sinh nhằm giảm bớt căng thẳng.
Tuy nhiên, về hướng đổi mới của kỳ thi tuyển sinh ĐH trong những năm tới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, những thay đổi lớn chỉ có thể thực hiện sau năm 2015 để có thời gian lấy ý kiến dư luận và đủ thời gian chuẩn bị cho thí sinh, không gây sốc cho các em. Song lãnh đạo Bộ cũng nhấn mạnh: Trong thời gian từ nay tới năm 2015, thực hiện theo Luật Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp nhận các phương án tuyển sinh riêng do các trường đề xuất. Sau khi trưng cầu ý kiến người dân và xem xét tính khả thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ xét duyệt các đề án này. Hiện nay, ngay cả các nước tiên tiến trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang muốn cải cách kỳ thi tuyển sinh ĐH của nước họ nhưng cũng đều phải đưa ra lộ trình trong 5 năm chứ không thể thay đổi đột ngột.
Ngoài ra, sau nhiều năm, dường như đến nay Bộ GD-ĐT đã phải chấp nhận tình trạng thí sinh "ảo" vẫn còn rất cao, năm nay thậm chí còn cao hơn năm 2012 với tỷ lệ thí sinh đến dự thi là hơn 77% (năm 2012 là 78,3%). Ngoài ra, tình trạng thí sinh thi "nhờ" cũng đang tạo gánh nặng cho các trường tổ chức thi. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết những trường đông thí sinh mà không chịu tổ chức thi là gây khó khăn cho trường khác. Bộ sẽ bàn với các trường về việc này để các trường tổ chức thi không bị thiệt hại.
Phát hiện hai trường hợp thi hộ - Toàn quốc có 133 trường ĐH tổ chức thi đợt I và 125 trường tổ chức thi đợt II. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả 2 đợt là 1.673.628; số thí sinh đến dự thi là 1.298.522, đạt tỷ lệ 77,6%, giảm 0,7% so với năm 2012. - Trong cả 2 đợt, cả nước có 333 thí sinh bị xử lý kỷ luật; trong đó 62 trường hợp bị khiển trách, 17 bị cảnh cáo, 254 trường hợp bị đình chỉ thi, 6 trường hợp đến muộn không được dự thi (năm 2012 có 310 thí sinh bị kỷ luật, trong đó khiển trách là 44, cảnh cáo 13 và đình chỉ thi 253). Tổng số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh bị xử lý kỷ luật là 10 người, khiển trách 7 và đình chỉ 3 (năm 2012 có 9 cán bộ vi phạm bị xử lý, trong đó khiển trách 5, cảnh cáo 1 và đình chỉ 3). - Phát hiện hai trường hợp thi hộ. Một tại Học viện Anh ninh nhân dân, một tại Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy. Theo quy định, người thi hộ và được thi hộ đều bị xử lý trước pháp luật và bị cấm thi 2 năm. |