Du lịch Hà Nội ngập ngừng thăng hoa (tiếp theo)
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:06, 10/07/2013
Tôi có anh bạn đã hơn chục năm gắn bó với nghiệp hướng dẫn viên tiếng Pháp nhưng chưa thấy anh trụ lại lâu với công ty lữ hành nào. Hỏi thì anh bảo, hướng dẫn viên giờ thiếu lắm, làm tự do mà các công ty lữ hành thuê đi suốt, chả mấy khi ở nhà. Mà đấy chỉ là hướng dẫn viên tiếng Pháp, một thứ tiếng khá phổ dụng, chứ như hướng dẫn viên tiếng Hàn, tiếng Thái, tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Nhật, tiếng Italia, Hungari, Rumani thì còn hiếm, còn độc hơn.
Thiếu hướng dẫn viên đáp ứng nhu cầu của du khách. Ảnh:Bảo Lâm |
Đi tìm cái lẽ của anh bạn, tôi mới biết hiện nay đang xảy ra tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch trầm trọng. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong tổng số gần 7.000 hướng dẫn viên du lịch quốc tế hiện nay, có 3.699 hướng dẫn viên tiếng Anh, 995 tiếng Pháp, 961 tiếng Hoa, 431 tiếng Nhật, 375 tiếng Đức, 345 tiếng Nga, 147 tiếng Tây Ban Nha. Số còn lại là những ngôn ngữ khác với số lượng vài người, đến vài chục người, thậm chí chỉ một người như tiếng Rumani, Hungary.
Riêng tại Hà Nội năm 2012, ngành du lịch Thủ đô đã thu hút 14,4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,1 triệu lượt khách quốc tế (tăng 11,3% so với năm 2011) và 12,3 triệu lượt khách nội địa (tăng 5,5% so với năm 2011). Để bảo đảm cho dịch vụ của mình, hầu hết các công ty lữ hành phải đặt lịch với hướng dẫn viên trước từ 6 đến 7 tháng, thậm chí cả năm trời.
Để từng bước giảm dần khoảng trống này, Tổng cục Du lịch và Tổng cục Dạy nghề đã có nhiều chương trình đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kiến thức văn hóa… nhằm bổ sung đội ngũ hướng dẫn viên. Lý thuyết là thế, song theo đại diện một số công ty lữ hành quốc tế, hiện nay Luật Du lịch đang có những rào cản đối với việc phát triển đội ngũ hướng dẫn viên, không chỉ hướng dẫn viên quốc tế mà cả hướng dẫn viên nội địa. Đó là quy định hướng dẫn viên phải có bằng đại học chuyên ngành để làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Thực tế căng thẳng này đã diễn ra suốt một thời gian dài, vấn đề lại càng nóng hơn khi lượng khách quốc tế tăng lên. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch dã ngoại Lửa Việt cho rằng, cả nước chỉ có vài nghìn hướng dẫn viên quốc tế mà phục vụ đến 7 triệu lượt khách, nhiều địa phương không có hướng dẫn viên đạt chuẩn theo quy định của Luật Du lịch. Đưa ra giải pháp tình thế, đại diện nhiều công ty lữ hành cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước nên cho phép các công ty lựa chọn những người có khả năng về ngôn ngữ đưa đi đào tạo thêm về du lịch, về nghiệp vụ hướng dẫn viên nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách tăng đột biến ở những thị trường mới. Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cũng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần linh hoạt hơn trong việc cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, không nên quy định phải có bằng đại học thì mới được đi tour, tham gia phục vụ du khách. Đây chính là rào cản cho những người đã gắn bó, lăn lộn với nghiệp hướng dẫn viên du lịch nhiều chục năm. Xét về thâm niên, những hướng dẫn viên này đã đóng góp và tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong việc dẫn "tua" nhưng ở thời điểm khởi nghiệp (có người tham gia từ năm 1980), họ chưa có bằng đại học theo quy định của luật mới bây giờ. Và chính những quy định quá khắt khe này đã và đang gây mối lo sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp không khói - du lịch.
Góc độ quản lý của cơ quan nhà nước là như vậy, ở góc độ khai thác nguồn nhân lực, nhiều hướng dẫn viên cho rằng, hiện nay nhiều công ty lữ hành đang có thái độ bạc đãi người lao động. Lấy dẫn chứng, một số hướng dẫn viên từng làm cho một công ty lữ hành nổi tiếng ở Hà Nội cho biết, năm 2008, khi kinh tế khủng hoảng, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giảm sút, họ cũng bị cắt giảm theo mặc dù đã gắn bó với công ty cả chục năm trời. Sau nhiều lần kiến nghị, thậm chí gửi đơn kêu cứu đến cơ quan quản lý về lao động, họ mới được ký hợp đồng trở lại. Nhưng oái ăm thay, đó chỉ là hợp đồng trong mùa đông khách. Những tháng thấp điểm thì… thân ai nấy lo.
Tính riêng về sự thiếu hụt của nguồn nhân lực là vậy. Còn khá nhiều điều ai cũng nhận thấy nhưng chưa thể khắc phục một sớm một chiều. Theo những hướng dẫn viên già dặn trong nghề, hiện nay du khách đến Hà Nội cũng như đi tham quan tại những thắng cảnh trong cả nước vẫn có nhiều ấn tượng không tốt về phương tiện đi lại, thiếu điểm vui chơi về đêm, bị chèo kéo mua sắm hoặc thậm chí là bị "chặt chém".
Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng nhận định: Có ba vấn đề nổi cộm nhất trong các ý kiến phàn nàn của du khách đó là vấn đề vệ sinh môi trường, hệ thống hạ tầng, giao thông và thái độ ứng xử của một bộ phận lái xe taxi, nhân viên bán hàng còn chưa tốt. Và đây là điều cần phải khắc phục đối với du lịch Hà Nội trong thời gian tới.
Đâu là giải pháp?
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng, để tạo dựng hình ảnh tốt về du lịch Hà Nội thì còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết, thành phố cần quy hoạch các bãi đỗ xe để dành đường cho người đi bộ; có giải pháp khắc phục tình trạng giao thông và môi trường hiện nay, quy hoạch các khu vực dành riêng cho khách du lịch với các hoạt động du lịch, thương mại. Ông Mai Tiến Dũng cho rằng, Hà Nội cũng cần cải thiện và tăng cường hệ thống biển báo, khu vệ sinh công cộng tại sân bay và các điểm tham quan, mua sắm.
Khẳng định quyết tâm làm trong sạch môi trường du lịch Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng khẳng định: Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý các vi phạm chèo kéo, đeo bám, ép giá, lừa đảo khách du lịch, tập trung vào các khu vực tại quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình và một số điểm du lịch thường xuyên có khách tới tham quan. Tùy theo mức vi phạm, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý nghiêm khắc với những hành vi gian lận như có thể rút giấy phép kinh doanh đơn vị vi phạm hoặc truy tố trước pháp luật. Đồng thời, thành phố sẽ lập trung tâm hỗ trợ khách du lịch do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý. Ngoài chức năng hỗ trợ về thông tin với khách du lịch, trung tâm sẽ tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo của du khách chuyển cơ quan chức năng giải quyết. Đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội sẽ có đề nghị Chính phủ cho phép thí điểm thành lập đơn vị cảnh sát du lịch tại một số trung tâm du lịch lớn để phát hiện xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn của du khách.
Được biết HĐND thành phố đã giao cho UBND thành phố tập trung vào những giải pháp như liên kết vùng trong phát triển du lịch, phối hợp phát triển ngành du lịch với các ngành khác, nhất là thương mại; bổ sung một số điểm du lịch, sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh gắn với du lịch làng nghề, mở rộng không gian đi bộ phố cổ và phát triển cụm du lịch trọng điểm phố cổ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Đặc biệt cần có giải pháp, lộ trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Ngoài ra, UBND thành phố cũng sẽ chỉnh sửa quy hoạch hệ thống cơ sở lưu trú khu vực Hoàn Kiếm, rà soát lại sân gôn trong Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc để bảo đảm phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tăng cường cơ sở hạ tầng du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Hà Nội đang hút khách bằng chất lượng dịch vụ, chất lượng cơ sở lưu trú với những tiềm năng du lịch to lớn được đánh giá cao. Nhưng để du lịch Hà Nội thực sự phát triển, những điểm yếu cần khắc phục đã được nhìn nhận. Song để giải quyết vấn đề này không phải một sớm một chiều và rất cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành.