Yếu tố quyết định thuộc về doanh nghiệp
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:06, 10/07/2013
Thời gian qua, các DN trong nước đã triển khai nhiều giải pháp hưởng ứng CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Không chỉ tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của DN đối với CVĐ, các DN còn ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, phục vụ công tác đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; đồng thời liên doanh, liên kết với các DN sản xuất dịch vụ trong nước để cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Nhiều DN đã tận dụng được cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của hàng hóa và dịch vụ. Điển hình trong việc thực hiện CVĐ phải kể đến các đơn vị như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh; các hệ thống siêu thị như Big C, Pico, Media Mart…
Lựa chọn hàng Việt tại Siêu thị Big C. Ảnh: Như Ý |
Tuy nhiên, có thể thấy dù công tác tuyên truyền về tiêu thụ hàng "nội" mạnh đến đâu, thì cuối cùng yếu tố quan trọng vẫn là chất lượng, giá trị sử dụng hàng hóa. Trong bối cảnh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tràn ngập thị trường khiến NTD giảm lòng tin với hàng Việt, thì việc DN chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu đẹp, giá cạnh tranh sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Thực tế đã chứng minh, nhiều hàng hóa mang thương hiệu Việt đã, đang được NTD ưa chuộng, lựa chọn như các sản phẩm may mặc, đồ gia dụng, lương thực, thực phẩm… Để sức lan tỏa của CVĐ ngày càng rộng, các DN cần khắc phục những hạn chế, đặc biệt quan tâm đến tâm lý và quyền lợi của NTD; cải tiến công nghệ để sản xuất hàng hóa có chất lượng, giá cạnh tranh, củng cố thương hiệu, tạo niềm tin với NTD. Đồng thời, đăng ký và bảo hộ sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng cáo giới thiệu sản phẩm, mở rộng hệ thống các cửa hàng, đại lý; thực hiện nhiều đợt giảm giá, khuyến mãi, kích thích sức mua; tăng cường đưa hàng hóa về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ NTD.
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt hơn CVĐ, góp phần kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, Bộ Công thương tiếp tục đôn đốc các đơn vị tăng cường thực hiện nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch. Trong đó, chủ trì nghiên cứu và xây dựng đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên cơ sở phù hợp với các cam kết quốc tế. Triển khai đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030. Nghiên cứu xây dựng chính sách và áp dụng các biện pháp thích hợp để tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt gắn với quản lý chất lượng cũng như an toàn thực phẩm. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, các hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, chợ truyền thống, các chương trình khuyến mãi… để hiệu quả CVĐ sẽ lan tỏa sâu rộng hơn nữa.