Hệ thống thư viện công cộng: Yếu nhiều mặt

Văn hóa - Ngày đăng : 06:03, 10/07/2013

(HNM) - Hôm nay (10-7), Bộ VH,TT&DL tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động của hệ thống thư viện công cộng  trong 3 năm qua. Nhân dịp này, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH,TT&DL) chia sẻ với Hànộimới về hướng phát triển hệ thống TVCC.

Học sinh đọc sách tại Thư viện Hà Nội. Ảnh: Trần Hải



- Thống kê cho thấy, bạn đọc của TV mới chiếm khoảng 8-10% dân số. Theo bà, con số này phản ánh điều gì?

- Tuy hơi buồn nhưng tôi cũng phải khẳng định, tỷ lệ đọc sách của người dân trong các TVCC ở nước ta hiện nay rất thấp, chỉ có 0,8 cuốn sách/người dân. Ở các nước phát triển, tỷ lệ này cao gấp nhiều lần. Tỷ lệ trung bình về số bản sách tính trên đầu người dân ở các TVCC cũng mới đạt 0,4 cuốn; trong chiến lược phát triển, ngành văn hóa đặt ra mục tiêu có 0,8 cuốn sách/người dân vào năm 2015 và 1 cuốn vào năm 2020.

- Như vậy, số sách trong TVCC chưa đáp ứng được nhu cầu phải không, thưa bà?

Đúng vậy! Sản phẩm dịch vụ của TVCC cũng rất nghèo nàn, đơn điệu, phương thức phục vụ còn thụ động, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng và luôn thay đổi của người sử dụng. Đó là những nguyên nhân chủ quan khiến người dân không mặn mà với việc đọc sách như trước đây. Nguyên nhân khách quan khiến văn hóa đọc suy giảm là văn hóa nghe nhìn phát triển với tốc độ nhanh, lấn át văn hóa đọc. Văn hóa nghe nhìn là xu thế mới, mà cái gì mới thường dễ hấp dẫn, cuốn hút mọi người, nhất là giới trẻ. Bên cạnh đó là sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, các thiết bị điện tử giúp con người có thể truy cập thông tin mọi lúc, mọi nơi. Nguyên nhân sâu xa là con người ngày càng phải đối mặt với áp lực công việc, học hành, mưu sinh, không có nhiều thời gian cho việc đọc sách.

- Trong thời đại công nghệ số, các chuyên gia thông tin TV ở nhiều nước trên thế giới được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về khoa học TV, khoa học thông tin và khoa học máy tính. Bà có thể cho biết, đội ngũ cán bộ TV ở nước ta đã đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của hoạt động TV hiện đại hay chưa?

- Từ năm 2011 đến nay, Bộ VH,TT&DL dành 1,6 tỷ đồng để mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ TVCC từ cấp tỉnh tới cấp xã. Cũng trong khoảng thời gian này, hơn 1.000 điểm TV tại 40 tỉnh, thành phố được tiếp nhận dự án "Nâng cao năng lực sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng ở Việt Nam". Nhiều đề án, dự án nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ TVCC đang tiếp tục được nghiên cứu thực hiện, vì thế, nguồn nhân lực TV ở nước ta tuy chưa theo kịp một số nước tiên tiến nhưng về cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển của hệ thống TV.

Việt Nam hiện có 1 TV Quốc gia, 63 thư viện tỉnh, thành phố, gần 600 thư viện cấp quận, huyện, hơn 6.000 thư viện, phòng đọc sách ở các xã, phường, thôn, bản. Gắn kết với TVCC còn có khoảng 10.000 tủ sách pháp luật, hàng nghìn điểm bưu điện - văn hóa xã, phường. TV Quốc gia thu hút khoảng 30.000 lượt bạn đọc/năm, TV cấp tỉnh có khoảng 1.000-2.000 lượt, cấp huyện 500-600 lượt; TV/phòng đọc cấp xã có khoảng 100-200 lượt bạn đọc. Ngoài ra, nước ta còn có hàng vạn TV thuộc các trường học, các ngành, nghề…

- Bộ VH,TT&DL đã yêu cầu TV các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức các hoạt động TV phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn. Trong thực tế, đã có TVCC nào làm được việc đó chưa, thưa bà?

- Đây không phải là vấn đề mới đối với TVCC ở các nước phát triển. Chẳng hạn như ở Singgapore, cán bộ TV quốc gia là một hướng dẫn viên cừ khôi về bảo tàng lịch sử quốc gia. Ở Anh, TV là nơi cung cấp thông tin, sách hướng dẫn du lịch trên toàn quốc. Tòa nhà TV ở thành phố Seattle (Mỹ), TV quốc gia Pháp… là niềm tự hào của người dân, là điểm đến thu hút sự chú ý trong tour du lịch của du khách.

Trong xu thế đó, đầu năm 2012, hệ thống TVCC ở nước ta được Bộ VH,TT&DL tạo "cơ chế mở" để đón khách, nhưng đến nay vẫn chưa có TV nào nhập cuộc được. Nguyên nhân có nhiều, như hầu hết công trình TV hiện nay chưa thực sự là một công trình kiến trúc, văn hóa đặc sắc. Các TV chưa xây dựng được những bộ sưu tập đặc biệt, phản ánh đặc trưng vùng đất, con người khiến du khách phải đặt chân đến TV trước khi khám phá nơi họ muốn đến.

- Theo sự phân tích của bà thì TV hiện đại phải là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, phải có các dịch vụ bổ trợ phục vụ bạn đọc?

- Đó là hướng phát triển tất yếu. Tiếc rằng, hầu hết TV cấp huyện, xã ở nước ta hiện nằm trong trung tâm văn hóa. Một số TV có được vị trí thuận lợi cho người dân đến đọc sách thì lại bị chuyển đi, nhường chỗ cho trung tâm thương mại, có nơi còn đưa TV vào trung tâm hành chính. Nằm ở những vị trí này, chức năng của thư viện sẽ bị lu mờ, người dân sẽ ngại đến.

Không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng, TV hiện đại cần có các dịch vụ bổ trợ như quầy hàng giải khát, bán đồ lưu niệm, dịch vụ cà phê - sách…, mục tiêu là giúp người dân đến TV có thể vừa đọc sách vừa thư giãn, vừa truy cập internet để tìm kiếm thông tin, nâng cao kiến thức.

- Thưa bà, Dự thảo Luật TV đã được soạn thảo. Nếu được Quốc hội thông qua, những bất cập, hạn chế của hệ thống TV ở nước ta sẽ được khắc phục?

- Thực ra, hoạt động TV đã có pháp lệnh điều chỉnh từ lâu, nhưng nhiều nội dung trong văn bản này đã lỗi thời, không theo kịp sự phát triển của thực tế. Dự thảo luật với quy định rõ ràng, cụ thể về quy hoạch TV, quyền công dân đối với hoạt động TV (quyền được thành lập TV, tham gia các hoạt động TV, quyền được TV phục vụ)… Nếu được thông qua, luật sẽ là căn cứ quan trọng để ngành văn hóa quy hoạch hệ thống TV, thực hiện tiêu chuẩn hóa hoạt động TV, đồng thời thu hút các nguồn lực xã hội phục vụ cho sự phát triển của hệ thống TV. Khi có sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất từ trung ương tới cơ sở, tôi tin hệ thống TVCC ở nước ta sẽ nhanh chóng bắt kịp hướng phát triển của thời đại.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Minh Ngọc thực hiện