Cả gia đình cùng hiến máu cứu người
Xã hội - Ngày đăng : 06:43, 09/07/2013
Năm 18 tuổi, ông Lê Đình Duật (sinh năm 1943) lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Xông pha nơi trận mạc, chứng kiến nhiều đồng đội bị thương, hy sinh chỉ vì thiếu máu, khiến ông luôn trăn trở, day dứt. Khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, xuất ngũ trở về quê hương, ông luôn ấp ủ mong muốn được cống hiến một chút gì đó cho xã hội, cho cộng đồng.
Hiến máu nhân đạo ngày càng được nhân rộng và trở thành nét đẹp của mỗi người dân Việt Nam |
Năm 1999, phong trào hiến máu nhân đạo được phát động rộng rãi trong cả nước, trong đó có quận Thanh Xuân, địa bàn gia đình ông cư trú. Hưởng ứng lời kêu gọi, ông tìm đến Bệnh viện Huyết học và Truyền máu trung ương để hiến máu nhưng bị bác sĩ từ chối vì huyết áp thấp. Không được hiến máu, ông quyết định đi vận động mọi người tham gia việc làm cao đẹp này. Thời gian đầu, việc tuyên truyền gặp nhiều gian nan, có người hiểu ý nghĩa của việc hiến máu, nhưng cũng có người không hiểu, ác miệng xỉa xói, thậm chí xua đuổi ông. Để mọi người tin, làm theo, chỉ có cách là phải đi đầu làm gương. Nghĩ vậy, ông quyết định vận động, thuyết phục chính vợ con đi hiến máu. Trước tấm lòng nhiệt huyết của ông, các thành viên trong gia đình và người thân nhiệt tình ủng hộ và tham gia. Đầu tiên là cô con gái thứ Lê Thanh Nam (37 lần hiến máu). Tiếp đến, cô con gái cả Lê Thanh Hà (11 lần hiến máu), vợ ông là bà Lê Thị Kim Dinh (13 lần hiến máu) và con trai út Lê Quyết Thắng (24 lần). Cuộc sống gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhưng ông lúc nào cũng thấy vui vì đã làm được những việc hết sức ý nghĩa, đóng góp lớn cho xã hội, đặc biệt là giúp được những người không may mắn.
Không chỉ vận động con cháu, ông và vợ tất bật ngược xuôi vận động bạn bè, họ hàng cùng hiến máu. Để thuyết phục mọi người, ông đến Bệnh viện Huyết học và Truyền máu trung ương xin rất nhiều tài liệu về đọc. Sau đó, ông đến từng nhà, phát tài liệu, giải thích. Đến ngày đi hiến máu, ông tập trung tất cả mọi người đến nhà mình ăn sáng để bảo đảm tình trạng sức khỏe tốt nhất rồi thuê xe chở đến địa điểm hiến máu. Ngoài tiền, quà bồi dưỡng của bệnh viện, ông còn bồi dưỡng thêm mỗi người ít tiền để động viên. Hằng năm, gia đình ông đều tổ chức liên hoan gặp mặt, tặng quà cảm ơn những người đã tham gia hiến máu, đồng thời tuyên truyền, vận động nên số người ủng hộ ngày càng nhiều. Toàn bộ chi phí được ông trích ra từ đồng lương hưu ít ỏi của mình.
Nói về kỷ niệm vui hiến máu của gia đình, ông Duật bộc bạch: "Làm được chừng nào, vui chừng đó chứ có ai mà nhớ hết tên, tuổi, địa chỉ người mình đã giúp". Đến nay, ông và gia đình đã nhận được hơn 200 bằng khen, giấy khen của các cấp, các cơ quan chức năng của trung ương và thành phố Hà Nội ghi nhận đóng góp của gia đình với hoạt động vì cộng đồng. Mới đây nhất, ông vinh dự được tôn vinh là một trong 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu Việt Nam 2013. "Tôi và các thành viên trong gia đình sẽ tiếp tục đi hiến máu, vận động mọi người tham gia hiến máu, để người bệnh cần máu có cơ hội được điều trị, được sống trên cõi đời", ông Duật chia sẻ.
Căn nhà nhỏ của gia đình ông Duật tuy giản dị nhưng luôn ấm áp tình người, nhất là trước mỗi đợt hiến máu. Với gia đình ông, hiến máu không chỉ là cống hiến mà còn như là lẽ sống, là truyền thống để xây dựng gia phong.