Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh
Kinh tế - Ngày đăng : 06:19, 09/07/2013
Tiếp tục khẳng định vị thế
Sáu tháng đầu năm 2013, cả nước thu hút 10,473 tỷ USD vốn ĐTNN kể cả vốn mới cấp phép và vốn tăng thêm; tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2012, bổ sung nguồn lực kịp thời cho nền kinh tế. Đáng ghi nhận là số vốn mới đăng ký tăng đều ở cả dự án mới và những dự án đã hoạt động xin tăng thêm. Cụ thể, cả nước có thêm 554 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 5,812 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ và 217 lượt dự án đăng ký tăng với tổng vốn là 4,66 tỷ USD, tăng 35,7%. Nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều nhất với 259 dự án mới, với số vốn cấp mới và tăng thêm là 9,3 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng vốn đăng ký. Diễn biến này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình CNH-HĐH. Thực tế trên thể hiện niềm tin của giới ĐTNN đối với tương lai phát triển kinh tế trung, dài hạn của Việt Nam.
Sản xuất thép kết cấu tại Công ty TNHH Zamil Steel Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng |
Vốn giải ngân 6 tháng đạt 5,7 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ, là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh hiện tại. Kết quả chung về ĐTNN diễn ra khả quan, xét cả về vốn mới thu hút và lượng vốn giải ngân, hỗ trợ cho tăng trưởng, tác động tích cực đối với các lĩnh vực khác.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) 6 tháng đạt 41,139 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ và chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực ĐTNN xuất siêu 5,4 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 1,403 tỷ USD. Thực tế này càng khẳng định vị thế, sức đóng góp của khu vực này cho nền kinh tế; nhất là về khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ, hỗ trợ cán cân thương mại theo hướng lành mạnh, chủ động trong giao thương quốc tế của DN ĐTNN.
Nguy cơ giảm sút sức cạnh tranh
Tuy nhiên, quá trình xúc tiến đầu tư, quảng bá kêu gọi vốn ĐTNN nổi lên hiện tượng một số dự án quy mô lớn, tới hàng tỷ USD đăng ký đầu tư nhưng không thực hiện. Từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín môi trường đầu tư - kinh doanh của nước ta cũng như với địa phương dự định tiếp nhận dự án, làm mất cơ hội kinh doanh đối với nhà đầu tư khác. Một số dự án loại này điển hình là: Liên hợp Thép Cà Ná (Ninh Thuận) 9,8 tỷ USD; bãi biển Rồng (Quảng Nam), 4 tỷ USD; thành phố Sáng tạo Nam Phú Yên (Phú Yên), 1,68 tỷ USD…
Một số dự án quy mô lớn rút khỏi thị trường do kinh tế thế giới suy thoái khiến nhà đầu tư tại các nước phát triển rơi vào thế bị động, không thể huy động vốn cho những dự án đã lập kế hoạch. Bản thân công ty mẹ ở chính quốc cũng phải tái cơ cấu đầu tư, chủ yếu tái cơ cấu địa bàn dự định đầu tư hoặc thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải cắt giảm dự án, ưu tiên vốn cho những dự án quan trọng, thậm chí chuyển hướng sang lĩnh vực mới… Vì vậy, nhiều dự án đã được cấp phép nhưng không thể triển khai ở Việt Nam. Trong khi đó, một số địa phương chưa đủ năng lực thu xếp điều kiện, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư một cách suôn sẻ, có khi lúng túng trước những dự án lớn. Những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bất cập về cung cấp nguồn nhân lực, yếu kém về hệ thống hạ tầng, thiếu nhất quán về cơ chế, chính sách hoặc mức ưu đãi, những vấn đề liên quan đến quy hoạch… cũng là nguyên nhân cản trở quá trình triển khai dự án. Đặc biệt, trong cuộc đối thoại mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cảnh báo về khả năng giảm sút sức cạnh tranh trong thu hút vốn ĐTNN của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Theo đó, Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh tương đối về nguồn nhân lực dồi dào, với giá thuê nhân công rẻ như thời gian đầu. Họ còn lo ngại về thực tế khan hiếm lao động kỹ thuật, nhất là thợ lành nghề khi quyết định triển khai dự án sản xuất lâu dài ở Việt Nam.
Vấn đề đặt ra là kịp thời rút kinh nghiệm để gia tăng sức cạnh tranh và sự hấp dẫn về môi trường đầu tư, duy trì kết quả thu hút vốn tăng trưởng đúng định hướng, đồng thời thu hẹp khoảng cách so với các nước...