Phân làn giao thông tại Hà Nội: Vi phạm tràn lan
Đời sống - Ngày đăng : 06:51, 08/07/2013
Tham gia giao thông trên các tuyến phố: Xã Đàn, Kim Mã, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân hay Phố Huế - Hàng Bài... người đi đường thường xuyên bắt gặp cảnh nhiều xe máy vẫn "vô tư" đi lấn làn, đi sai làn đường. Nếu như tại tuyến phố Kim Mã, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, việc tách làn được thực hiện dưới hình thức "mềm" bằng các bảng chỉ dẫn được treo trên cao và sơn vạch dưới lòng đường - điều này khiến nhiều người đi đường thường "đổ lỗi" cho việc không chú ý, khó nhận biết nên... vô tình vi phạm; thì tại các tuyến phố có hẳn cột biển báo tách làn dựng ngay đầu đường và có lắp đặt cả dải phân cách song thực tế cho thấy có rất nhiều người điều khiển ô tô, xe máy vô tư đi lấn làn; trong đó vi phạm nhiều nhất vẫn là xe máy.
Nhiều phương tiện vẫn vô tư đi sai làn đường quy định (ảnh chụp trên phố Xã Đàn). |
Mục đích của việc phân làn, tách dòng phương tiện là nhằm nâng cao ý thức của người dân đi đúng làn đường, giảm thiểu xung đột giao thông, tăng khả năng lưu thông. Tuy nhiên dường như, mục tiêu này vẫn không khả thi, đặc biệt trong giờ cao điểm. Tình trạng xe máy không tuân thủ làn đường của mình, đi lấn làn, sai làn thậm chí còn cắt ngang đầu ô tô diễn ra khá phổ biến... làm giao thông càng thêm rối loạn.
Tại sao quy định phân làn giao thông không được nhiều người điều khiển phương tiện giao thông tuân thủ? Đây là một câu hỏi không khó để tìm câu trả lời. Trên thực tế, trong những ngày đầu mới thực hiện phân làn, đầu phố hay trước các cột phân làn thường được bố trí 3-5 thanh tra giao thông làm nhiệm vụ hướng dẫn. Thêm vào đó còn có cả lực lượng CSGT thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, sau một thời gian ra quân, thanh tra giao thông rút lực lượng "cắm chốt", CSGT cũng chỉ "chốt" ở các nút giao thông quan trọng. Không ai hướng dẫn, không ai xử phạt nên tình trạng phương tiện đi lấn làn, sai làn đã và đang diễn ra thường xuyên.
Trả lời báo chí sau quá trình thực hiện phân làn giao thông mới đây, cán bộ Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Tách dòng là khó, nhưng khó mấy cũng phải làm"! Tuy nhiên vấn đề mà nhiều người đặt ra là phải làm sao cho hiệu quả, khỏi lãng phí tiền của khi ngân sách đã chi hàng chục tỷ đồng để thực hiện phân làn xe? Thiết nghĩ, việc phân làn xe phát huy được hiệu quả phụ thuộc chính vào cách thức phân làn hợp lý. Đối với từng loại tuyến phố như nội thị (Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài) hay đường vành đai, trục giao thông chính (Giải Phóng, Kim Mã, Phạm Hùng...) cần thực hiện phân làn, tách dòng theo cách thức riêng cho phù hợp.
Ngoài ra, có thực trạng là cách làm ở nhiều tuyến phố hiện nay chỉ như là "chia đôi đường" vì ô tô đi một làn thì rộng nhưng đi hàng đôi lại không được, rất bất hợp lý. Bên cạnh đó, cần tăng cường lực lượng kiểm tra giám sát giao thông, buộc các đối tượng phải đi đúng làn đường dành cho mình. Việc xử lý vi phạm không theo đúng làn đường cũng cần phải được các lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên và quyết liệt hơn. Phân làn cụ thể, kiểm soát gắt gao kèm theo tuyên truyền giáo dục và chế tài xử phạt mạnh sẽ là cách thức hiệu quả "điều trị" ý thức người dân khi tham gia giao thông. Có như vậy thói quen tham gia giao thông đúng làn ở Hà Nội mới dần đi vào nền nếp.