Không có gì bằng sự thật
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:53, 08/07/2013
Tuần qua, mạng xã hội đầy ắp thông tin về cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2013. Đó là thông tin không vui, xuất phát từ ý kiến kiểu "nửa kín, nửa hở" được dẫn trên một số trang mạng, rằng trong cuộc thi nói trên có chuyện mua bán giải thưởng. Thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Anh, người Thanh Hóa, bị "tố" rằng cô có "đại gia" chống lưng, bỏ ra 1,5 tỷ đồng để mua danh Hoa hậu. Người ta còn ám chỉ tân Hoa hậu các dân tộc Việt Nam "qua lại" với con trai của Phó ban tổ chức cuộc thi - người mới qua tuổi 15, và vì thế đã nhận được sự ưu ái từ Ban tổ chức…
Khi sự vụ trở nên nghiêm trọng, nguồn tin nói trên đã được dẫn tương đối cụ thể trên một số trang mạng, là thí sinh của chính cuộc thi nói trên, với tên tuổi cụ thể chứ không còn là "theo nguồn tin bên lề cho biết", "thí sinh C kể rằng" hay "một thí sinh khác nói". Điều đáng nói là chính "nguồn tin" - những thí sinh được dẫn lời nói trên - sau đó đã có đơn phủ nhận những gì được cho là họ đã nói về cuộc thi này. Tất nhiên, Ban tổ chức cuộc thi đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc, khẳng định trách nhiệm tổ chức một cuộc thi khách quan, công bằng và tỏ ý muốn cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ sự thật.
Giờ đây, sau khi "khói tin đồn" tuôn mù mịt, câu hỏi đặt ra là liệu có "lửa" hay không? Đó là câu hỏi cần có sự giải đáp bởi cơ quan có trách nhiệm sau khi thông tin về "mặt trái" của cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia nói trên đã lan truyền rộng rãi, tạo dư luận không tốt về một lĩnh vực văn hóa - giải trí có ảnh hưởng khá lớn trong giới trẻ. Đã xuất hiện ý kiến rằng, các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam thường có chuyện mua - bán đổi chác giải. Đã có ý kiến ám chỉ "chân dài" muốn thắng giải ở các cuộc thi trong nước thì không thể thiếu người "chống lưng", không thể thoát scandal tình - tiền… Làm rõ "khói lửa" trong những ngày vừa qua không chỉ là bảo vệ uy tín cho một cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia có ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ các dân tộc Việt Nam hoặc làm rõ sự sai của ban tổ chức (nếu có), mà còn có ý nghĩa dẹp bỏ lời đồn đoán ác ý và dụng ý bôi nhọ văn hóa ứng xử của người Việt nói chung.
Năm nay, ở Việt Nam có hai sự kiện đáng chú ý liên quan đến thi sắc đẹp: Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam và cuộc thi Nữ hoàng biển 2013. Hai cuộc thi ấy, một "dính" lời đồn thổi không hay, đến nay chưa được làm rõ, như đã nói ở trên; một bất ngờ bị đình chỉ việc tổ chức trước ngày diễn ra phần thi chung kết. Cả hai cuộc thi ấy đều không yên ả, cuộc nào cũng có tin phía tổ chức muốn đâm đơn kiện. Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam muốn làm rõ thông tin mua bán giải thưởng, nhà tổ chức Nữ hoàng biển 2013 tỏ ý kiện Cục Nghệ thuật biểu diễn vì đã ra quyết định dừng cuộc thi. Tuy thế, đến nay, việc kiện tụng vẫn chỉ dừng ở mức "ý tưởng".
Kiện cáo là việc chẳng đặng đừng, không ai muốn, nhưng việc làm rõ thông tin gây tranh luận và công bố sự thật lại là điều cần. Nó cần cho việc tổ chức những cuộc thi sắc đẹp tiếp sau, cần cho việc dẫn dắt dư luận đúng và cần cho sự nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thông tin.