Thị trường BĐS Hà Nội: Đến cuối năm vẫn đầy mối lo!
Bất động sản - Ngày đăng : 16:50, 07/07/2013
Ảnh minh họa (Nguồn: KTĐT) |
Thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng bấy lâu nay đang có ảnh hưởng xấu tới toàn bộ nền kinh tế nước ta cũng như ảnh hưởng tới chính sách an sinh xã hội của Chính phủ. Trong khi đó, tình hình giao dịch trên thị trường vẫn ảm đạm. Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là lượng khách hàng tìm hiểu, thăm dò mua nhà với căn hộ có diện tích nhỏ, giá dưới một tỷ đồng có vẻ tăng lên. Nhiều người có nhu cầu nhà ở thực sự vẫn chưa chịu bỏ tiền ra vì đang chờ sự xuống giá tiếp của các căn hộ chung cư thương mại. Mặt khác, hàng tồn kho BĐS kéo dài, kéo theo nợ xấu gia tăng đang cảnh báo một nguy cơ đổ vỡ tiếp theo của một số doanh nghiệp BĐS lớn...
Ngay tại Hà Nội, theo báo cáo mới nhất của UBND Thành phố Hà Nội trước HĐND, tình hình tồn kho bất động sản tính đến tháng 5/2013, số căn hộ chung cư tồn kho (bao gồm chưa bán hoặc chưa huy động vốn) là 5.789 căn, tương ứng với hơn 566.000m2. Số lượng nhà thấp tầng như: biệt thự, liền kề tồn kho (chưa bán hoặc chưa huy động vốn) là 3.483 căn, tương ứng với 878.000m2 sàn. Đặc biệt, các căn hộ, nhà biệt thự... có diện tích lớn tồn đọng chiếm tỷ lệ áp đảo. Một số chuyên gia BĐS vẫn không tránh khỏi hoài nghi tình trạng doanh nghiệp không khai đúng con số sự thật hàng tồn kho và kết quả số lượng hàng tồn kho khiến cơ quan ra chính sách khó nắm rõ đúng như thực tế. Nếu quả thực như vậy, thì đây cũng lại là một thảm họa, bởi chính sách của Chính phủ và Thành phố đưa ra sẽ kém hiệu quả đối với thị trường BĐS.
Giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mà chúng ta đang định hướng là điều chỉnh cơ cấu các loại sản phẩm bất động sản để có thể đến được với người tiêu dùng, phù hợp với khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Vì thế, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 02/2013/TT-BXD ngày 7/1/2013 hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới và chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ. Và tại Hà Nội sẽ có 3 dự án xây dựng nhà ở xã hội được khởi công gồm: Khu nhà ở xã hội Tây Nam hồ Linh Đàm do Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD) và Công ty CP BIC Việt Nam đầu tư; Khu đô thị Quốc Oai do Công ty CP Đầu tư CEO đầu tư và dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm do Tổng công ty Thủy tinh và Gốm Xây dựng (Viglacera) đầu tư. Đồng thời, Thành phố cũng đã phê duyệt cho phép chuyển đổi công năng dự án bất động sản một dự án là khu nhà ở cao tầng 143 Trần Phú, Hà Đông và chấp thuận chuyển đổi cho hai dự án khác là khu nhà ở Trung Văn, Từ Liêm và tổ hợp chung cư AZ Thăng Long... Hiện, Hà Nội cũng đang xem xét điều chỉnh cơ cấu căn hộ của 15 dự án khác và rà soát, phân loại dự án bất động sản để ra quyết định cho tiếp tục thực hiện, tạm dừng hay điều chỉnh…
Song song với giải pháp chuyển đổi xây dựng căn hộ có diện tích phù hợp thì Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký ban hành các Thông tư quy định về đối tượng, điều kiện và giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở từ nguồn 30.000 tỷ đồng hỗ trợ tái cấp vốn cho các đối tượng là người có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; cho các doanh nghiệp vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội.
Có thể nói việc thực hiện các giải pháp trên là một cố gắng lớn của Chính phủ và Thành phố Hà Nội nhưng trên thực tế thị trường BĐS hầu như vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể. Nhiều doanh nghiệp BĐS Hà Nội cho rằng, tình hình giao dịch trên thị trường vẫn giảm khá mạnh so với trước đó, nhiều khách hàng đang chờ thông tin từ gói hỗ trợ rồi mới quyết. Còn khách hàng muốn mua mua căn hộ có giá từ 15-17 triệu đồng/m2, đến nay dường như vẫn lưỡng lự, chờ đợi giảm giá và hỗ trợ từ Nhà nước.
Giải pháp và chính sách tuy đã có nhưng thị trường BĐS Hà Nội từ giờ đến cuối năm 2013 vẫn còn đầy mối lo lắng, thậm chí nếu thực hiện không đúng bài bản hoặc không có sự điều chỉnh linh hoạt thì có thể gây thảm họa kép. Đã có những dấu hiệu cho thấy những khó khăn xuất hiện bởi những lo lắng: Liệu có việc chuyển sang xây dựng nhà xã hội có thể bị lợi dụng để trở thành hiện tượng tràn lan rồi dẫn đến cung vượt cầu hoặc doanh nghiệp chuyển mục đích để vay vài trăm tỷ, vài ngàn tỷ nhằm kéo dài sự thoi thóp? Việc đưa nguồn vốn 30 nghìn tỷ vào thị trường BĐS liệu có bị làm chệch hướng khỏi mục đích của Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ là giải quyết hàng tồn kho hay không? Trong khi đó một số doanh nghiệp BĐS lại đang muốn giảm bớt khó khăn nếu nhà nước thanh toán hết khoản “nợ công” xây dựng cho họ. Hàng loạt những vấn đề đang cần sự tháo gỡ linh hoạt từng bước để đưa thị trường BĐS hoạt động như mong muốn!