Xuất bản điện tử - chương số 5 mới mẻ!

Văn hóa - Ngày đăng : 06:19, 07/07/2013

(HNM) - Luật Xuất bản 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7, đã dành riêng chương 5 (và cũng là chương hoàn toàn mới so với Luật Xuất bản 2004) để nói về



Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ TT-TT cũng tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản". Thực ra đây không phải là bước đi đón đầu mà chỉ là động thái luật hóa, nhằm đáp ứng những nảy sinh thực tế từ đời sống và xu hướng xuất bản thế giới…

Luật Xuất bản thực tế còn quá nhiều cản trở đối với người làm sách điện tử có bản quyền cũng như các tác giả. Ảnh: Bảo Lâm


Xuất bản, phát hành sách điện tử phải xin phép tác giả

Luật Xuất bản 2004 chỉ có vẻn vẹn mấy dòng nói về "Xuất bản trên mạng thông tin máy tính (internet)". Trong đó quy định đại ý việc này phải do NXB thực hiện, những xuất bản phẩm vốn đang lưu hành hợp pháp sẽ được đưa lên mạng, còn đưa như thế nào thì "theo quy định của Chính phủ". Phải nói rằng sự vắn tắt này đã bộc lộ hạn chế so với đời sống xuất bản điện tử sôi động, phát sinh không ngừng nghỉ gần 10 năm qua.

Trong đó, các NXB muốn thực hiện chức năng xuất bản điện tử thì phải rất vất vả tìm các căn cứ pháp lý để thành lập, hoạt động. Việc thực hiện chế độ nhuận bút giữa NXB hay đơn vị phát hành sách điện tử với tác giả chủ yếu dựa trên tinh thần tự giác và thỏa thuận. Chưa kể tình trạng vi phạm bản quyền giữa các đơn vị xuất bản với nhau, và giữa đơn vị khai thác xuất bản phẩm với tác giả… thì nhiều vô kể. Những cuốn sách "hot" nhất vừa phát hành, bên cạnh việc bị in lậu bằng bản giấy, nay tiếp tục bị "luộc" một, thậm chí nhiều lần bằng phương thức điện tử.

Vậy chương 5 của Luật Xuất bản 2012 góp gì đáng kể để cải thiện tình trạng này? Trước hết, các NXB đã có câu trả lời cơ bản về các điều kiện để có thể xuất bản điện tử. Trong đó, bên cạnh năng lực, thiết bị, công nghệ điều hành và quản lý quá trình xuất bản điện tử thì còn phải có "kỹ năng chống trộm" để ngăn chặn sao chép, can thiệp bất hợp pháp vào nội dung xuất bản phẩm. Rồi phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, và có tên miền internet Việt Nam. Cũng như vậy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn phát hành xuất bản phẩm điện tử phải có chừng ấy điều kiện mới được coi là "danh chính ngôn thuận".

Đối với tác phẩm, nếu xuất bản lần đầu tiên dưới dạng điện tử thì vẫn phải thông qua NXB hoặc cơ quan quản lý nhà nước. Còn những tác phẩm nào đã được xuất bản, in, phát hành hợp pháp thì được quyền phát hành trên điện tử. Tuy nhiên, cả hai trường hợp trên đều "chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả".

Cạnh tranh không lành mạnh, tác giả thiệt thòi

Hiện nay, ở nước ta mới chỉ có một vài đơn vị đầu tư cho lĩnh vực này, trong đó có Công ty TNHH Sách điện tử trẻ (Ybook) của NXB Trẻ chính thức hoạt động vào cuối năm 2012, cung cấp và phát hành hàng chục nghìn bản sách điện tử của NXB Trẻ và các đối tác. Bên cạnh đó là hệ thống phân phối sách điện tử có bản quyền mang tên Alezaa, rồi một số đơn vị phát hành như Phương Nam, Fahasa… Nếu so với các nước trong khu vực thì quả thực con số này còn quá khiêm tốn. Nói riêng ở Trung Quốc, năm 2008 đã có khoảng 90% trong tổng số 580 NXB của nước này tiến hành xuất bản sách điện tử. Như vậy, cùng với Luật Xuất bản 2012 và sắp tới là nghị định hướng dẫn thi hành luật, chúng ta cần nhiều hơn nữa những quy định cụ thể để thúc đẩy cũng như tạo điều kiện cho loại hình xuất bản này phát triển. Bởi lẽ, thực tế còn quá nhiều cản trở đối với người làm ebook (sách điện tử) có bản quyền cũng như các tác giả.

Lãnh đạo một đơn vị xuất bản cho hay: Mỗi tháng làm được 1.000 bản ebook có bản quyền đã là mệt. Nhưng làm lậu thì một lúc có thể "bắn" lên mạng cả 10 nghìn cuốn. Vậy thì cạnh tranh sao nổi? Ông Đồng Phước Vinh - Giám đốc Công ty Ybook của NXB Trẻ cũng bày tỏ: Việc phát hiện và xử lý những đơn vị xuất bản và phát hành ebook không có bản quyền hoàn toàn có thể làm được. Địa chỉ trang web, thậm chí số tài khoản ngân hàng, điện thoại, hay các đầu số nhắn tin dịch vụ để mua, tải sách đều công khai. Vấn đề là luật phải chặt chẽ hơn và cơ quan quản lý phải thật sự vào cuộc.

Rõ ràng tình trạng cạnh tranh không lành mạnh còn dẫn đến thiệt thòi lớn cho tác giả. Theo chia sẻ của một đơn vị phát hành ebook thì chế độ nhuận bút cho tác giả chủ yếu dựa trên thỏa thuận, có nhiều mức khác nhau, tùy thuộc vào tác phẩm, tên tuổi nhà văn… Đại diện Ybook khẳng định: Do ứng dụng tiện lợi của điện tử nên nhuận bút ebook cho tác giả thường cao hơn, có thể gấp đôi nhuận bút sách in. Tác giả có tài khoản riêng để có thể kiểm tra số lượng sách phát hành vào bất cứ lúc nào. Và cứ sau 3 đến 6 tháng, NXB sẽ có tổng hợp và trả nhuận bút cho tác giả.

Tuy nhiên, đấy là đối với những đơn vị làm sách bản quyền. Rất nhiều tác giả bày tỏ rằng họ không hề được ký hợp đồng… Điển hình là vụ trang web thuvien247.net "vô tư" lấy hàng chục nghìn đầu sách không xin phép tác giả rồi mua bán công khai trên mạng. Lại có người đã ký hợp đồng nhưng cũng không biết bao giờ mới được nhận nhuận bút… Nhà văn Đình Kính (Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam) khẳng định: Các nhà văn hầu như rất mù mờ về vấn đề bản quyền nói chung và bản quyền sách điện tử nói riêng. Và ông nêu rõ: Hội Nhà văn cần phổ biến, làm cầu nối giúp hội viên hiểu và tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Thi Thi