Nhật Bản tranh cử Thượng viện: Phép thử lòng tin
Thế giới - Ngày đăng : 05:38, 07/07/2013
Mặc dù quy mô không lớn bằng cuộc bầu cử Hạ viện cuối năm ngoái nhưng cuộc bầu cử này có ý nghĩa quyết định với tương lai nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Theo quy định, nhiệm kỳ của Thượng viện Nhật Bản kéo dài 6 năm và cứ 3 năm phải bầu lại một nửa số ghế thượng nghị sĩ. Do đó, với đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, sự kiện trọng đại này là phép thử lớn với uy tín của Thủ tướng Shinzo Abe sau hơn nửa năm lên nắm quyền.
Thủ tướng Shinzo Abe quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện. |
Tham gia cuộc đua quyết liệt năm nay có khoảng 430 ứng cử viên tranh cử vào 121 ghế. LDP cầm quyền và đối tác trong liên minh là đảng Công minh Mới (NKP) đã có sẵn trong tay 59 ghế không phải bầu lại. Nhưng việc giành được 63 ghế trong cuộc bầu cử này là cần thiết để bảo đảm một đa số tối thiểu. Mặc dù đang duy trì một đa số áp đảo tại Hạ viện đầy quyền lực, song việc thiếu kiểm soát đối với Thượng viện (do chưa đủ đa số) khiến chính quyền của Thủ tướng S.Abe khó xúc tiến chương trình nghị sự chính sách tại Quốc hội. Trong lịch sử, việc LDP thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2007 do chính trường đất nước Mặt trời mọc lâm vào bế tắc với một Quốc hội bị chia rẽ đã khiến ông S.Abe phải rời ghế Thủ tướng.
Tuy nhiên, trong lần thử sức này, LDP có nhiều lợi thế hơn so với các đảng đối lập, thậm chí có phần áp đảo. Không ít chuyên gia phân tích cho rằng, chiến thắng vang dội của LDP trong cuộc bầu cử Hội đồng TP Tokyo vừa qua đã mang lại cho liên minh cầm quyền và chính quyền của Thủ tướng S.Abe một điểm cộng trước thềm bầu cử Thượng viện. Đây cũng là một bản đánh giá rõ ràng nhất mà các cử tri dành cho chiến lược "ba mũi tên", hay còn gọi là "Abenomics", của Chính phủ Nhật Bản nhằm vực dậy nền kinh tế sau hai thập kỷ giảm phát. Những biến động tích cực trên thị trường chứng khoán Tokyo và đồng yên giảm giá sau hàng loạt động thái nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) và các khoản chi khổng lồ cho lĩnh vực công đã góp phần tô điểm cho "bộ hồ sơ đẹp" của LDP trước mắt các cử tri xứ Phù tang.
Kết quả điều tra của Nhật báo Yomiuri mới đây cho thấy, 52% số người được hỏi thừa nhận LDP và NKP có thể giành đa số tại Thượng viện, tăng so với mức 46% trước đó. Điều này phản ánh kỳ vọng của người dân xứ Hoa anh đào về một nền chính trị ổn định để phát triển đất nước. Cùng với đó, 54% cử tri tuyên bố ủng hộ chính sách "Abenomics" của Thủ tướng S.Abe so với 31% phản đối. Rõ ràng, những nỗ lực vực dậy nền kinh tế bằng hàng loạt những chính sách táo bạo của vị Thủ tướng 59 tuổi đã có tác dụng mạnh đối với sự lựa chọn của cử tri.
Thế nhưng, cuộc bỏ phiếu nào cũng không dễ dàng. Nhằm hạ uy tín của LDP, các đảng đối lập ở Nhật Bản đang tập trung khai thác những vấn đề nóng như sự bất ổn của thị trường tài chính, giá nhiên liệu leo thang và quyết định tăng thuế tiêu dùng của Chính phủ. Cho rằng chính sách "Abenomics" đã gây ra những mặt trái như giá cả tăng cao, các đảng đối lập lập luận sự phát triển kinh tế Nhật Bản trong nửa đầu năm nay chỉ mang tính nhất thời và là hệ quả của chính sách nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên Thủ tướng S.Abe, đồng thời là Chủ tịch LDP, vẫn hạ quyết tâm nắm quyền kiểm soát Thượng viện từ tay các đảng đối lập trong cuộc bầu cử ngày 21-7 tới nhằm củng cố quyền lực trước khi thực hiện các mục tiêu, chính sách then chốt như tái sinh nền kinh tế và sửa đổi bản Hiến pháp hòa bình.
Không chỉ nắm giữ tương lai của LDP cầm quyền, cuộc bầu cử Thượng viện lần này cũng đóng vai trò quyết định đối với chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời gian tới. Việc kiểm soát cơ quan lập pháp quan trọng này sẽ giúp chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục chủ trương thắt chặt liên minh Nhật - Mỹ và thể hiện thái độ quyết đoán trong các tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ trên biển Hoa Đông và biển Nhật Bản như đã thực hiện thời gian qua. Vì vậy, cuộc đua vừa được khởi động là nút thắt quan trọng góp phần định hình nước Nhật trong tương lai.