Cơ sở phúc lợi xã hội trong khu công nghiệp: Bao giờ mới có?
Đời sống - Ngày đăng : 07:40, 06/07/2013
Khảo sát của Bộ Xây dựng tại 98 KCN với hơn 800.000 lao động (chiếm 1/2 số công nhân tại các KCN trên toàn quốc) cho thấy chỉ có 6 KCN có nhà văn hóa, 6 khu có nhà tập luyện thể thao. Đáng nói là, chỉ 3 KCN có cơ sở y tế, trong đó riêng khu kinh tế Xuân Lộc (Đồng Nai) được Nhà nước đầu tư một bệnh viện trị giá khoảng 200 tỷ đồng, khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) được Nhà nước đầu tư một bệnh viện trị giá 70 tỷ đồng. Tương tự, cơ sở mẫu giáo chỉ có 4 trường, tiểu học 3 trường, trung học cơ sở 4 trường, đạt tỷ lệ 3-4% trên tổng số các KCN được khảo sát. Thiết thực nhất với người lao động tại các KCN là cơ sở đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân thì cũng chỉ có 2/98 KCN được xây dựng, với tổng mức đầu tư 81 tỷ đồng, trong đó riêng cơ sở đào tạo tại khu kinh tế Dung Quất trị giá 75 tỷ đồng.
Nhận xét về kết quả khảo sát, Bộ Xây dựng cho rằng chỉ có số ít KCN được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước có công trình hạ tầng xã hội, trong khi việc xây dựng các công trình này bằng các nguồn vốn đầu tư khác hầu như không được thực hiện. Điều này thể hiện qua rất ít KCN có cơ sở hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân là chưa có cơ chế chính sách cụ thể đầu tư từ ngân sách để cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần được ban hành; ngân sách địa phương hạn chế. Trong khi, cơ chế khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào lĩnh vực này chưa thực sự hấp dẫn. Nói đúng hơn, ít doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực không sinh lợi nhuận này. Nếu có, thì chi phí cho dịch vụ giáo dục, y tế, thể thao và các dịch vụ công cộng khác thường cao hơn so với cơ sở công lập, chắc chắn cũng vượt khả năng, thu nhập của số đông người lao động. Quá trình phát triển KCN, khu kinh tế, khâu quy hoạch sử dụng đất thường "bỏ quên" cơ sở phúc lợi xã hội, không đưa công trình văn hóa, phúc lợi xã hội thành những công trình bắt buộc phải có khi được giao đất đầu tư KCN. Điều đáng lưu ý nữa là, ngay cả cơ sở văn hóa, trường học phục vụ con em người lao động tại các KCN đã được đầu tư đang hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất có chất lượng thấp, môi trường học tập, giảng dạy đơn sơ; vị trí cơ sở không phù hợp quy hoạch, quy mô chưa thích hợp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo.
Liên quan đến đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xã hội tại các KCN, Bộ Xây dựng đã đề xuất lựa chọn 14 địa phương để thí điểm theo phương thức dùng ngân sách kết hợp với vốn xã hội hóa. Đây là những địa phương có nhiều KCN quy mô lớn từ 18.000 công nhân trở lên, trong số đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương… Theo quy chuẩn xây dựng, có 5 loại công trình cung cấp dịch vụ cơ bản gồm cơ sở giáo dục, y tế, công trình thể dục - thể thao, công trình văn hóa (thư viện, nhà hát…) và chợ. Tuy nhiên, nếu đầu tư tất cả các công trình cơ bản thì số vốn đầu tư rất lớn, nên phương án của Bộ Xây dựng là lựa chọn tại mỗi KCN của 14 địa phương đầu tư xây dựng một số công trình thiết yếu như trường mẫu giáo, trung tâm y tế, sân bóng, nhà hỗn hợp văn hóa - thư viện, chợ. Quy mô công trình căn cứ trên quy chuẩn, như vậy để xây dựng 5 công trình cho mỗi KCN sẽ cần khoảng 94 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư triển khai thí điểm khoảng 1.316 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 50%, địa phương 40%, còn lại là xã hội hóa. Việc thí điểm thực hiện đến hết năm 2015, sau 2015 nguồn vốn đầu tư phân bổ theo nguyên tắc trung ương hỗ trợ 20%, địa phương 50%, xã hội hóa 30%. Bộ Xây dựng cũng đề xuất áp dụng các cơ chế ưu đãi với doanh nghiệp đầu tư công trình văn hóa, phúc lợi xã hội như giao đất "sạch" không thu tiền sử dụng, miễn tiền thuê đất; được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế, hỗ trợ tín dụng, vay vốn ưu đãi… Nếu được triển khai, đến năm 2015, ít nhất có thêm 14 KCN có cơ sở văn hóa, phúc lợi xã hội, với khoảng 252.000 người lao động được thụ hưởng.