Thước đo trách nhiệm đối với mỗi cán bộ
Chính trị - Ngày đăng : 07:25, 06/07/2013
Ông Cấn Đỗ Hiệp (cán bộ hưu trí xã Cấn Hữu, Quốc Oai): Thước đo trách nhiệm đối với mỗi cán bộ
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được biết quá trình các địa phương cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng lấy phiếu tín nhiệm đều bảo đảm công bằng, dân chủ, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống… của người được lấy phiếu. Kết quả của việc lấy phiếu chính là thước đo trách nhiệm cá nhân không chỉ đối với người được lấy phiếu tín nhiệm mà cũng là thước đo trách nhiệm cá nhân của từng vị đại biểu HĐND trước cử tri và nhân dân. Chúng tôi mong rằng, sau đợt lấy tín nhiệm này, các đại biểu tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực thi nhiệm vụ để luôn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri.
Ông Chu Văn Chờ (xã Thái Hòa, huyện Ba Vì): Cần tiếp tục giám sát, giúp đỡ cán bộ có nhiều phiếu tín nhiệm thấp
Thời gian gần đây, cử tri cả nước rất quan tâm đợt lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND các cấp bầu, phê chuẩn, đặc biệt là ở cấp xã, phường, thị trấn. Thông qua lá phiếu, các đại biểu đã bỏ phiếu với tinh thần công tâm, khách quan, trách nhiệm. Kết quả, không ít chức danh do HĐND các cấp bầu có nhiều phiếu tín nhiệm thấp. Tuy nhiên, nhiều cử tri băn khoăn và đặt câu hỏi: Những chức danh có nhiều phiếu tín nhiệm thấp sẽ được HĐND các cấp xử lý thế nào? Hay bỏ phiếu tín nhiệm xong rồi để đấy...? Theo tôi, sau khi có kết quả bỏ phiếu, HĐND các cấp cần tiếp tục giám sát, giúp đỡ các chức danh có nhiều phiếu tín nhiệm thấp, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân, có hướng giúp đại biểu khắc phục khuyết điểm, thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao. Đối với các chức danh ở cấp xã, phường trình độ chuyên môn còn hạn chế, đề nghị HĐND thành phố có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng như chính trị, tư tưởng cho cán bộ đó.
Bà Hoàng Thị Thắm (phường Yên Hòa, Cầu Giấy): Cần cởi mở trong cách nhìn nhận, đánh giá
Với một số lĩnh vực "nóng" như trật tự xây dựng, quản lý đất đai, giao thông - vận tải, giáo dục, y tế… những người có quyền bỏ phiếu sẽ có cách nhìn khác nhau... Song các đại biểu cần rạch ròi giữa khó khăn khách quan và chủ quan, giữa những tồn tại do lịch sử để lại và những hạn chế do tầm nhìn của những người đảm nhận chức danh mang đến để có cách đánh giá cho chuẩn xác. Theo tôi, với những người có số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% thì HĐND cần xác định rõ lộ trình, mục tiêu mà những chức danh này phải khắc phục được những điểm yếu. Việc làm này sẽ khuyến khích, động viên những người làm tốt vì thưởng, phạt có phân minh thì việc lấy phiếu tín nhiệm mới mang lại hiệu quả.
Chị Hoàng Thị Hằng (phường Bách Khoa, Hai Bà Trưng):Nên thực hiện thường niên
Cho dù còn nhiều ý kiến khác nhau song kết quả lấy phiếu tín nhiệm là kênh khá tin cậy để đánh giá chất lượng công việc của các chức danh. Đặc biệt, việc lấy phiếu tín nhiệm khi được thực hiện thường niên sẽ là động lực để những người đảm nhiệm chức danh đó phải cố gắng hơn, không để "tụt hạng" so với năm trước.