Lặng thầm tỏa sáng
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:51, 06/07/2013
Đã vào tháng 7 nhưng trời Tây Nguyên "ông sấm, bà chớp" trốn đi đâu hết cả. Gió vẫn thông thốc thổi mà tịnh chẳng có giọt mưa nào. Năm nay, thời tiết Tây Nguyên đỏng đảnh lắm, kiểu bấc nồm dan díu, nắng mưa dùng dằng. Càng hạn nặng, nhu cầu sử dụng điện cho tưới tiêu càng cao, thế nên cứ mỗi công trình sớm đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng cho việc chống hạn có hiệu quả.
Sau hơn 20 tháng thi công, trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa, một công trình lớn, hiện đại của ngành điện đã hoàn thành và được đưa vào vận hành. |
Chạy đua với thời gian
Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông xây dựng nhằm bảo đảm cung cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam sau năm 2013, tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, đồng thời tăng cường liên kết lưới điện truyền tải điện ở cấp 500kV, góp phần vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng miền trong cả nước. Sau thi công mạch 1 đường dây 500kV, công tác thi công công trình được trưởng thành về mọi mặt, vì vậy, tiến độ thi công không còn là vấn đề khó khăn. Những năm gần đây, nan giải nhất đối với tiến độ các công trình đường dây là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông cũng không ngoại lệ.
Chúng tôi có mặt ở Đắc Nông, Đắc Lắc vào những ngày cái nắng mùa khô đã lên đến đỉnh điểm và nơi đây đồi núi, vườn tiêu, điều, cà phê... khát khô. Năm nay, tình hình hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên đã trở nên căng thẳng nhất trong vòng hơn 20 năm qua. Hạn hán đã hút gần như cạn kiệt nước trên các ao hồ, sông suối...
Quốc lộ từ Đắc Nông đi Gia Lai, hai bên đường là những quả đồi hoang hóa, nham nhở, đang trơ ra những gốc cây khô cằn cứ thế nối tiếp nhau. Dòng sông Đắc Blah chảy qua TP Kon Tum vốn thơ mộng mùa nào giờ đây cũng đang trở nên khô kiệt. Tại thành phố Kon Tum, Buôn Ma Thuột nhiều hộ dân đã rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Hạn hán khiến cho việc trồng trọt của người dân trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Cuộc sống người dân đang khó khăn là vậy, chuyện đền bù giải phóng mặt bằng, dù chỉ là chục mét vuông cho vị trí cột, hành lang đường dây cũng không thuận lợi trong thời điểm này. Nhưng đã là công trình cấp bách, trọng điểm thì không thể ngồi chờ thời điểm thuận lợi. Khó khăn vẫn phải tìm cách khắc phục. Vì thế mà anh em trong ban phải bám tuyến đến nửa năm nay.
Giám đốc Ban AMT Nguyễn Đức Tuyển cho biết, đến nay đã giao xong 887/926 vị trí móng, còn 39 vị trí trên địa bàn tỉnh Đắc Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh; kê kiểm, phê duyệt xong 521/926 khoảng cột phần hành lang tuyến, còn 405 khoảng cột thuộc các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Đối với các vị trí móng, hầu hết vị trí còn lại gặp khó khăn do vướng mắc của hộ dân liên quan đến đơn giá đền bù đất và tài sản. Vì vậy, anh em làm công tác đền bù, ngoài việc chủ động làm việc với các hộ dân để tiếp thu và giải quyết các vướng mắc, vẫn đang tiếp tục phối hợp với Hội đồng đền bù, chính quyền địa phương vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành và làm hết tất cả các thủ tục để cưỡng chế khi cần thiết. Theo tiến độ, sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng trong tháng 7 và giải tỏa hành lang tuyến và xử lý các vướng mắc trong tháng 9 năm nay.
Do khó khăn về quỹ đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đoạn đi trên địa phận huyện Củ Chi phải sử dụng hành lang tuyến của đường dây 500kV Đắk Nông - Phú Lâm, nên đoạn này phải cải tạo lên 2 mạch để sử dụng cho công trình; đường dây 500kV Tân Định - Phú Lâm cũng tiến hành cải tạo lên 2 mạch, trong đó 1 mạch sẽ được hoàn trả cho đường dây 500kV Đắc Nông - Phú Lâm. Đồng thời, sử dụng hành lang tuyến của đường dây 110kV Tân Định - Phú Hòa Đông - Củ Chi hiện hữu để cải tạo thành 4 mạch: 2 mạch 500kV sử dụng cho công trình và 2 mạch 110kV để hoàn trả và dự phòng cho đường dây 110kV Tân Định - Phú Hòa Đông - Củ Chi. Ngoài ra, để tận dụng hành lang của đường dây 500kV, đoạn từ 8301 đến 8403 cũng tiến hành cải tạo lên 4 mạch, trong đó 2 mạch sẽ được sử dụng cho đường dây 110kV Tân Định - Phú Hòa Đông - Củ Chi…
Xác định những khó khăn trong công tác thi công, cắt điện, đấu nối các đoạn tuyến nêu trên do ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung cấp điện cho miền Nam, Ban AMT đã chủ động phối hợp với các đơn vị tư vấn thiết kế, xây lắp lập phương án thi công cắt điện đấu nối các đoạn tuyến nêu trên và AMT đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan để phối hợp và góp ý hoàn thiện phương án. Trên cơ sở phương án đề xuất và sau khi đã đi kiểm tra hiện trường, Ban AMT xác định các khối lượng công việc cần thiết phải thực hiện và yêu cầu đơn vị tư vấn và thi công điều chỉnh giảm thời gian cắt điện đường dây 500kV Tân Định - Phú Lâm xuống tối đa là 60 ngày và cắt điện đường dây 500kV Đắc Nông - Phú Lâm tối đa là 20 ngày thay cho phải cắt 120 ngày và 25 ngày như đề xuất trên cơ sở điều chỉnh giải pháp thi công và việc tập trung mọi nguồn lực thi công đồng bộ các hạng mục.
Những dấu ấn không bao giờ phai
Nhớ lại công trình đường dây 500kV mạch 2, từ những giải pháp và cơ chế đặc biệt mà Ban AMT đã đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam và được chấp thuận trình Chính phủ cho phép thực hiện và các địa phương đồng tình ủng hộ; cộng với sự năng động, sáng tạo, kiên quyết trong quản lý điều hành, sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các công ty tư vấn thiết kế, xây lắp, truyền tải điện, thí nghiệm, điện lực, các địa phương và các đơn vị liên quan nên đường dây 500kV mạch 2 đã hoàn thành, đưa vào vận hành vượt mức thời gian quy định và bảo đảm chất lượng. Kết quả, ngày 19-4-2004, đường dây 500kV PleiKu - Phú Lâm đóng điện thành công, bảo đảm tiến độ; ngày 31-8-2003, đường dây 500kV PleiKu - Dốc Sỏi - Đà Nẵng đóng điện vượt tiến độ giao 4 tháng; ngày 23-5-2005, đường dây 500kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh đóng điện, vượt tiến độ giao hơn 1 tháng và tiếp sau đó, ngày 24-5-2005, đường dây 220kV Vinh - Hà Tĩnh đóng điện, góp phần quan trọng trong việc nâng cao độ tin cậy và ổn định vận hành hệ thống điện quốc gia, đồng thời đưa điện kịp thời từ miền Nam ra Bắc để giải quyết tình trạng thiếu điện cho miền Bắc giai đoạn 2005-2009 khi chưa xây dựng hoàn thành các nguồn điện tại khu vực này. Đặc biệt là cung cấp một lượng điện đáng kể (khoảng 8 triệu kWh một ngày) để cấp cứu cho miền Bắc trong những ngày hạn hán cao độ, khi hồ chứa Nhà máy Thủy điện Hòa Bình xuống dưới mức nước chết, góp phần quan trọng trong việc giảm cắt điện trên diện rộng ở 26 tỉnh miền Bắc.
Rồi đến các dự án đấu nối mua điện của Trung Quốc: Đường dây 220kV Thanh Thủy - Hà Giang - Tuyên Quang, Tuyên Quang - Thái Nguyên, cải tạo 1 mạch đường dây 110kV Thái Nguyên - Sóc Sơn thành mạch kép và nâng cấp mạch còn lại lên 220kV và đường dây 220kV Tuyên Quang - Bắc Kạn - Thái Nguyên, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung đã tổ chức kiểm tra ngay tình hình thực hiện đầu tư để xác lập tiến độ chi tiết cho từng giai đoạn, từng hạng mục công việc của từng công trình, thành lập Ban chỉ đạo tiền phương thường trực trên tuyến để chỉ huy điều hành, cùng với Công đoàn Điện lực Việt Nam phát động phong trào thi đua để các đơn vị tham gia dự án cùng cam kết quyết tâm thực hiện hoàn thành theo đúng tiến độ, đề ra các biện pháp để quản lý điều hành có hiệu quả và phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, động viên kịp thời các đơn vị tham gia dự án nỗ lực hết mình, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan ở Trung Quốc và Ban quản lý Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang, giải quyết nhanh những vướng mắc phát sinh trên công trường và tập trung lực lượng để thi công các hạng mục đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng; dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung đã phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với các đơn vị tư vấn, xây lắp và các đơn vị liên quan đã nỗ lực phấn đấu ngày đêm vượt qua mưa gió, rét mướt và nhiều khó khăn, trở ngại để trong vòng chưa đầy 10 tháng đã xây dựng hoàn thành, đóng điện đưa các công trình vào vận hành (236km đường dây 2 mạch và 1 trạm cắt 220kV) vào ngày 27-4-2007 và ngày 14-12-2007, đóng điện đưa vào vận hành đường dây 220kV Tuyên Quang - Sóc Sơn; tháng 6-2008, đóng điện đường dây 220kV Tuyên Quang - Bắc Kạn - Thái Nguyên bảo đảm chất lượng và vượt tiến độ được giao. Công trình đưa vào vận hành đã góp phần giải quyết kịp thời lượng điện năng thiếu hụt của miền Bắc vào mùa khô 2007 và trong các năm 2007-2009…
Mỗi năm qua Tây Nguyên vài lần, lần nào tôi cũng mê mải ngắm những bông dã quỳ nở rung rinh trên các triền đồi, bên thung lũng, tô điểm cho bức tranh thiên nhiên của Tây Nguyên thêm những gam màu khắc khoải, khó quên. Tôi bỗng liên tưởng tới những người đang làm công tác dự án thầm lặng ở vùng đất này với công trình đường dây 500kV quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Nam, vùng kinh tế năng động nhất nước, họ như loài hoa hoang dã, bình dị và khiêm tốn.