Từ kiến nghị của cử tri: Nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết
Chính trị - Ngày đăng : 06:30, 06/07/2013
Vẫn là bức xúc cũ
Khác với các năm trước, dịp này Đoàn ĐBQH Hà Nội TXCT ở nơi cư trú trong giờ hành chính và cả buổi tối với mong muốn không chỉ gặp gỡ, lắng nghe kiến nghị của các cử tri cao tuổi, cán bộ hưu trí mà còn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức… Các cuộc tiếp xúc hầu như đều không đủ chỗ ngồi vì số lượng cử tri tới dự, muốn phát biểu, đề đạt nguyện vọng rất đông. ĐBQH không chỉ ghi nhận các phản ánh trực tiếp mà còn phối hợp với nhiều đơn vị giải quyết các kiến nghị bên lề cuộc tiếp xúc và những đề đạt bằng văn bản, đơn thư.
Cử tri quận Ba Đình đặt câu hỏi với các đại biểu Quốc hội trong buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Bá Hoạt |
Tuy nhiên, trong phần lớn kiến nghị của cử tri các huyện ngoại thành một lần nữa cho thấy, có rất nhiều ý kiến, kiến nghị đã được cử tri nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, chính quyền địa phương hứa sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ giải quyết nhưng… xong rồi để đấy. Vì vậy, từ TXCT trước, sau kỳ họp HĐND, đến các dịp TXCT của ĐBQH, nhân dân vẫn tiếp tục "nhắc", điển hình là tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo cử tri các huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Hoài Đức, tình trạng ô nhiễm ở các sông lớn như sông Đáy, sông Nhuệ, ô nhiễm các kênh mương, hồ ao xen lẫn trong khu dân cư đã đến mức báo động. Hiện tượng này diễn ra đã lâu, trong khi việc giải quyết gần như "dậm chân tại chỗ". Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe con người, sản xuất nông nghiệp cũng bị đình trệ, vì trong nước tưới có độc tố khiến cây trồng khó phát triển. Đặc biệt, cử tri các quận, huyện Ba Đình, Cầu Giấy, Từ Liêm còn phản ánh, nhiều kiến nghị thuộc trách nhiệm xử lý của Chính phủ và các bộ, ngành hứa tiếp thu, xem xét nhưng thời gian giải quyết quá lâu. Những nội dung chậm được nghiên cứu là việc sửa đổi Nghị định số 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến 2014-2015; việc sử dụng đất nông, lâm, trường…
(HNM) - Ngày 5-7, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri hai huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức. Tại các buổi tiếp xúc, cử tri hai huyện đề nghị Chính phủ có chế tài xử lý cơ sở sản xuất, cung ứng hàng hóa giới thiệu sản phẩm sai sự thật, đồng thời có chế độ, chính sách đối với công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến trước năm 1975. Ngoài ra, theo phản ánh của cử tri, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có nhiều cải cách nhưng một số người dân không chịu đến nhận "sổ đỏ" của mình. Nguyên nhân là mức tiền thuế đất đã được nâng lên từ 4-6 lần so với trước. Hà Phong - Đình Hoàng |
Hàng trăm kiến nghị chưa được xử lý triệt để
Theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền, phần việc cử tri Hà Nội và nhiều địa phương kiến nghị liên quan đến Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ… khá nhiều. Hiện trong số 1.309 kiến nghị của cử tri, mới có 722 kiến nghị đã được nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, như chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ nhà ở cho các gia đình chính sách, người có công; tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo; nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương... Có 198 kiến nghị đang nghiên cứu, giải quyết, như quy định về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước; hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; xây dựng dự thảo quy trình đánh giá, công nhận "xã đạt chuẩn nông thôn mới". Đây đều là những vấn đề thời sự, liên quan chặt chẽ đến phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương.
Ngoài ra, còn 134 kiến nghị Chính phủ giải quyết nhưng chưa có mốc thời gian thực hiện cụ thể, đó là việc tăng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xây dựng đề án "Phát triển cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá tại các đảo tiền tiêu"; chế độ ưu đãi cho các chiến sĩ Điện Biên Phủ hiện đang còn sống; tăng cường công tác kiểm tra các địa phương trong tổ chức thực hiện và chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến quá trình áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; đẩy mạnh phân cấp giữa TƯ và địa phương, giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền chung và cơ quan nhà nước có thẩm quyền riêng…
Có nhiều giải pháp để khắc phục những tồn tại nêu trên. Giải pháp quan trọng, mang tính đột phá, quyết định, đó là Quốc hội cần sớm quy định các chế tài đầy đủ, rõ ràng khi các cơ quan chức năng không hoặc chậm thực hiện kiến nghị của cử tri, ĐBQH. Chỉ khi có công cụ pháp lý, ĐBQH mới có điều kiện cần và đủ để làm tốt nhiệm vụ giám sát.