Bệnh thành tích và thói ”làm liều”

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:24, 06/07/2013

(HNM) - Nợ đọng đối với các công trình xây dựng cơ bản (XDCB) đã thật sự trở thành vấn đề

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội đang tập trung giải quyết nợ đọng XDCB trong 3 năm, mỗi năm giải quyết khoảng 30%. Năm nay, các quận, huyện cũng đã bố trí được gần 30% để trả nợ XDCB, thành phố đã yêu cầu các huyện không được bố trí vốn dàn trải và không được triển khai xây dựng dự án khi chưa có nguồn vốn.

Về số nợ phát sinh, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấn chỉnh việc bố trí, phân bổ vốn đầu tư XDCB và sẽ quyết liệt hơn trong kiểm tra, xử lý…

Đây không phải là "chuyện riêng" của Hà Nội và cũng không phải là vấn đề mới bởi tình trạng nợ đọng trong XDCB đã kéo dài nhiều năm qua. Nợ trong XDCB là hệ quả của một quá trình đầu tư dàn trải, cùng sự buông lỏng quản lý và những bất cập về cơ chế, chính sách quản lý vốn đầu tư công. Chạy theo thành tích tăng trưởng kinh tế, nhiều địa phương ào ạt đầu tư vào các khu công nghiệp, công trình giao thông… Trong khi đó, nhà thầu ỷ lại chuyện trước sau gì cũng được thanh toán, vay tiền ngân hàng để "làm liều"...

Điều gì phải đến đã đến, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, Chính phủ cắt giảm đầu tư công, siết chặt tín dụng… nợ đọng càng trở thành vấn đề nghiêm trọng.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, những khoản nợ này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như: Doanh nghiệp phá sản hoặc chiếm dụng vốn của nhau, công trình thi công dở dang gây lãng phí, thất thoát, người lao động thất nghiệp… Do vậy, giải "bài toán" nợ đọng trong XDCB thật sự đã trở thành vấn đề cấp thiết để lưu thông nguồn vốn trong nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu từng địa phương phải kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) trong việc để phát sinh nợ đọng XDCB trong thời gian qua; tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng này để hết năm 2015 hoàn thành xử lý nợ đọng XDCB…

Tuy nhiên, giải quyết vấn đề nợ đọng XDCB không đơn giản. Ngoài việc bố trí nguồn vốn để mang lại hiệu quả cao nhất, giải quyết hàng tồn kho… phải xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách…; đồng thời, cần xem xét hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các địa phương nhằm khắc phục triệt để căn bệnh thành tích, "nghiện" dự án, đầu tư bằng mọi giá để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cùng với kiểu "làm liều" của các chủ đầu tư, đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng nợ đọng XDCB hiện nay.

Thế Phương