HĐND Thành phố Hà Nội chất vấn 4 nhóm vấn đề
Chính trị - Ngày đăng : 08:04, 05/07/2013
Trước khi đi vào chất vấn trực tiếp, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Huy Tưởng đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kết luận tại phiên chất vấn của Chủ tọa tại kỳ họp thứ 6 HĐND Thành phố khóa XIV.
Báo cáo tập trung trả lời việc giải qyết 31 nội dung đã được chất vấn tái chất vấn tại kỳ họp trước, liên quan đến 4 nhóm vấn đề: quản lý đất đai, quản lý trật tự đô thị; xây dựng chính quyền; giáo dục và đào tạo; đồng thời trả lời 299 kiến nghị của cử tri được tổng hợp trước và sau kỳ họp thứ 6.
Báo cáo của UBND Thành phố cho biết, về nhóm vấn đề về quản lý đất đai, UBND Thành phố đã tổ chức ra soát và ban hành các văn bản để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thuộc lĩnh vực này.
Thời gian qua, Thành phố đã ban hành 23 VBQPPL trong đó 1 Nghị quyết của HĐND Thành phố, 20 Quyết định của UBND Thành phố, 2 Chỉ thị của UBND Thành phố, trong đó lĩnh vực giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất gồm 5 Quyết định; lĩnh vực giải phóng mặt bằng có 2 Quyết định; lĩnh vực khung giá đất, đấu giá đất, phí và lệ phí trước bạ về đất có 5 Quyết định; lĩnh vực cấp giấy chứng nhận và đăng ký biến động quyền sử dụng đất và quản lý đất nông nghiệp có 4 Quyết định, 2 Chỉ thị; lĩnh vực đo đạc bản đồ có 2 Quyết định; lĩnh vực thanh tra, xử lý vi phạm quy định về quản lý đất đai có 2 Quyết định.
Về giải quyết hồ sơ hành chính, 5 tháng đầu năm 2013, Sở tài nguyên và Môi trường đã giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 143 dự án với tổng diện tích là 288,1 ha theo đúng quy định của phát luật.
Về khẩn trương xử lý 45 dự án của 8 quận huyện mà Đoàn giám sát của HĐND Thành phố đã giám sát trực tiếp và 170 dự án các quận, huyện còn lại chậm triển khai theo kiến nghị tại báo cáo kết quả giám sát số 53/BC-HĐND ngày 20/9/2012 của Thường trực HĐND Thành phố và các nội dung chất vấn của đại biểu HĐND Thành phố chất vấn trực tiếp tại hội trường chưa được trả lời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập 05 Đoàn thanh tra kiểm tra các dự án trên và tiếp tục thanh tra, xử lý vi phạm đối với cá dự án chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai theo phản ánh của các quận, huyện, thị xã , kiến nghị cử tri và phản ánh của các phương tiện truyền thông.
Qua đó, 5 đơn vị đã bị thu hồi đất với 07 Quyết định thu hồi đất của UBND Thành phố; 10 dự án Sở tài nguyên và Môi trường đã có Báo cáo UBND Thành phố kết quả thanh tra việc quản lý, sử dụng đất theo quy định cảu Luật đất đai, UBND Thành phố đã có các văn bản chỉ đạo khác phục sau thanh tra; 2 Dự án đã được UBND Thành phố có văn bảnđồng ý đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 28 dự án đã được Sở tài nguyên và Môi trường thanh tra vàđang dự thảo kết luận để báo cáo UBND Thành phố.
Đối với 170 dự án của các quận, huyện còn lại chậm triển khai, ngày 04/4/2013, Sở tài nguyên và Môi trường có quyết định thành lập Đoàn thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn quận Hà Đông và Mê Linh.
Đối với các Dự án trên địa bàn các quận, huyện: Hoàng Mai, Tây Hồ, Cầu Giấy, Sóc Sơn, Hoài Đức, Thạch Thất, Thị xã Sơn Tây, Ba Vì, Sở tài nguyên và Môi trường đã mời làm việc, kiểm tra các đơn vị có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, đang tổng hợp để báo cáo UBND Thành phố xử lý theo quy định.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đặt câu hỏi chất vấn. |
Về rà soát, phân loại, xử lý quỹ nhà chuyên dung cho Cty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà ký hợp đồng cho thuê, Công ty và Tổ công tác 09 của Thành phố kiểm tra đề xuất phân loại Quỹ nhà chuyên dung quản lý ký hợp đồng theo Quyết định 26 có 791 điểm, diện tích nhà 131.855,43m2, diện tích đất 125.519,84m2, trong đó: 449 địa điểm đã ký hợp đồng theo Quyết định 26, tổng diện tích nhà 78.030,45m2, diện tích đất 84.175,42m2; 342 điểm chưa đăng ký hợp đồng
Hiện nay tổ công tác 09 Thành phố đang tập trung ra soát hồ sơ các địa điểm nhà đất thuộc quỹ nhà chuyên dung, kiểm tra hiện trạng quản lý sử dụng 256 cơ sở nhà đất để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo hiệu quả sử dụng theo chỉ đạo của Đoàn giám sát Thường trực HĐND báo cáo Thành phố sắp xếp, xử lý nhà đất theo hướng: Đối với các cơ sở nhà đất tổ chức đang thuê nhà có đơn đăng ký mua tài sản trên đất, chuyển nhượng quyên sử dụng đất theo quy định, thực hiện bán tìa sản trên đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất sát giá thị trường cho đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng;
Đối với các cơ sở nhà đất hiện do các cơ quan hành chính, đơn bị sự nghiệp bao gồm cả cơ quan Trung ương và địa phương đang sử dụng đã ký hợp đồng thuê nhà với Công ty lập hồ sơ gửi kèm danh sách gửi Sở Tài chính, Sở Xây dựng để phối hợp các cơ quan có liên quan báo cáo trình UBND Thành phố chuyển gioa cho đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng theo quy định;
Các cơ sở nhà đất sử dụng không đúng mục đích, cho thuê lại, vi phạm quy định về sử dụng quỹ nhà chuyên dung thì xử lý thu hồi bán đấu giá hoặc sắp xếp bố trí sử dụng phục vụ mục đích công cộng
Đối với quỹ nhà tầng 1 tại các khu nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố, sau khi bố trí cho nhu cầu phục vụ công cộng của khu vực và tòa nhà, diện tích còn lại, tổ chức đấu giá
Về các sai phạm tại Công viên tuổi trẻ Thủ đô, Thành phố đã thông báo yêu cầu Công ty Đâu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội chấm dứt toàn bộ các hoạt động trong giữ xe không có giấy phép, tháo dỡ các hạng mục xây dựng vi phạm. Đến nay, các đơn vị đã tháo dỡ xong 5 sân tennis ngoài trời, nhà dịch vụ sân tennis, nhà dịch vụ kinh doanh giải khát bên hồ, hàng rào 3 sân bóng đá mini, còn lại là mặt sân cỏ nhân tạo, nhà dịch vụ và hệ thống chiếu sáng. Đã tháo dỡ xong 1 phần nhà dịch vụ phục vụ sân tennis do Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Lan Anh quản lý.
UBND quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo UBND phường Thanh Nhàn xấy dựng xong Kế hoạch để cưỡng chế tháo dỡ hạng mục sân tennis có mái che (thuộc ô số 43) do Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Lan Anh quản lý. Hiện công an Thành phố Hà Nội đang lập Kế hoạch tham gia cưỡng chế. Dự kiến tiến độ sẽ hoàn thành trong tháng 7/ 2013.
Về việc xử lý nhà đất “Siêu mỏng, siêu méo”, tổng số các trường hợp nhà “Siêu mỏng, siêu méo” còn tồn tại trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến thời điểm tháng 6/2012 là 394 trường hợp. Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện tập trung xử lý được 186 trường hợp (Giải quyết them được 101 trường hợp so với thời điểm kỳ họp thứ 6 HĐND Thành phố), còn 208 trường hợp cần tiếp tục xử lý. Đến thời điểm này, các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện việc xử lý nhà, đất “Siêu mỏng, siêu méo” về cơ bản đã được thống nhất, đủ điều kiện để các quận, huyện tổ chức thực hiện. Thành phố đang hướng tới vận động nhân dân hợp khối.
Liên quan đến tăng cường công tác thanh tra công vụ xử lý các sai phạm, trong thời gian từ ngày 20/02/2013 đến ngày 20/3/2013, các Đoàn Kiểm tra đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 26 đơn vị, gồm có: 10 quận, huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Trì, Hoàng Mai; 3 sở: Quy hoạch Kiến trúc, Y tế, Thông tin Truyền thông, Phòng quản lý phương tiện giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải; 12 xã, phường, thị trần: Cầu Diễn, Đông Ngạc (Huyện Từ Liêm); Quốc Oai (huyện Quốc Oai); Trâu Quỳ, Đa Tốn (huyện Gia Lâm); Bạch Đằng, Vĩnh Tuy, Phố Huế (quận Hai Bà Trưng); Quang Trung, Văn Quán (quận Hà Đông), Kim Liên, Phương Mai (quận Đống Đa).
Thành phố đã thành lập Đoàn thanh tra công vụ tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tại các đơn vị: UBND Quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thường Tín, Sóc Sơn, Mê Linh; Sở Tài nguyên và Môi trường. Thực hiện kiểm tra công vụ đột xuất đối với 16 đơn vị là: Ban Dân tộc Thành phố, Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND Quận Long Biên, UBND quận Đống Đa, UBND 10 xã, phường thị trấn: (Bát Tràng – huyện Gia Lâm, Đức Giang – quận Long Biên, Gia Thụy – quận Long Biên, Mộ Lao – quận Hà Đông, Nghĩa Đô – quận Cầu Giấy, Xuân La – quận Tây Hồ, Tứ Hiệp – huyện Thanh Trì, Văn Điển – huyện Thanh Trì, Láng Hạ - quận Đống Đa, Thành Công - quận Ba Đình).
Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Nam - Ủy viên Thường trực HĐND Thành phố đã trình bày báo cáo tóm tắt tổng hợp kiến nghị của cử tri Thủ đô tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 HĐND Thành phố và thông báo nội dung chất vấn của đại biểu HĐND Thành phố.
Tính đến ngày 04/7/2013, các đại biểu HĐND Thành phố đã gửi tới kỳ họp HĐND 23 câu chất vấn. Thường trực HĐND đã tổng hợp, chuyển đến UBND Thành phố để trả lời theo thẩm quyền.
Trên cơ sở các câu chất vấn của đại biểu, Thường trực HĐND Thành phố lựa chọn, tổng hợp 4 nhóm vấn đề để UBND Thành phố trả lời trực tiếp tại hội trường, đó là : Nhóm vấn đề kinh tế - ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; Nhóm vấn đề quản lý đô thị và trật tự ATXH; Nhóm vấn đề Văn hóa - Xã hội và dân sinh; Nhóm vấn đề quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Viết Thành |
Theo sự phân công, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Huy Tưởng là người đăng đàn đầu tiên, trả lời về nhóm vấn đề Kinh tế - Ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Về hỗ trợ DN, năm nay, dự toán bố trí 100 tỷ đồng, nhưng kết quả giải ngân 5 tháng đầu năm mới đạt 7,6%, theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Huy Tưởng, nguyên nhân là do cơ chế chính sách đặt ra quá chặt chẽ như phải liên quan đến xuất khẩu, có đông lao động… Các DN có dự án được hỗ trợ theo dạng xã hội hóa như giết mổ gia súc, gia cầm thì hiện các dự án này lại chưa hoàn thành nên chưa xuất trình được khế ước vay ngân hàng để nhận hỗ trợ, dự kiến 6 tháng cuối năm sẽ cố gắng thực hiện.
Về tình hình bố trí vốn để trả nợ xây dựng cơ bản, kết quả thực hiện trả nợ xây dựng cơ bản ở Thành phố và các quận, huyện, thị xã theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch cho biết, việc nợ XDCB chỉ có ở cấp quận, huyện, xã chứ không có ở cấp Thành phố. Theo chỉ thị của Thủ tướng, UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo xử lý, yêu cầu các quận, huyện bố trí cho các dự án nợ XDCB trước rồi mới đến các dự án khác. Nhưng các quận, huyện vẫn dùng vốn bố trí cho các dự án mới, chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thành phố và Thủ tướng. UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo.
Về thông tin từ Cục Thuế Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 2.896 tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng 3.633 lô đất (1.773 tổ chức, doanh nghiệp có giấy tờ; 1123 tổ chức, doanh nghiệp không có giấy tờ hợp pháp theo quy định) mới được tính tạm nộp tiền thuê đất sản xuất kinh doanh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, phức tạp trong quản lý nhà nước, theo Phó Chủ tịch, các lô đất trên chủ yếu được giao cho các tổ chức và hộ gia đình kinh doanh từ những năm hòa bình lập lại (1954) đến nay, nên việc quản lý hồ sơ đất đai là hết sức khó khăn nên Thành phố phải ấn định mức thuế tạm thu khi chưa ký được hợp đồng. UBND Thành phố đã mời các ban, ngành liên quan để giải quyết.
Về dự kiến hụt thu ngân sách của Hà Nội năm nay là 10.300 tỷ đồng, Thành phố chưa có điều chỉnh dự toán thu của năm 2013, vẫn quyết tâm hoàn thành dự toán được giao với quyết tâm cao nhất. Trong trường hợp đặc biệt bị hụt thu, Thành phố sẽ tiết kiệm chi thêm 10% nữa trong 7 tháng còn lại của năm 2013; cắt chi thường xuyên đã có trong dự toán nhưng chưa phân bổ; các khoản bố trí cho đầu tư XDCB chưa được sử dụng cũng sẽ cắt. Ngoài ra, nguồn 5% tăng thu hàng năm để dành cho cải cách tiền lương, trong khi chưa sử dụng đến, Thành phố sẽ đề nghị Bộ Tài chính cho sử dụng để bù vào hụt thu. Cùng với đó, theo kế hoạch, năm nay, Thành phố được phép phát hành 2000 tỷ đồng trái phiếu nhưng hiện mới phát hành 1000 tỷ đồng, nếu vốn đầu tư XDCB hụt dự toán thì sẽ phát hành trái phiếu đợt 2 là 1.000 tỷ đồng để bù vào nguồn này.
Sau phần trả lời của Phó Chủ tịch, nhiều đại biểu HĐND Thành phố đã tập trung chất vấn và tái chất vấn về vấn đề nợ đọng XDCB và việc tạm thu thuế với các DN chưa đủ giấy tờ hợp lệ.
Về việc tạm thu thuế với hơn 1.000 lô đất của các DN chưa đủ giấy tờ hợp lệ, các đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Nguyễn Tuấn Thịnh, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Xuân Diên băn khoăn về tính hợp pháp trong thực hiện và các giải pháp khắc phục.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng, căn cứ để thu thuế đối với các trường hợp này đều thực hiện theo đúng quy định pháp luật là: nếu khoản thu nào DN không chứng minh được thì cơ quan thuế có quyền ấn định. Mặt khác, bản thân DN đang sản xuất kinh doanh trên mảnh đất đó và đã tự kê khai nên cơ quan thuế sẽ áp dụng đúng mức thu đất với đơn vị sản xuất kinh doanh.
“Việc tạm thu này không đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa mảnh đất đó cho DN mà Nhà nước thu thuế vì DN có sử dụng đất, có sản xuất kinh doanh”, Phó Chủ tịch lưu ý.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các DN để thu đủ, thu đúng, Phó Chủ tịch cho biết, Thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch phân khu để Sở TNMT có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính để hỗ trợ DN, đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra các DN chây ì không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Tiếp tục “truy” Phó Chủ tịch về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Nam cho rằng, số lô đất tạm tính thuế hiện chiếm gần 50%, như vậy sẽ rất phức tạp trong quản lý, trong khi mức tạm tính thường áp thấp hơn quy định, như vậy DN không có giấy tờ bất hợp pháp lại lợi hơn DN có đủ giấy tờ, không khuyến khích được các DN nỗ lực hoàn thiện giấy tờ.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch khẳng định, đơn giá để tính thuế đều theo đúng quy định của Thành phố, không có chuyện DN có giấy tờ hợp lệ thì thu mức cao hơn DN không có giấy tờ hợp lệ, chỉ có “du di” một chút là vì không có số liệu chính xác về diện tích.
Làm rõ thêm nội dung này, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Văn Hải đã nhận trách nhiệm về các trường hợp bị chậm thu do không có quy hoạch. Tuy nhiên, theo ông, việc chậm quy hoạch không ảnh hưởng đến việc chậm nộp tiền sử dụng đất. Khi DN đến xin quy hoạch, nếu DN sử dụng đúng hiện trạng thì Sở vẫn cho phép DN thực hiện đúng hiện trạng và đây là điều kiện đủ để thực hiện việc nộp thuế. Tuy nhiên, Sở sẽ cùng các ban, ngành liên quan xem xét lại hơn 1.000 DN chưa có giấy tờ và sẽ báo cáo lại HĐND Thành phố sau phiên chất vấn.
Chất vấn và tái chất vấn về vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản là ý kiến của các đại biểu Nguyễn Thị Thùy, Lê Văn Hoạt, Nguyễn Tuấn Thịnh, Nguyễn Văn Nam.
Các đại biểu quan tâm đến nợ XDCB trong chương trình nông thôn mới và việc đảm bảo công bằng trong phân bổ ngân sách khi mà nếu cấp bù cho những nơi nợ nhiều thì lại không công bằng với các nơi làm tốt, còn cấp theo tiến độ thì nơi nợ nhiều lại không có đủ nguồn để trả nợ.
Trả lời các đại biểu, Phó Chủ tịch thừa nhận, nếu quản lý không tốt các chương trình xây dựng nông thôn mới thì đây sẽ là nguyên nhân dẫn tới nợ XDCB ở các xã. Vì vậy, Thành phố đã yêu cầu các huyện phải xử lý theo đúng nguyên tắc để tránh nợ XDCB, không được bố trí vốn dàn trải và không được triển khai xây dựng dự án khi chưa có nguồn.
Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, Thành phố đang tập trung giải quyết nợ đọng XDCB trong 3 năm, mỗi năm giải quyết khoảng 30% và không được để phát sinh mới. Năm nay, các quận, huyện cũng đã bố trí được gần 30% để trả nợ XDCB. Số nợ phát sinh tiếp, qua kiểm tra, UBND Thành phố đã có văn bản chấn chỉnh việc bố trí, phân bổ vốn đầu tư XDCB và sẽ quyết liệt hơn trong kiểm tra, xử lý nghiêm.
Chưa hài lòng với câu trả lời nhận được, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh nhận xét, phần trả lời của Phó Chủ tịch chưa rõ trách nhiệm của UBND Thành phố. Dường như việc nợ XDCB là ngoài trách nhiệm của UBND Thành phố. Năm 2009, Thành phố đã có nợ XDCB và đã bố trí vốn để xóa nợ. Nhưng đến cuối năm 2012, lại phát sinh nợ, hiện đã lên đến 990 tỷ đồng.
Đại biểu Lê Văn Hoạt cũng cho rằng, nợ XDCB đã tồn tại từ lâu, UBND Thành phố cần có biện pháp chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn.
“Hiện đang có phong trào cho tạm ứng vốn trong triển khai xây dựng nông thôn mới. Đây là thực trạng cần chấn chỉnh”, đại biểu Hoạt nói.
Trước chất vấn quyết liệt của các đại biểu HĐND Thành phố, Phó Chủ tịch cho biết, Thành phố sẽ tăng cường chấn chỉnh lại. Sang năm, trong nguồn vốn phân cấp, nếu giao cho huyện thì sẽ đề rõ dùng bao nhiêu để trả nợ XDCB, nếu huyện ko tuân thủ thì cũng sẽ không giải ngân được.
Kết thúc phần trả lời chất vấn của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Huy Tưởng, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị, UBND Thành phố quan tâm hơn đến việc điều chỉnh, đề xuất cơ chế chính sách theo thẩm quyền và khả thi để hỗ trợ DN, 6 tháng cuối năm sẽ sử dụng có hiệu quả phần ngân sách dành cho hỗ trợ DN và xúc tiến thương mại; công khai các thủ tục, tiêu chí, quy chế sử dụng nguồn hỗ trợ và xúc tiến thương mại.
Về xử lý nợ XDCB, UBND Thành phố cần thực hiện nghiêm chỉ thị của Chính phủ, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị không chấp hành nghiêm, kiên quyết không bố trí công trình mới khi chưa xử lý xong nợ XDCB và không để phát sinh nợ XDCB. Đồng thời, cần có cơ chế xử lý các đơn vị vi phạm, trong đó có xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Sau vụ cháy cây xăng Trần Hưng Đạo: Đóng cửa 10 điểm kinh doanh xăng dầu
Nhóm vấn đề về quản lý đô thị và trật tự ATXH được ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy trả lời.
Trả lời việc thời gian qua, trên địa bàn Thành phố liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân, đe đọa an toàn tính mạng của người dân, Phó Giám đốc Sở cho biết, tình hình cháy nổ trước thời điểm hợp nhất Hà Nội – Hà Tây cũng cao nhưng không cao như sau khi hợp nhất, sau đó có giảm dần, năm 2011 xảy ra 246 vụ, năm 2012 giảm còn 197 vụ…
Theo ông, hàng năm, vào đầu vụ nắng nóng hay xảy cháy, nguyên nhân do thời tiết thúc đẩy gia tăng cháy nổ; ý thức của một bộ phận lãnh đạo, quần chúng nhân dân chưa cao trong quá trình sử dụng điện, các nguồn nhiệt, vật liệu dễ cháy nổ; một số đơn vị coi nhẹ công tác PCCC…
Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thành phố, sau khi thành lập Sở PCCC, đến nay, Sở đã tăng cường quân số lên 1.599 cán bộ chiến sĩ, trong đó có 837 chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ và thành lập 10 đội chữa cháy khu vực với hơn 100 xe phục vụ chữa cháy, cứu hộ... Sắp tới, Sở sẽ có thêm 8 đội chữa cháy khu vực, đồng thời tăng cường bố trí lực lượng tại chỗ hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát PCCC. Song song với đó, Sở đang thực hiện dự án mua trang thiết bị trị giá 600 tỷ đồng.
Về việc kiểm tra, rà soát việc cấp phép và hiện trạng đảm bảo an toàn PCCC của 489 cây xăng đang hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là vùng nội đô; kế hoạch xử lý các trạm không đảm bảo an toàn sau vụ cháy cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm ngày 03/6 vừa qua, Phó Giám đốc Sở PCCC cho biết, Sở vẫn thường xuyên kiểm tra theo tiến độ quý, 6 tháng, 1 năm, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên ngành để kiểm tra theo đợt. Những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, Sở đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan triển khai được 3 đợt kiểm tra. Trước vụ cháy tại đường Trần Hưng Đạo, đã kiểm tra 52 cây xăng dầu và sau khi xảy cháy, Sở đã kiểm tra đợt 1. Qua kiểm tra, đã yêu cầu 8 cửa hàng phải phá dỡ, 2 cửa hàng phải ngừng kinh doanh, 52 cửa hàng phải cải tạo lại trong đó có 28 cửa hàng đã cải tạo xong, 24 cửa hàng chưa xong cải tạo. Hiện Sở đang tiếp tục tiến hành kiểm tra đợt 2, đến hết tháng này mới kết thúc và sẽ có nhận xét, đánh giá với từng cửa hàng.
Chất vấn trực tiếp Phó Giám đốc Sở, các đại biểu Vũ Cao Minh, Nguyễn Thị Thùy đề nghị cho biết lộ trình xử lý những địa điểm kinh doanh xăng dầu không đảm bảo yêu cầu, phải di dời.
Theo Phó Giám đốc sở, do quy chuẩn cũ và mới có sự thay đổi lớn đặc biệt là về diện tích tối thiểu và khoảng cách an toàn giữa cây xăng với nhà dân, trong khi nhiều cây xăng trên địa bàn đã được cấp phép và hoạt động từ cách đây hàng chục năm, theo những quy chuẩn cũ nên liên ngành sẽ phải bàn cách xử lý. Hướng là những đơn vị kinh doanh xăng dầu nào không thể khắc phục được các quy định an toàn về cháy nổ bằng các biện pháp công nghệ thì sẽ buộc phải di dời.
Các đại biểu Nguyễn Minh Quân, Đặng Đình An, Bùi Đức Hiếu, Nguyễn Thị Quỳnh Anh quan tâm đến công tác phòng chống cháy nổ tại các chung cư cao tầng và trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các cơ quan chức năng, khả năng cứu hộ hiệu quả của Thành phố với các tòa nhà cao tầng.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam nhận xét, báo cáo của UBND Thành phố “toàn chỉ đạo”, trong khi đại biểu HĐND Thành phố cần biết kết quả tổ chức thực hiện, từ quy hoạch hệ thống mạng lưới, trang thiết bị, kinh phí hỗ trợ, khả năng ứng trực sẵn sàng chiến đấu, trách nhiệm của Sở trong việc đảm bảo công tác PCCC của Thành phố…
Trả lời các đại biểu, Phó Giám đốc Sở cho biết, hiện Thành phố có 5 xe thang cao 52m, nếu tính theo độ cao thì chỉ lên được tới tầng 15. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi thiết kế xây dựng, các nhà cao tầng đều phải đảm bảo và được cơ quan chức năng thẩm định các yếu tố về kỹ thuật và trang thiết bị PCCC. Ở các nhà cao tầng, cửa thoát nạn bằng thang bộ là quan trọng nhất, ngoài ra còn phải đảm bảo cả khối lượng nước chữa cháy, có hệ thống báo cháy tự động để phát hiện cháy sớm; có hệ thống chữa cháy tự động dọc hành lang để đảm bảo cho người thoát nạn từ căn hộ ra hành lang; có hệ thống chữa cháy vách tường, bình chữa cháy cục bộ... Còn thang chữa cháy chủ yếu nhằm đưa lực lượng chữa cháy và trang thiết bị lên cao nhanh và ứng cứu những người không có khả năng thoát nạn bằng thang bộ.
“Chúng ta không thể xây nhà bao nhiêu tầng thì phải có thang đáp ứng được chiều cao đó. Bản thân các công trình phải đảm bảo yêu cầu cho thoát nạn”, Phó Giám đốc Sở nói.
Về việc sử dụng máy trong chữa cháy, Phó Giám đốc Sở cho biết, trong trường hợp xảy cháy ở các nhà cao tầng, khói và nhiệt lên mạnh, máy bay khi đi vào rất nguy hiểm, có thể rơi máy bay ngay. Do đó, không nên sử dụng trực thăng chữa cháy mà dùng vào cứu hộ, cứu nạn thì hiệu quả hơn.
Khép lại phần trả lời của Phó Giám đốc Sở PCCC, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh thêm, Thành phố cần có lộ trình di dời và đình chỉ ngay những cây xăng nguy hiểm, không đáp ứng đủ điều kiện và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời quản lý chặt chẽ hon việc cấp phép kinh doanh các cây xăng, cùng đó tăng cường tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng và tạo chuyển biến về PCCC; làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan trong PCCC và xử lý những bất cập trong lĩnh vực này.