Đề xuất tăng cước 3G: Đừng để DN “bắt tay” tăng vô lý

Xe++ - Ngày đăng : 07:12, 05/07/2013

(HNM) - Tại hội nghị sơ kết ngành thông tin truyền thông (TT-TT) 6 tháng đầu năm vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Viettel đã đề xuất Bộ TT-TT tăng cước dịch vụ 3G.

Theo lãnh đạo Viettel, lý do của việc tăng giá là hiện nay hạ tầng công nghệ tốt cộng với việc thị trường có nhiều dòng điện thoại smartphone xuất hiện với giá rẻ và dự kiến trong tương lai, lượng người sử dụng dòng điện thoại thông minh này ngày càng lớn. Từ đó, tỷ lệ thuê bao sử dụng dịch vụ internet 3G sẽ ngày càng cao. Song, giá cước 3G hiện thấp so với giá thành, gây ra những bất cập như khi lượng thuê bao tăng và sẽ đòi hỏi dịch vụ chất lượng cao mà vốn đầu tư cho 3G lại rất lớn. Vị lãnh đạo này cũng đặt ra vấn đề tăng cước dịch vụ như thế nào cho phù hợp. Trước đó, đầu tháng 4-2013, hai nhà mạng MobiFone và Vinaphone cũng tăng giá gói cước internet 3G không giới hạn từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/tháng (bằng giá với gói cước không giới hạn của Viettel). Trong phần lý giải, đại diện của các nhà mạng này cho biết, khi mới triển khai dịch vụ 3G, để thu hút người dân sử dụng và tăng sức cạnh tranh, DN đã đưa ra giá thấp so với giá thành. Vinaphone cho biết tỷ lệ thuê bao và doanh thu từ 3G thấp trong khi chi phí đầu tư cho mạng 3G lại rất lớn. Nếu không tăng giá dịch vụ thì về lâu dài người tiêu dùng sẽ chịu thiệt khi nhu cầu sử dụng cao mà DN lại không có tiền để đầu tư cho mạng lưới… Tại các cuộc tọa đàm về viễn thông, một số chuyên gia cũng cho rằng cước dịch vụ internet 3G tại Việt Nam thuộc diện thấp trong khu vực. Nếu so với thế giới, rẻ hơn tới 40 lần so với các nước khu vực Châu Âu, rẻ hơn 10 lần so với Trung Quốc…

Cước dịch vụ 3G ở Việt Nam thuộc diện thấp trong khu vực. Ảnh: Thanh Hải


Thực tế kể từ khi triển khai dịch vụ đến nay, cả ba nhà mạng lớn đã chi cả chục nghìn tỷ đồng đầu tư mạng lưới. Điều này được Bộ TT-TT ghi nhận khi khẳng định: "Hạ tầng viễn thông, internet của Việt Nam tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh, nhất là mạng di động 3G. Các DN như Vinaphone, MobiFone, Viettel đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư mạng lưới và cung cấp dịch vụ như đã cam kết". Mạng 3G đã được phủ rộng trên cả nước đến gần 100% dân số, trong khi giá cước chỉ gần 2USD/tháng (gói cước dành cho sinh viên). Chất lượng mạng lưới tương đối tốt, giá cước thấp cộng với sự bùng nổ của điện thoại smartphone giá rẻ khiến lượng thuê bao 3G tại Việt Nam tăng mạnh, theo số liệu của Bộ TT-TT, hiện cả nước có khoảng 20 triệu thuê bao 3G.

Về đề xuất tăng cước 3G của Viettel, lãnh đạo Bộ TT-TT cho biết, việc tăng, giảm giá là do DN quyết định và phải dựa trên giá thành, nhu cầu của thị trường cũng như mặt bằng chung của khu vực, thế giới. Bộ chỉ can thiệp trong trường hợp DN tăng giá quá mức gây bất ổn cho thị trường. Như vậy, có thể hiểu là việc tăng cước 3G (nếu có trong thời gian tới) sẽ do DN quyết định. Thực tế Bộ chỉ quản lý giá cước liên quan đến những dịch vụ công ích, giá kết nối giữa các DN với nhau. Vậy, câu hỏi đặt ra là Viettel sẽ tăng cước bao nhiêu? Rồi sau Viettel, cả MobiFone và Vinaphone có tăng theo? Đến nay, Viettel chưa tiết lộ mức độ tăng giá, song có thể thấy, trong bối cảnh thị trường viễn thông Việt Nam vốn cạnh tranh quyết liệt như hiện nay thì rất khó có thể đưa ra mức tăng đột biến. Bởi, giả sử nếu chỉ Viettel tăng cước 3G, mà VNPT không tăng cước, rất có thể khách hàng sẽ chuyển sang dùng 3G của MobiFone hoặc Vinaphone. Còn trường hợp cả ba cùng tăng giá - đây cũng là khả năng dự đoán có thể xảy ra… thì người sử dụng di động chỉ còn biết hy vọng cơ quan quản lý là Bộ TT-TT cần theo dõi sát sao để tránh tình trạng các DN cùng "bắt tay" tăng giá vô lý, gây thiệt hại cho khách hàng.

Việt Nga