Quan trọng là tìm ra “đường ray” ăn ý

Giải trí - Ngày đăng : 06:28, 05/07/2013

(HNM) - Thêm một lần nữa khán giả được thưởng thức sự kết hợp của ca sĩ Tùng Dương với ban nhạc jazz đa quốc tịch Unit Asia trong đêm nhạc vào tối 12-7 tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội).

- Anh suy nghĩ gì khi lần thứ hai được mời biểu diễn với ban nhạc jazz nổi tiếng Unit Asia?

- Tôi nghĩ, với một ban nhạc jazz đa quốc tịch và tài năng như Unit Asia thì điều quan trọng nhất là sự hòa hợp, ăn ý khi chơi nhạc cùng nhau. Với nghệ sĩ khách mời cũng vậy. Khi ngôn ngữ của âm nhạc vang lên thì người nghệ sĩ cảm thấy tất cả như anh em một nhà, không còn khoảng cách nữa. Hơn nữa, giữa chúng tôi có sợi chỉ kết nối xuyên suốt, đó chính là bản sắc văn hóa Châu Á.

Ca sĩ Tùng Dương và Unit Asia sẽ biểu diễn trong đêm nhạc tối 12-7.


- Trong lần biểu diễn đầu năm 2012, anh thấy ban nhạc này có điểm gì nổi bật, có đồng điệu với phong cách âm nhạc của anh hay không?

- Năm ngoái, khi tôi đưa tác phẩm “Một thoáng Tây Hồ” của nhạc sĩ Phó Đức Phương vào chương trình, họ đã đồng ý. Sau khi hòa âm thì tinh thần của bài hát vẫn vẹn nguyên chứ không bị cuốn hoàn toàn theo cách hòa thanh của jazz. Có nghĩa rằng, cái tinh tế, ý nhị, lãng đãng, nhẹ nhàng, bay bổng, đầy ẩn ý của người Châu Á được họ đồng cảm và làm cho “ra chất”. Do đó, tôi thấy mình như được thăng hoa. Điều làm tôi nể phục là từng thành viên ban nhạc đều rất tài năng. Kỹ thuật chơi nhạc của họ thì khỏi phải bàn và quan trọng là bản sắc và tư tưởng của họ thể hiện qua đó: Một thứ jazz đương đại rất mạnh mẽ, năng động, đa dạng, có chiều sâu mà vẫn rất lãng mạn. Tôi thấy mình cũng là người có tâm hồn lãng mạn và phóng khoáng như họ (cười).

- Trong chương trình biểu diễn tới đây, phần kết hợp giữa anh và ban nhạc sẽ gồm những gì? Sẽ có tiết mục “đinh” chứ?

- Tôi sẽ hát hai ca khúc quốc tế kinh điển và những ca khúc Việt Nam như “Chiếc khăn Piêu”, “Giăng tơ”... Tất cả đều được Unit Asia phối khí lại. Khi nghe tôi hát “Chiếc khăn Piêu” qua mạng, họ tỏ ra thích thú vì màu sắc dân gian và tính ngẫu hứng của bài hát. Tôi nghĩ đấy là tiết mục “đinh” của mình.

- Hát những bài từng quen thuộc với khán giả Việt Nam như vậy, Tùng Dương và Unit Asia phải làm gì để tránh sự nhàm?

- Một khi đã chơi bài hát Việt Nam thì tổng thể phải ra được chất Việt Nam. Chúng tôi đã trao đổi với nhau rất nhiều, qua email, điện thoại, trao đổi băng đĩa để có thể tìm ra cách biểu diễn những ca khúc ấy, làm sao để giữ được “chất” mà vẫn tươi mới.

- Ban nhạc và anh sẽ tập luyện với nhau như thế nào?

- Tôi sẽ có hai buổi luyện tập với Unit Asia ngay khi họ sang. Với jazz thì không nên tập quá nhiều, quan trọng nhất là tìm được “đường ray” ăn ý. Thực ra, đã chơi với nhau một lần ăn ý thì mãi mãi sẽ ăn ý, luôn có cảm hứng. Tôi đang rất háo hức và luôn mong chờ được tham gia những chương trình như thế này, bởi đây cũng là cơ hội để tôi “giữ lửa” với jazz.

- Xin cảm ơn anh!

Thụy Du