Giúp nông dân thoát nghèo và tăng giá trị xuất khẩu
Xã hội - Ngày đăng : 06:02, 05/07/2013
Hiệu quả cao nhưng mới chỉ... tiềm năng
Thạc sỹ Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn chọn tạo giống tằm, Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ - Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam cung cấp cho thị trường 2.652 tấn tơ/năm, chiếm 2,3% tổng sản lượng tơ thế giới. Giá trị tổng sản lượng hằng năm đạt 150-200 triệu USD, trong đó chủ yếu là xuất khẩu (chưa tính giá trị gia tăng trong khâu dệt lụa). Những năm tới, tiềm năng sản xuất lên tới 3.640 tấn tơ các loại. Theo thống kê, hiện nước ta có 96.691 hộ với hơn 250.534 người trồng dâu nuôi tằm ở 31 tỉnh, thành phố. Với số lao động chiếm 0,39% tổng số lao động nông nghiệp, sản xuất dâu tằm đóng góp gần 0,8% tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp.
Nông dân xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì trồng dâu, phục vụ cho nuôi tằm. Ảnh: Quốc Ân |
Một vài con số trên cho thấy nghề trồng dâu nuôi tằm có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nhiều ngành nghề khác. Đây cũng là nghề rất thích hợp đối với nông dân và có ý nghĩa trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu ở các vùng nông thôn. Nhiều nơi như Mộc Châu, Yên Bái, một số tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, Lâm Đồng… đã phát triển mạnh nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Tuy nhiên, ngành dâu tằm tơ còn nhiều lúc thăng trầm. Thời kỳ "hoàng kim" năm 1994, diện tích trồng dâu lên đến 38 nghìn héc ta, nhưng sau đó thu hẹp chỉ còn trên 14 nghìn héc ta. Đến nay, diện tích trồng dâu dao động khoảng 25 nghìn héc ta. Mặc dù nuôi tằm là nghề lâu đời song đa số người dân làm theo kinh nghiệm cha truyền con nối, không nắm vững các biện pháp kỹ thuật chủ yếu mà vẫn có tâm lý "nhờ vận", do đó bệnh tằm phát sinh nhiều dẫn đến năng suất kén thấp và bấp bênh. Nguồn cung ứng giống tằm trôi nổi theo thị trường tự do, không rõ nguồn gốc xuất xứ nên chất lượng không bảo đảm dẫn đến giá thành cao, kế hoạch sản xuất bị lệ thuộc.
Chuyển giao kỹ thuật tới các trạm khuyến nông
Xuất phát từ thực tế này, từ năm 2011 đến năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ trung ương - Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai dự án "Trồng dâu và nuôi tằm giống mới" với mục đích tăng năng suất và thu nhập cho người trồng dâu nuôi tằm. Trong hai năm qua, dự án đã được triển khai ở 5 tỉnh, trồng mới 18ha giống dâu lai VH15, VA201, nuôi tằm với 3.780 vòng trứng giống tằm. Năng suất bình quân của các mô hình đạt trên 1.500kg kén/ha dâu, tăng so với đại trà là 15%. Thu nhập từ kén đạt trên 150 triệu đồng/ha dâu. Tham gia dự án, người trồng dâu đã nắm vững quy trình kỹ thuật trồng thâm canh dâu giống mới, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật nuôi tằm giống mới, cách phòng trừ bệnh hại tằm. Qua quá trình tập huấn, trình độ tổ chức, triển khai dự án của cán bộ địa phương cũng được nâng lên. Chủ nhiệm dự án Nguyễn Thị Min cho biết, tại mỗi điểm triển khai đều có ít nhất một cán bộ phụ trách và hướng dẫn kỹ thuật tại chỗ cho bà con nông dân, đồng thời tổ chức cho gần 400 hộ trồng dâu nuôi tằm đi tham quan tại các mô hình thành công để học tập kinh nghiệm.
Đối với các đề tài nghiên cứu khoa học nói chung và dự án nói riêng thì việc nhân rộng kết quả mô hình là điều đặc biệt được quan tâm. Nhóm thực hiện dự án "Trồng dâu và nuôi tằm giống mới" đã làm được điều này với việc phối hợp với trạm khuyến nông các tỉnh để chuyển giao kỹ thuật, đồng thời giới thiệu tới bà con nông dân các địa chỉ đáng tin cậy trong sản xuất, chế biến, cung ứng các giống cây dâu, giống tằm và vật tư, thuốc phòng trừ bệnh tằm phục vụ sản xuất hộ nông dân. Đây là bước mở đầu cho việc nhân rộng kết quả dự án trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhóm triển khai dự án cũng chia sẻ, do đặc điểm trình độ dân trí của nông dân trong các tỉnh không đồng đều nên hiệu quả công tác khuyến nông còn bị hạn chế. Nhóm thực hiện dự án cho rằng, các dự án khuyến nông cần chủ động hơn nữa trong việc lên kế hoạch và tổ chức thực hiện, nhằm xây dựng được các chương trình, dự án khuyến nông chuyên sâu và cụ thể để giải quyết nhu cầu cho từng vùng, từng địa phương.