Ai Cập: Cuộc cách mạng thứ hai

Thế giới - Ngày đăng : 05:39, 05/07/2013

(HNM) - Bốn ngày rung chuyển Ai Cập đã kết thúc bằng một kịch bản được dự báo.



Chỉ vài tiếng sau khi thời hạn chót của tối hậu thư 48 giờ kết thúc mà không có sự nhượng bộ nào từ người đứng đầu đất nước, lực lượng vốn có vai trò đặc biệt trên chính trường Ai Cập đã quyết định phế truất Tổng thống Mohamed Morsi.

Người dân Ai Cập vui mừng đón nhận thông tin ông M.Morsi bị phế truất.


Không một tiếng súng, không đổ máu và cũng không có nhiều cuộc thương thảo kéo dài hàng giờ, vị tổng thống dân cử đầu tiên của xứ Kim tự tháp đã phải ra đi trong yên lặng cho dù từng tuyên bố sẽ phản kháng đến cùng. Bị quản thúc tại gia, bị đưa đến một địa điểm bí mật hay đã được áp giải đến trụ sở Bộ Quốc phòng..., hiện có nhiều thông tin liên quan đến tình trạng của ông M.Morsi. Tuy nhiên, số phận của vị tổng thống vừa bị lật đổ không còn là mối quan tâm hàng đầu của hàng chục triệu người dân quốc gia Bắc Phi. Với họ, những người đã từng đặt niềm tin vào một mùa xuân mới ở đất nước của các Pharaoh sau kỷ nguyên Hosni Mubarak kéo dài đến 3 thập kỷ, thì cuộc cách mạng thứ hai chỉ trong vòng hơn hai năm ở Ai Cập đã hoàn tất với sự nắm quyền của Tổng thống lâm thời Adly Mansour.

Những tiếng reo hò mừng vui của đám đông ở quảng trường Tahrir tại thủ đô Cairo cũng như hàng chục địa điểm khác trên cả nước khi sự nghiệp chính trị ngắn ngủi của cựu Tổng thống M.Morsi bị đặt dấu chấm hết đã gợi nhớ đến hồi ức chưa xa của Cách mạng Hoa sen. Những người dân đã đổ ra đường từ ngày đáng nhớ 25-1-2011 có lẽ cũng chưa thể tin tưởng hoàn toàn rằng họ có thể làm nên lịch sử cho đến lúc "triều đại" Mubarak kết thúc vào ngày 11-2 năm ấy. Thế nhưng, dòng người chất chứa bất mãn chật đầy đường phố của cuộc cách mạng 30-6 năm nay biết rõ họ muốn gì và phải làm gì. "Bánh mỳ, tự do và công bằng xã hội", khẩu hiệu giản đơn của phong trào Tamarod (có nghĩa là Nổi dậy) không chỉ gói ghém nguyện vọng của người tham gia mà cũng phần nào cho thấy chân dung của quốc gia Arab đông dân nhất sau một năm dưới sự điều hành của cựu Tổng thống M.Morsi.

Cho đến nay, có quá nhiều phân tích để mổ xẻ nguyên nhân thất bại của nhà lãnh đạo được dân bầu này. Không ít người dành cho ông sự nuối tiếc khi người đứng đầu xứ Kim tự tháp đã không thể vận dụng nền tảng bầu cử vững chắc có được để đáp lại kỳ vọng của cử tri về một cuộc sống đầy đủ, ấm no và một xã hội cởi mở hơn. Ngược lại, với sự hậu thuẫn của phong trào Anh em Hồi giáo, vị tổng thống 62 tuổi thậm chí đã đưa ra những quyết sách có xu hướng bóp nghẹt các thể chế dân chủ nhanh hơn cả người tiền nhiệm H.Mubarak. Cùng với việc lơ là các nỗ lực cải thiện nền kinh tế xuống dốc, ông cũng ngày càng xây dựng hình ảnh như một nhà lãnh đạo thèm khát quyền lực. Tuy nhiên, ngọn nguồn của cơn chính biến chưa hẳn đã nằm ở đây. Việc cài đặt lại hệ thống các cơ quan nhà nước với nhiều gương mặt mang dáng dấp của chủ nghĩa tôn giáo cứng rắn thuộc nhóm Anh em Hồi giáo đã mang đến nỗi lo sợ về sự trở lại của bóng ma độc tài và nguy cơ cực đoan hóa nền chính trị, xã hội Ai Cập. Thậm chí, đã có những nghi vấn rằng quyền lực thực sự tại đất nước của các Pharaoh không hẳn thuộc về ông M.Morsi mà nằm trong tay những "đức Hồng y màu xám", các thủ lĩnh của phong trào Anh em Hồi giáo. Vì vậy, những bất ổn tại quốc gia 84 triệu dân suốt một năm qua không đơn giản chỉ vì cơm ăn, áo mặc hay đòi dân chủ. Thực chất, đây còn là cuộc chiến tư tưởng giữa phe Hồi giáo cứng rắn được trao quyền qua bầu cử, phe đối lập gồm những tín đồ Cơ đốc giáo, thế tục lo sợ sự cai trị của lực lượng Hồi giáo và quân đội hùng mạnh của Ai Cập từng nắm quyền một thời nhưng đang lui vào hậu cảnh.

Tuy nhiên, cuộc lật đổ đường phố vừa diễn ra dù đã chính thức đưa xứ Kim tự tháp vào một ngã rẽ mới nhưng cũng chưa thể khẳng định đoạn đường tìm kiếm bánh mỳ và dân chủ phía trước sẽ thế nào. Việc quay lại chính trường của quân đội, thế lực chính trị quyền lực bậc nhất tại Ai Cập chắc chắn không phải là cách thức tốt nhất để ổn định đất nước. Trong khi đó, phe đối lập được cho là còn khá non yếu và chưa đủ sức mạnh để dẫn dắt quốc gia Bắc Phi qua loạn lạc. Thế nhưng, 84 triệu dân Ai Cập vẫn trông đợi cuộc cách mạng sông Nile vừa hoàn thành sẽ mang đến mùa xuân thứ hai ở nước này khi Mùa xuân Arab đầu tiên đã qua đi mà không để lại những hơi ấm nhiệm màu.

Vân Khanh